Sinh viên chế tạo máy thiết kế chậu Pokémon 3D

09:22, 05/08/2016
|

(VnMedia) - Sinh viên năm thứ hai ngành Kỹ sư chế tạo máy Phạm Đăng Huy (20 tuổi) của Học viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS) tỏa sáng trong cuộc thi hướng đến sự phát triển các kỹ năng lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp tại đất nước này với sản phẩm chậu Pokémon được in 3D...

Giữ vai trò cố vấn kỹ thuật và là kỹ sư chính của đội 3D Happiness, Phạm Đăng Huy cùng các đồng đội của mình đến từ nhiều quốc gia ASEAN khác nhau đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Doanh Nhân Trẻ (YEC), một cuộc thi cấp quốc gia tại Singapore. Được tổ chức bởi Trung tâm Khám phá Singapore, cuộc thi này nhằm khai phá, nuôi dưỡng và ươm mầm tài năng của các sinh viên trong việc phát triển các kỹ năng xã hội, kỹ năng lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp. Với tài năng thiên bẩm của một kiến trúc sư và kỹ sư dân dụng, Phạm Đăng Huy luôn khao khát đạt được tấm bằng kỹ sư chế tạo máy.

“Ba mẹ của em đều là kỹ sư vốn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống, do đó em luôn nhen nhóm ý nghĩ rằng một ngày nào đó, em sẽ tiếp nối con đường của ba mẹ em. Nhưng thay vì hứng thú với các tòa nhà và cao ốc chọc trời, em lại dành sự quan tâm của mình cho công nghệ, cảm thấy hào hứng khi nhìn thấy được tầm quan trọng của công nghệ trong đời sống của con người” - Đăng Huy chia sẻ.

Các thành viên trong đội 3D Happiness - Từ trái sang phải - Minati Hingorani (Ấn Độ) Rachel Sirup (Brunei) Bong Angee (Malaysia) Phạm Đăng Huy (Việt Nam).
Các thành viên trong đội 3D Happiness, Phạm Đăng Huy đứng thứ 4 từ trái sang.

Chàng sinh viên năm thứ hai ưu tú của ngành Kỹ sư chế tạo máy hiện là chủ tịch Câu lạc bộ Kỹ sư GEARS thuộc Học viện phát triển Quản lý Singapore (MDIS), từng làm việc trong một nhóm gồm bốn sinh viên chuyên ngành kinh doanh đến từ Brunei, Malaysia, Ấn Độ và Singapore. Khẩu hiệu của nhóm: "Hoài niệm về quá khứ, Công nghệ cho ngày mai, Món quà của hôm nay" khéo léo mô tả sự sáng tạo của nhóm, cho thấy nhóm luôn tưởng nhớ về món quà mà người dân Singapore đã dành tặng, đồng thời thể hiện sự trân trọng, mong muốn của nhóm được đóng góp vào sự phát triển của đất nước vốn được xem là “phố trong vườn" này.

Những chậu Pokémon được in 3D có kích cỡ bằng bàn tay, mỗi chậu gồm một cái cây. Hình thức này tuy đơn giản và vui nhộn nhưng lại có thể tạo ra sự kết nối giữa người lớn và trẻ nhỏ. Việc chăm sóc cây thật tốt để cây nở hoa tượng trưng cho tình yêu giữa các thành viên trong gia đình để cùng nhau phát triển và thắt chặt hơn các mối quan hệ. Với các cha mẹ trẻ, đó còn là cơ hội để họ chia sẻ với con trẻ tình yêu của họ từ những ngày thơ ấu: tình yêu dành cho Pokémon.

Chậu Pokemon 3D xinh xắn của đội 3D Happiness
Chậu Pokemon 3D xinh xắn của đội 3D Happiness

“Chúng em đã nhất trí với nhau về ý tưởng sản phẩm, phát triển kế hoạch kinh doanh và chương trình marketing để bán các sản phẩm này, đồng thời đưa sản phẩm vào cuộc sống. Thông qua bài tập này, chúng em có cơ hội khám phá những công việc thực tế của doanh nghiệp; được tham gia cùng các doanh nhân địa phương, những người đã cố vấn cho nhóm chúng em và cho chúng em cơ hội tiếp xúc với các vấn đề thực tế khi phải đối mặt với các doanh nhân và doanh nghiệp. Tuy vậy, chúng em không gặp quá nhiều khó khăn vì đã được trải nghiệm từ những gì mà chúng em được học hàng ngày tại MDIS", Huy giải thích.

“Là đại diện của Ngành kỹ thuật trường MDIS, em có nhiệm vụ thiết kế và sản xuất các chậu cây Pokemon 3D, bằng cách vận dụng các máy in 3D trong phòng thí nghiệm khoa kỹ thuật. Trong hai tháng làm dự án, em đã học được quản lý dự án và phối hợp với các đồng đội. Em cũng thu thập được nhiều kiến thức hơn và trau dồi tốt kỹ năng in ấn 3D”, Huy hào hứng chia sẻ.

Giáo dục thực hành đóng vai trò quan trọng giúp sinh viên nắm bắt các vấn đề và tìm ra các giải pháp thực tế. MDIS luôn hướng đến việc nuôi dưỡng các nhà lãnh đạo tương lai; cung cấp cho các sinh viên cơ sở vật chất, trang thiết bị và các cơ hội từ những cuộc thi khác nhau nhằm giúp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tự tin hơn khi gia nhập vào thị trường lao động.

Tính đa dạng từ sinh viên địa phương đến sinh viên quốc tế ở trường MDIS cũng góp phần thúc đẩy sự tương tác, giao lưu văn hóa và xã hội, cho phép sinh viên trường MDIS có được cái nhìn toàn diện rộng mở - điều được xem là lợi thế cần có trong nền kinh tế ngày nay.

Nền kinh tế Việt Nam ngày càng được toàn cầu hóa mạnh mẽ dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng và biến đổi đa dạng, từ đó tạo ra một môi trường đầy sôi động cho các doanh nghiệp nước ngoài cũng như công nhân lành nghề mới bước vào thị trường việc làm. Đăng Huy hy vọng rằng thành công của em tại YEC sẽ cổ vũ các sinh viên Việt Nam mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình và giúp Việt Nam sớm trở thành quốc gia phát triển trong tương lai.

“Em muốn trở thành một kỹ sư thị trường để có thể đi du lịch nhiều hơn, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và có được cái nhìn rộng mở hơn khi làm việc ở các trụ sở nước ngoài. Sau khi trở về Việt Nam, em sẽ có thể áp dụng cách tiếp cận vấn đề một cách toàn diện cho công việc của mình và trở thành cá nhân có ích cho xã hội, cống hiến sức mình vào sự phát triển của Việt Nam. Em hy vọng mình có thể truyền cảm hứng cho một thế hệ mới thanh niên Việt Nam để họ trở thành những người thay đổi cuộc chơi, và giữ vai trò quan trọng trong sự chuyển mình của đất nước”, Huy nói thêm.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc