iPhone chính hãng giá "cắt cổ": Người dùng Việt Nam đang bị "móc túi"?

16:09, 09/12/2016
|

(VnMedia)- Mấy ngày vừa qua trên một số diễn đàn mạng, người dùng Việt đang tranh cãi khá gay gắt về khái niệm thế nào là iPhone hàng chính hãng. Liên quan đến mã hàng (part number), một số quan điểm cho rằng, iPhone chính hãng ở Việt Nam phải có mã VN/A mới được bảo hành tại các điểm bảo hành uỷ quyền của Apple. Trong khi đó, nhiều sản phẩm có mã hàng khác (ZP/A, B/A,..) vẫn được các đơn vị phân phối và bán lẻ lớn định nghĩa là hàng chính hãng và cũng có cùng chế độ bảo hành theo tiêu chuẩn Apple tại các Trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple.

Vậy câu hỏi đặt ra là việc gắn khái niệm “mã hàng VN/A” với khái niệm “chính hãng” có chính xác không? Và lý do thực sự ẩn sau việc này là gì?

Theo tìm hiểu chi tiết của phóng viên trên trang web của Apple (link: http://www.apple.com/iphone/LTE/), Apple hiện chỉ quy định là model nào thì sẽ phù hợp để sử dụng ở các quốc gia nào. Ngoài ra không có bất kỳ một tài liệu nào từ Apple quy định việc mã hàng nào dành cho quốc gia nào. Ví dụ:

  • iPhone 7 model A1660, iPhone 7 Plus model A1661: Sử dụng cho phần lớn nhà mạng tại Mỹ, Trung quốc, Hồng Kông, Ma Cau, Puerto Rico, đảo Virgin thuộc Mỹ.

  • iPhone 7 model A1779, iPhone 7 Plus model A1785: Sử dụng tại Nhật

  • iPhone 7 model A1778, iPhone 7 Plus model A1784: Sử dụng cho các nước còn lại

Việc này giúp cho người tiêu dùng chọn đúng loại sản phẩm phù hợp với băng tần viễn thông tại quốc gia mình sinh sống. Vì theo hướng dẫn chi tiết của Apple tại link: http://www.apple.com/iphone/LTE/ ), các sản phẩm đã được hợp quy để phù hợp với tiêu chuẩn viễn thông tại mỗi nước, theo phân loại model cho từng thị trường chứ không phải theo mã hàng sản phẩm.

Ngoài ra, việc chọn đúng model sản phẩm sẽ giúp người dùng không gặp trở ngại khi bảo hành sản phẩm theo tiêu chuẩn Apple tại quốc gia đó do khi đổi hoặc sửa chữa thì phải đảm bảo iPhone vẫn giữ lại thông số của sản phẩm gốc. Cụ thể tại chính sách bảo hành của Apple quy định rõ: “Sau dịch vụ bảo hành, Sản phẩm Apple của bạn hoặc thiết bị thay thế sẽ được trả lại cho bạn trong tình trạng như Sản phẩm Apple đã được cấu hình khi bạn mua vào lúc ban đầu, phụ thuộc vào các cập nhật có thể được áp dụng”. (Link: https://www.apple.com/legal/warranty/products/ios-warranty-rest-of-apac-vietnamese.html )

Cũng trên web của hãng này còn có danh sách các tính năng của iOS 10 sử dụng được tại các quốc gia mà không đề cập đến các giới hạn liên quan đến mã hàng hay model. Cụ thể tại đây: http://www.apple.com/ios/feature-availability/

Trong phần thông tin chi tiết về kết nối mạng khi mua máy trên Apple Store, Apple cũng nói rõ iPhone là world phone và có thể phù hợp để dùng ở hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới, chỉ có mạng LTE/3G/4G thì phải kiểm tra theo từng quốc gia và không đề cập đến các giới hạn liên quan đến mã sản phẩm.

Tham khảo trên Bản tin Thông tin thương mại của Bộ Công thương, phóng viên cũng thấy một số model Macbook nhập khẩu có mã ZP/A, SA/A,.. ; iPad có mã TH/A; iPhone có mã ZP/A, VN/A,.. Các sản phẩm Apple với các mã hàng này đều được bán tại các chuỗi bán lẻ lớn và đều được gọi là hàng chính hãng.

Đáng chú ý, so sánh giá nhập khẩu 1 model iPhone 7 32GB so với giá bán lẻ niêm yết của một số chuỗi bán lẻ lớn thì mức chênh lệch là gần 6 triệu đồng. Cụ thể, giá nhập khẩu chiếc iPhone 7 32GB là 544 USD (tương đương khoảng 12 triệu đồng) thì giá bán lẻ niêm yết thực tế là 18,79 triệu đồng. Còn giá nhập khẩu chiếc iPhone 7 Plus 128GB là 618 USD (tương đương khoảng 14,2 triệu đồng) cũng được bán lẻ với giá lên tới 25,19 triệu đồng.

Một chiếc iPhone bán ra có lãi tới hơn 6 triệu đồng
Một chiếc iPhone bán ra có lãi tới hơn 6 triệu đồng

Vậy thì động thái truyền thông mã hàng VN/A mới là chính hãng trong khi không có 1 cơ sở nào từ hãng Apple để nhằm mục đích gì? Phải chăng đây là “chiêu bài” để móc túi người tiêu dùng Việt trong khi họ hoàn toàn có khả năng mua sản phẩm chính hãng Apple khác với giá hợp lý hơn với cùng chất lượng và chế độ bảo hành?

Huyền Thu


Ý kiến bạn đọc