Việt Nam tăng kỷ lục về kết nối Internet băng rộng tốc độ cao

17:37, 06/07/2016
|

Theo số liệu của Akamai, trong quý 1/2016 đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng tỷ lệ chấp nhận kết nối Internet băng rộng tốc độ cao trên 10Mbps và 15Mbps của Việt Nam cao nhất khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tốc độ kết nối và mức độ chấp nhận băng rộng

Theo Akamai, tốc độ kết nối trung bình toàn cầu theo quý tăng 12%, lên mức 6,3 Mbps, trong khi tốc độ kết nối đỉnh trung bình toàn cầu tăng 6,8% lến đến 34,7 Mbps. Ở cấp độ quốc gia / khu vực, Hàn Quốc tiếp tục có tốc độ kết nối trung bình cao nhất trên thế giới ở mức 29,0 Mbps, tăng 8,6% so với quý IV của năm 2015, trong khi Singapore duy trì vị thế là quốc gia có tốc độ kết nối đỉnh trung bình cao nhất ở mức 146,9 Mbps, tăng theo quý 8,3%.

Trên toàn cầu, mức độ chấp nhận băng rộng tốc độ 4 Mbps chiếm đến 73%, tăng 5,4% so với quý 4/2015. Trong đó, Hàn Quốc có mức chấp nhận cao nhất lên tới 97%. Do đó không có gì ngạc nhiên khi Hàn Quốc cũng dẫn đầu thế giới ở mức chấp nhận băng thông trên 10 Mbps, 15 Mbps, và 25 Mbps, với tỷ lệ chấp nhận tương ứng là 84%, 69% và 42%. Trên toàn cầu, tỷ lệ chấp nhận băng rộng tốc độ cao 10 Mbps, 15 Mbps và 25 Mbps có xu hướng tăng lên đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2016, tăng 10%, 14% và 19%, đạt mức chấp nhận tương ứng là 35%, 21%, và 8,5%.

Việt Nam có tốc độ kết nối đỉnh trung bình (IPv4) cao hơn cả Trung Quốc, Philippines và Ấn Độ.

Tốc độ kết nối di động

Tốc độ kết nối di động trung bình dao động từ mức 27,9Mbps tại Anh và mức thấp 2,2Mbps tại Algeria trong quý 1/2016, trong khi tốc độ kết nối di động đỉnh trung bình từ 171,6Mbps tại Đức xuống 11,7Mbps tại Ghana. Dựa trên số liệu thu thập từ Ericsson, lưu lượng dữ liệu di động tăng 9,5% so với quý trước.

Tốc độ kết nối trung bình ở Châu Á Thái Bình Dương (IPv4)

Trong quý đầu tiên của năm 2016, Hàn Quốc một lần nữa là quốc gia/khu vực dẫn đầu trên thế giới về tốc độ kết nối trung bình và khoảng cách với điểm thấp nhất (Ấn Độ) được nới rộng ra từ 24Mbps tới 26Mbps. Trong quý đầu tiên tất cả các quốc gia/khu vực được khảo sát tại Châu Á Thái Bình Dương đều có gia tăng tốc độ kết nối băng rộng, phạm vi từ 3,3% ở Trung Quốc tới 31% tại Việt Nam. 11 quốc gia đều tăng trưởng quý 2 con số, so với quý 4/2015 chỉ có 10 quốc gia.

Mặt khác số liệu của Akamai cho thấy, 13/15 quốc gia/khu vực được khảo sát tại Châu Á Thái Bình Dương có tốc độ kết nối trung bình trên ngưỡng băng thông 4Mbps trong quý đầu tiên, tăng từ 11 quốc gia trong năm 2015 – và 7 trong số đó có tốc độ kết nối trung bình trên ngưỡng băng thông 10Mbps, quý trước đó chỉ có 5 quốc gia đạt được. Ấn Độ và Philippines một lần nữa lại là quốc gia có tốc độ kết nối trung bình thấp nhất trong số các quốc gia được khảo sát, cả hai đạt 3,5Mbps.

Tại tất cả 15 quốc gia / vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được khảo sát, tốc độ kết nối trung bình trong quý đầu tiên đều tăng. Indonesia, với mức tăng 110%, một lần nữa là quốc gia duy nhất có tốc độ kết nối trung bình tăng hơn gấp đôi so với năm trước. Mức tăng trong khu vực duy trì từ 12% tại Sri Lanka tới 59% tại Việt Nam.

Đối với tỷ lệ chấp nhận băng thông 4Mbps tại Châu Á Thái Bình Dương (Ipv4) trong quý 1/2016, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu với 97% nhưng lại có mức tăng thấp nhất 1,4%. Trong khi đó, Việt Nam và Ấn Độ lại có tỷ lệ tăng hơn gấp đôi với quý 1/2015. Indonesia một lần nữa dẫn đầu với tốc độ tăng trưởng 674%, một mức tăng đáng nể.

Còn với mức chấp nhận băng rộng tốc độ 10Mbps tại Châu Á Thái Bình Dương (Ipv4), Hàn Quốc dẫn đầu cả khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam lại dẫn đầu về mức tăng trưởng theo quý tới 412%. Nhật Bản gia tăng khiêm tốn nhất chỉ 3,9%.

Với mức chấp nhận băng rộng tốc độ 15Mbps, Việt Nam tăng mạnh nhất với 307% và Nhật Bản thấp nhất ở mức 8,1%. Về yếu tố này, tốc độ tăng trưởng hàng năm ở Châu Á-Thái Bình Dương cũng rất mạnh mẽ. Hàn Quốc có mức tăng thấp nhất ở mức 20%, tiếp theo là Hồng Kông với mức tăng 21%. 6/12 quốc gia được khảo sát có mức độ chấp nhận băng rộng tốc độ cao tăng hơn gấp đôi so với năm trước, Việt Nam nhìn thấy tốc độ tăng cao nhất tới 789%.

Trong khi đó, Thái Lan có mức tăng theo năm ấn tượng trong việc chấp nhận băng thông tốc độ 10 và 15Mbps. Kết quả này có được là do sáng kiến băng rộng của Chính phủ Thái công bố hồi năm 2015, đã tạo ra một cơ sở hạ tầng mạng băng thông rộng quốc gia đến năm 2035. Hệ thống này sẽ cung cấp tốc độ truy cập tối thiểu 30Mbps mức giá phải chăng cho người dân. Ngay trong tháng 3 vừa qua, Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ đẩy nhanh truy cập băng thông rộng tới 30.000 ngôi làng trên phạm vi quốc gia này, hoàn thành việc cài đặt trước tháng 3/2017.

Trung Quốc hiện ở dưới cùng của danh sách quốc gia có tỷ lệ chấp nhận băng thông tốc độ cao 15Mbps trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, có thể sắp tới chúng ta sẽ nhìn thấy sự tăng trưởng tại quốc gia này khi China Telecom, nhà cung cấp băng thông rộng tiết lộ kế hoạch phát triển thêm 50 triệu hộ gia đình sử dụng FTTH trong năm 2016, đạt tổng cộng 270 triệu hộ gia đình. Số lượng khách hàng sử dụng FTTH tăng 67% trong năm 2015.

(Theo XHTT)


Ý kiến bạn đọc