Nên tính chuyện cấm Pokémon Go tại Việt Nam?

08:50, 21/08/2016
|

(VnMedia) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Pokémon Go là trò chơi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép phát hành tại Việt Nam, vì vậy khi có tranh chấp phát sinh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người chơi thì sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý trò chơi điện tử trên mạng. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cũng nên cấm trò chơi này...

Pokémon Go là trò chơi tương tác trên điện thoại được công ty Niantic Labs đưa ra thị trường vào ngày 7/7/2016 vừa qua. Ngay sau khi phát hành, Pokémon Go đã nhanh chóng tạo nên cơn sốt trong giới trẻ và thu hút sự quan tâm không chỉ trong cộng đồng người chơi game.

Điều khiến Pokémon Go trở nên hấp dẫn và trở thành hiện tượng chính là sự kết hợp giữa một thế giới ảo của những con vật tưởng tượng được lồng ghép trên thực tế quen thuộc là các địa điểm địa lý nơi người chơi đang sống. Ngay sau khi chính thức mở phiên bản phát hành cho người sử dụng tại Việt Nam từ ngày 6/8/2016 đến nay đã có hàng trăm nghìn lượt người sử dụng tại Việt Nam tải trò chơi từ 2 ứng dụng App Store và Play Store.

Lợi không thấy mà nhiều nguy hại khó lường

Pokémon Go hấp dẫn người chơi bởi tính năng và đặc trưng của trò chơi. Điều này đã khiến nhiều người khi chơi Pokémon Go say mê tới mức khó có thể rời bỏ. Chính vì vậy, cũng có rất nhiều ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước cảnh báo về những nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn cho người chơi như dễ bị tai nạn, bị cướp giật khi mải mê chơi game ngoài đường, khi tham gia giao thông. Và thực tế ở Việt Nam cũng đã xảy ra tình trạng này.

Mải 'bắt' Pokemon nhiều người tham gia giao thông trên đường Hà Nội đã vô tình gây cản trở giao thông khiến bản thân và người đi đường gặp nguy hiểm. Trò chơi Pokemon Go sử dụng thực tế ảo mở rộng để cho người chơi bắt Pokemon trong đời thực. Tương tự cách các nhân vật trong game đi khám phá thế giới hoặc bắt quái thú. Người chơi Pokemon sẽ phải mở kết nối mạng và GPS trên điện thoại của mình để trò chơi định vị khu vực đang ở và tạo thành bản đồ trong game.

Thời gian qua, Cảnh sát giao thông tại Hà Nội đã xử phạt rất nhiều trường hợp vi phạm lỗi sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông và dừng đỗ sai quy định. Trong số này có không ít trường hợp vi phạm là do mải “bắt” Pokemon. “Mê” bắt Pokemon ở những nơi công cộng, đặc biệt là trên các tuyến đường có mật độ người đi lại lớn, người chơi Pokemon có thể mắc nhiều lỗi vi phạm cùng lúc và rất nguy hiểm. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào với chính bản thân họ và ảnh hưởng tới cả những người tham gia giao thông khác.

Bên cạnh đó, Chính phủ nhiều nước trên thế giới cũng lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vì có thể bị thu thập dữ liệu, hình ảnh ở khắp nơi trong các tòa nhà, địa điểm, vị trí xung quanh người chơi để gửi về máy chủ nhà phát hành. Thậm chí game mới phát hành ở Việt Nam được vài ngày, người chơi đã chia sẻ nhau cách sửa bản đồ Việt Nam thông qua công cụ Map Maker của Google.

Ngoài ra còn có những nguy cơ tiềm ẩn như bị lộ lọt thông tin, đánh cắp dữ liệu cá nhân của người chơi trên điện thoại (thông tin trong thư điện tử email, địa chỉ liên lạc, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng) nếu cài phải phiên bản nhái, có cài đặt mã độc, virút (hiện nay trên các kho ứng dụng vẫn tồn tại nhiều ứng dụng cài đặt Pokémon Go nhái).

Những khuyến nghị

Ngày 17/8/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí với những khuyến nghị đối với người chơi Pokémon Go nhằm giảm thiểu những tai nạn, rủi ro có thể xảy ra, tránh gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an ninh quốc gia.

Theo thông tin gửi đi, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị người chơi tuân thủ 5 nguyên tắc.

1. Pokémon Go là trò chơi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép phát hành tại Việt Nam, vì vậy khi có tranh chấp phát sinh, ảnh hưởng đến quyền lợi của người chơi thì sẽ không được bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý trò chơi điện tử trên mạng.

 2. Cần lưu ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân, tránh lưu trữ thông tin quan trọng, nhạy cảm trên điện thoại chơi Pokémon Go;

3. Kiểm tra cẩn thận trước khi cài đặt Pokémon Go, tránh cài đặt phải những ứng dụng giả và lừa đảo.

 4. Không chơi khi đang tham gia giao thông, không chơi ở các khu vực nguy hiểm như: đường sắt, đường cao tốc, sân bay, sông, hồ, đồi, núi… ;

5. Không chơi gần hoặc trong khu vực các cơ quan của Đảng và Nhà nước, các khu vực quân sự, an ninh quốc phòng và các khu vực cấm.

Nên cấm?

Mặc dù phía cơ quan quản lý nhà nước mới chỉ đưa ra các khuyến nghị đối với người chơi game này, song lệnh cấm chơi cũng được đưa ra cục bộ ở một số địa phương cũng như một số đơn vị quân sự.

Mới đây, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã ra chỉ thị nghiêm cấm sử dụng trò chơi Pokémon Go, tăng cường bảo mật và an toàn thông tin trong toàn lực lượng vũ trang tỉnh. Trong quá trình huấn luyện, học tập công tác ở những vị trí, địa điểm trọng yếu, Bộ CHQS tỉnh cũng nghiêm cấm quân nhân mang điện thoại vào, dù đã tắt nguồn.

Bộ CHQS tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn LLVT tỉnh nâng cao công tác trực sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác và có biện pháp chủ động phòng ngừa, bổ sung tình huống các thế lực phản động, phần tử xấu lợi dụng trò chơi Pokemon Go.

Theo Bộ CHQS tỉnh Bình định, kẻ xấu có thể lợi dụng Pokemon Go để dẫn dụ, kích động tụ tập đông người tại các địa điểm, thời điểm nhạy cảm, tiến hành các hoạt động phá hoại, biểu tình, khủng bố, bắt cóc con tin, gây mất ổn định trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc