Nhầm lẫn trong xử lý các vụ việc tên miền Internet trùng với tên thương hiệu

14:48, 11/11/2015
|

(VnMedia) - Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, việc thực hiện xử phạt hành chính đối với chủ thể tên miền có hành vi vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ là hoàn toàn độc lập với việc giải quyết tranh chấp tên miền.

Trên thực tế, các bên liên quan thường nhầm lẫn trong việc áp dụng giải quyết các vụ việc phát sinh khi tên miền Internet trùng với tên thương hiệu, nhãn hiệu, bản quyền tác giả, tác phẩm đã được bảo hộ. Các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn nhầm lẫn giữa hai cách thức giải quyết trong việc yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể tên miền Internet, và yêu cầu giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng tên miền Internet.

Để hiểu đúng hơn về vấn đề này, khi có các xung đột phát sinh giữa tên miền Internet và quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền cần phải phân biệt, lựa chọn cách thức giải quyết theo 2 hướng độc lập.

Ở trường hợp thứ nhất, cá nhân/tổ chức là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp cho rằng chủ thể tên miền có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đã được bảo hộ của mình khi chủ thể tên miền sử dụng tên miền trùng hoặc có thành phần tương tự, giống nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý thì họ thể khiếu nại và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP trên cơ sở. Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng các hình thức xử phạt: cảnh cáo, phạt tiền, buộc thay đổi thông tin đăng tải trên Website,… hay thậm chí đối với các trường hợp nghiêm trọng cơ quan chức năng có thể phối hợp với Thanh tra Thông tin và Truyền thông xem xét áp dụng biện pháp thu hồi tên miền nhằm chấm dứt hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Việc thực hiện xử phạt hành chính đối với chủ thể tên miền có hành vi vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ là hoàn toàn độc lập với việc giải quyết tranh chấp tên miền. Việc thu hồi tên miền (nếu có) chỉ là một biện pháp hành chính để cưỡng chế chấm dứt hành vi vi phạm của chủ thể tên miền, tên miền sau khi thu hồi không ưu tiên cấp lại cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. 

Trường hợp thứ hai, cá nhân/tổ chức là chủ thể quyền cho rằng việc xung đột đó là tranh chấp trong việc đăng ký, sử dụng tên miền thì cần giải quyết vụ việc theo các hình thức giải quyết tranh chấp đã được quy định bao gồm: 1/ Thông qua thương lượng, hòa giải; 2/ Thông qua trọng tài; 3/ Khởi kiện tại tòa án (đã được quy định tại Điều 76, Luật Công nghệ thông tin và Điều 16, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng). Các bên hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức phù hợp trong ba hình thức giải quyết nêu trên để giải quyết các tranh chấp phát sinh. Cơ quan quản lý tên  miền (VNNIC) - Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ can thiệp tác động vào các tên miền có tranh chấp (giữ nguyên hoặc thu hồi tên miền, thu hồi tên miền để ưu tiên cho bên nguyên đơn đăng ký lại) khi có kết quả cuối cùng của quá trình giải quyết tranh chấp  theo quy định tại Khoản 4, Điều 16 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền.

Chẳng hạn, nhãn hiệu “Kinh đô” có thể được quyền sở hữu trí tuệ cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau theo các loại hình bảo hộ khác nhau tùy vào đặc thù loại hình kinh doanh của họ (Bánh kẹo, xây dựng, kinh doanh địa ốc, chứng khoán) cho các nhóm sản phẩm, dịch vụ khác biệt được mô tả với những đặc điểm riêng biệt khi kết hợp với yếu tố về hình, chữ, màu sắc và ký hiệu. Tuy nhiên, khi chuyển sang tên miền tương ứng thì chỉ có duy nhất dãy ký tự Kinh đô được đăng ký trong tên miền. Cụ thể là tên miền kinhdo.vn do Công ty Bánh kẹo Kinh đô đăng ký sử dụng tên miền thì có được coi là chiếm giữ tên miền của Công ty xây dựng Kinh đô hay Công ty chứng khoán Kinh đô không? Ở đây không phân biệt được ai chiếm giữ tên miền của ai và làm ảnh hưởng đến chủ thể nào?

Bản thân riêng tên miền chỉ là địa chỉ định danh trên Internet - thay thế dãy địa chỉ IP khó nhớ không nói nên điều gì, do đó nếu quy định xử phạt và thu hồi tên miền chỉ dựa trên căn cứ hành vi “đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ" (điểm d Khoản 16 Điều 14 Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ;  điểm d - Khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ) sẽ là bất hợp lý.

Vấn đề cốt lõi là các nội dung thông tin cung cấp trên trang tin sử dụng tên miền mới ảnh hưởng đến thị trường (có yếu tố cạnh tranh). Hành vi cạnh tranh không lành mạnh cần được nhìn nhận tổng thể trên cơ sở xem xét trên cơ sở nội dung các Website, mà trên thực tế sẽ có thể là bất kỳ một Website nào kể cả dưới tên miền đang xem xét hoặc bất kỳ tên miền nào khác (Ví dụ: Website www.giabao.com.vn có thể đưa các thông tin cạnh tranh không lành mạnh với bánh đậu xanh Rồng Vàng, bánh đậu xanh Nguyên Hương...). Tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể áp dụng các hình thức xử phạt: cảnh cáo, phạt tiền, buộc thay đổi thông tin đăng tải trên Website,… Hay thậm chí đối với các trường hợp nghiêm trọng cơ quan chức năng có thể phối hợp với Thanh tra Thông tin và Truyền thông xem xét áp dụng biện pháp thu hồi tên miền nhằm chấm dứt hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ”.

Tóm lại, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, việc thực hiện xử phạt hành chính đối với chủ thể tên miền có hành vi vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ là hoàn toàn độc lập với việc giải quyết tranh chấp tên miền. Việc thu hồi tên miền (nếu có) chỉ là một biện pháp hành chính để cưỡng chế chấm dứt hành vi vi phạm của chủ thể tên miền, tên miền sau khi thu hồi không ưu tiên cấp lại cho chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. 

Theo thông lệ chung quốc tế, tại Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ cũng không quy định tên miền nằm trong phạm vi điều chỉnh. Điều 17, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng cũng quy định rõ nguyên tắc đăng ký tên miền là “Đăng ký trước được quyền sử dụng trước, trừ các tên miền được cho đấu giá theo quy định của pháp luật”. Luật Viễn thông còn cho phép nhà nước thu hồi những tên miền đặc biệt để phục vụ cho lợi ích chung. Có thể nói tên miền - đối tượng sở hữu trí tuệ là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau do sự tồn tại độc lập của pháp luật về sở hữu trí tuệ và quy định về quản lý tên miền.

Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hai cách thức giải quyết xung đột này là độc lập với nhau và đều đã có các quy định, hướng dẫn từ mức Luật cho đến Nghị định của Chính phủ cũng như cả ở cấp Thông tư. Cụ thể là các quy định về xử lý hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể tên miền Internet đã được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ (hành vi cạnh tranh không lành mạnh - Điều 130), Nghị định số 99/2013/NĐ-CP và Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong khi các quy định về giải quyết tranh chấp tên miền đã được quy định tại Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, cho đến Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư số 24/2015/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông.


Ý kiến bạn đọc