- Một chủ đầu tư kinh doanh loại hình bất động sản du lịch condotel đã có văn bản gửi khách hàng xin lỗi vì không thể thực hiện chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng ký kết. Sự việc thêm một lần đặt ra nghi ngại về đầu tư loại hình bất động sản này. Trong khi cơ quản lý vẫn lấn bấn trong việc ban hành khung pháp lý quản lý!
Chủ đầu tư không thể chi trả lợi nhuận như cam kết!
Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) vừa phát đi thông báo liên quan đến việc thực hiện cam kết lợi nhuận Condotel với khách hàng tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Trong thư gửi khách hàng, Công ty Thành Đô cho hay, việc kinh doanh loại hình Condotel thời gian qua vẫn gặp nhiều khó khăn do tính pháp lý chưa được hoàn thiện, gặp nhiều vướng mắc. Do đó, dù đã nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện cam kết về lợi nhuận với khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng, song tập đoàn này vẫn đành phải xin lỗi vì đã không thể thực hiện được chi trả lợi nhuận cam kết như đã hứa trong hợp đồng.
Vì vậy, từ 1/1/2020, do những khó khăn về dòng tiền, Công ty Thành Đô chấm dứt việc chi trả lợi nhuận như đã cam kết trong hợp đồng khi mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng.
Công ty chỉ chịu trách nhiệm với các khoản lợi nhuận như đã cam kết đến hết ngày 31/12/2019 cho các chủ sở hữu condotel.
Cùng với đó, Công ty Thành Đô cũng đưa ra một số hướng giải quyết đối với các khách hàng đã mua sản phẩm Condotel tại Cocobay Đà Nẵng, gồm:
Giải pháp thứ nhất là khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các Condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm.
Hoặc vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm, trong đó lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường. Sau 3 năm thì lợi nhuận cố định hoặc 80% lãi từ kinh doanh sản phẩm này.
Hướng thứ hai mà Công Thành Đô gợi ý là khách hàng thanh lý hợp đồng mua bán và giao lại các sản phẩm Condotel cho khách hàng để tự kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng mà không có bất kỳ một khoản lợi nhuận cam kết nào như đã ký trước đây. Đồng thời khách hàng nếu tự kinh doanh thì phải đóng một khoản phí vận hành, sử dụng nhất định.
Giải pháp tiếp theo là hai bên tiến hành thanh lý các Condotel đã ký hợp đồng, chủ đầu tư hoàn lai tiền cho khách hàng theo nguyên giá trong hợp đồng đã ký, nhưng Công ty Thành Đô sẽ khấu một số khoản như: chi phí hỗ trợ lãi vay ngân hàng, chi phí hoa hồng, phí phát hành bảo lãnh…và khách hàng bàn giao lại sản phẩm cho Công Thành Đô. Thời hạn chi trả chậm nhất đến 30/9/2020. Trong thời gian chưa chi trả, chủ đầu tư sẽ thanh toán lãi suất 10%/năm đối với số tiền đó.
Pháp lý vẫn đang loay hoay
Câu chuyện xảy ra tại Cocobay Đà Nẵng đã tạo ra cú "sốc" đối với những nhà đầu tư loại hình này nói chung. Bởi mấy năm trở lại đây, loại hình đầu tư này gây sốt thị trường là nhờ vào những cam kết về lợi nhuận khủng cho số tiền đầu tư không quá cao, dù khung pháp lý cho loại hình bất động sản này vẫn đang được nghiên cứu.
Thậm chí, để tránh những bất ổn của loại hình đầu tư này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng ban hành sửa đổi, bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel); nhà trọ, phòng trọ cho thuê; ban hành quy chế quản lý, vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel), hoàn thành trong quý 3/2019.
Ngoài ra, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (condotel, resort, officetel…) theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý 3/2019.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa có quy định liên quan tới pháp lý của các loại hình bất động sản mới này.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản cho biết, khung pháp lý cho các loại hình bất động sản như condotel, officetel liên quan đến chức năng của nhiều Bộ, ngành. Trong khi đó tên gọi condotel hay officetel là tên chưa được chính thức công nhận thuật ngữ này mà vẫn là từ ngữ lai chưa chuẩn hoá trong Luật và Nghị định.
Trước đó, Bộ Xây dựng có công văn gửi Thủ tướng đề xuất xây dựng một Nghị định về quản lý, vận hành officetel, thay vì thông tư như dự kiến hiện nay.
Thời điểm đó, cơ quan này cũng cho biết gặp nhiều khó khăn khi nghiên cứu, xây dựng ban hành Thông tư về Quy chế quản lý vận hành loại hình công trình văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (căn hộ văn phòng hay officetel).
Theo Bộ Xây dựng, hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng chưa có khái niệm, quy định pháp lý về officetel.
Bên cạnh đó, theo Nghị định số 81/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Xây dựng không quy định nội dung quản lý vận hành căn hộ văn phòng. Ngoài ra, cơ quan này cũng cho rằng việc quản lý lưu trú thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của ngành công an, không phải của Bộ Xây dựng. Do vậy, việc Bộ này xây dựng Thông tư nói trên là chưa đủ cơ sở pháp lý.
Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trên cơ sở ý kiến của 2 Bộ trên, Bộ Xây dựng nhận định, việc ban hành quy chế quản lý vận hành officetel theo hình thức thông tư là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý.
Đức Hoài