- Hà Nội còn 113 nhà máy chưa di dời, trong nhiều năm nỗ lực, thành phố này đã di chuyển khỏi nội độ 4 trong số 117 cơ sở sản xuất bị liệt vào danh sách "phải di dời". Khi chưa di dời, trong kế hoạch, đất của những nhà máy, xí nghiệp này đã được quy hoạch để xây dựng chung cư, cao ốc. Di dời để tránh ô nhiễm, nhưng lại chồng tầng để tăng mật độ dân cư, gây những áp lực khác cho đô thị!
Đổi ô nhiễm bằng … quá tải?
Trong một báo cáo của UBND TP Hà Nội về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gửi Bộ Xây dựng hồi tháng 6, cơ quan này cho biết, theo kế hoạch vạch ra năm 2016, đến năm 2020 sẽ có 117 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi địa bàn 12 quận. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 113 cơ sở chưa thể di dời ở quận Đống Đa (113), Ba Đình (2), Cầu Giấy (2), Hai Bà Trưng (16), Hoàn Kiếm (6), Hà Đông (29), Bắc Từ Liêm (6), Thanh Xuân (9), Nam Từ Liêm (2), Hoàng Mai (11), Long Biên (17).
Rất nhiều nhà máy, xí nghiệp của các công ty đóng trong nội đô Hà Nội, sau khi được di dời thì tại các khu đất đó “mọc lên” chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại, văn phòng.
Ðiều này gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội như mật độ xây dựng, mật độ dân số tăng mạnh, kéo theo tình trạng tắc đường, thiếu trường học, ngập úng.
Ðiển hình là trường hợp Công ty cổ phần Dệt Mùa Ðông, tiền thân là Công ty Dệt len Mùa Ðông được thành lập năm 1960. Ngày 22/3/2006, UBND TP. Hà Nội ra quyết định chuyển đơn vị này từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, 100% vốn tư nhân.
Ngày 25/10/2010, UBND TP. Hà Nội có quyết định thu hồi 22.602 m2 đất thuê của Công ty cổ phần Dệt Mùa Ðông giao cho Công ty cổ phần Bất động sản Mùa Ðông -VID (trong đó, Công ty cổ phần Dệt Mùa Ðông là cổ đông sáng lập) để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao tầng để bán.
Một trường hợp khác là Công ty TNHH MTV Thống Nhất, tiền thân là Nhà máy xe đạp Thống Nhất. Doanh nghiệp này đã liên doanh với Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt, góp 30% vốn thành lập Công ty TNHH Thống Nhất - Bắc Việt để thực hiện dự án xây dựng tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ trên diện tích gần 18.000 m2 tại số 82 Nguyễn Tuân.
Ngoài ra, phải kể đến các trường hợp: Xe buýt Hà Nội, Dệt 8/3, Công ty cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu, Nhà máy bánh kẹo Tràng An, Công ty cổ phần May Thăng Long...
Áp lực dân số tạo áp lực cho đô thị
Việc tự nhiên mọc lên nhiều chung cư, cao ốc tại những nhà máy xí nghiệp đã di dời hoặc có kế hoạch chuyển đổi mục đích như nói trên đã là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian dài và cũng đã có kiến nghị với chính quyền thành phố.
Trả lời về vấn đề này, thành phố Hà Nội từng nhấn mạnh rằng, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số quận nội thành bên ngoài khu vực nội đô lịch sử như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm.. đã triển khai đầu tư xây dựng một số dự án khu đô thị nhằm giải quyết các nhu cầu phát triển đời sống kinh tế xã hội và đô thị của địa phương và Thành phố.
Theo quan điểm của thành phố, việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án, các khu đô thị đã đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu; đảm bảo các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị để đảm bảo phục vụ nhu cầu của khu đô thị và khu vực xung quanh theo quy định. Trong quá trình triển khai quy hoạch, phê duyệt dự án, Thành phố yêu cầu xác định rõ trách nhiệm đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, trường học công lập do nhà nước đầu tư, quản lý sẽ được giao chính quyền địa phương làm chủ đầu tư thực hiện; trường hợp không có nhu cầu xây dựng trường công lập sẽ thực hiện xã hội hóa do chủ đầu tư thực hiện và xác định rõ nội dung, tiến độ thực hiện trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án. Công tác kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất theo dự án và được các cơ quan chuyên môn liên quan của Thành phố thực hiện.
Việc các chủ đầu tư xây dựng không đúng mục đích, chậm triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội là vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng. Đề xử lý kịp thời và nghiêm minh các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, UBND Thành phố đã và đang tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và đề xuất các giải pháp xử lý, tăng cường việc quản lý quỹ đất, không cho phép chuyển đổi quỹ đất dành cho xây dựng nhà trẻ, trường học sang chức năng dân dụng khác.
Theo số liệu điều tra gần đây mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, do sức hút của quá trình đô thị hóa (người dân các huyện thuộc Hà Nội và tỉnh thành khác đổ về tìm kiếm việc làm, học tập, khám chữa bệnh ở các tuyến Trung ương...), đây chính là áp lực lớn lên tổng thể hạ tầng đô thị của Thủ đô.
Việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp với tốc độ phát triển, đô thị hóa là vấn đề gặp phải không chỉ riêng đối với Thành phố Hà Nội mà là vấn đề chung của nhiều đô thị đang phát triển. Việc mở mới hoặc mở rộng các tuyến đường cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, các loại hình giao thông công cộng, các công trình hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng bộ có tác động ảnh hưởng lớn đến môi trường đô thị. Để giải quyết được vấn đề này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó vấn đề trọng tâm là nguồn lực, cơ chế chính sách và thời gian thực hiện.
Để giải quyết các vấn đề nói trên, UBND Thành phố đã và đang tập trung và quyết liệt trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó bao gồm các tuyến đường xuyên tâm, vành đai mới, các tuyến đường sắt đô thị; Các dự án cấp thoát nước, xử lý rác, nghĩa trang... đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện.... Tăng cường hệ thống cây xanh Thủ đô để giảm tải và cải thiện hiệu quả môi trường đô thị hiện nay.
Việc rà soát hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị mới đã được UBND Thành phố giao cho các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng thực hiện làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư bổ sung đồng bộ trên toàn Thành phố.
UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương xây dựng chương trình phát triển đô thị nhằm kiểm soát đầu tư xây dựng có kế hoạch theo quy hoạch.
Song song, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc chủ động phối hợp với các Sở ngành, quận, huyện tiến hành rà soát, bổ sung, quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, các công trình dân sinh bức xúc được quan tâm, cụ thể: Bổ sung 184 điểm trường học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT); Bổ sung các điểm sân chơi, vườn hoa, công cộng Thành phố với tổng quy mô đất khoảng 63,5ha. Hiện nay, cơ bản các đề xuất của các đơn vị liên quan đến các quỹ đất trên đều được giải quyết dứt điểm.
Thành phố cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện công tác di dời các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế tại các quận nội đô theo định hướng quy hoạch chung nhằm tạo động lực phát triển các khu vực ngoài đô thị trung tâm (đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái...), giảm sức hút đối với lao động, dân cư ngoại thành, ngoại tỉnh đồng thời tạo quỹ đất phục vụ đầu tư bổ sung các công trình xã hội của Thành phố còn thiếu. Tuy nhiên đến nay kết quả di dời còn rất hạn chế, các cơ sở đã được bố trí quỹ đất mới gồm bộ, ngành (09 cơ sở) bệnh viện tuyến Trung ương (08 bệnh viện) giáo dục (01 cơ sở) đều chưa bàn giao lại quỹ đất cũ cho Thành phố.
Thành phố cũng đã có kiến nghị về chính sách nhằm tăng cường phát triển kinh tế xã hội đồng đều hơn trong và ngoài khu vực Vùng Thủ đô, nhằm giải quyết hạn chế quá trình dịch cư từ các tỉnh về Thủ đô Hà Nội.
Ðặc biệt, việc chuyển mục đích sử dụng những “khu đất vàng” còn là “vùng cấm” về thông tin, chưa minh bạch, công khai, dẫn đến nhiều bất cập, thậm chí là trục lợi chính sách, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Lam Nguyên