- Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội vừa công bố hai dự án "khủng" được chủ đầu tư mang đi... thế chấp ngân hàng.
Capital House mang 384 căn hộ dự án Ecohome 3 thế chấp ngân hàng
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa thông báo một số dự án bất động sản được chủ đầu tư mang thế chấp ngân hàng. Đáng chú ý, trong các dự án vừa được công bố có Ecohome 3 của Capital House.
Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, ngày 29/8, Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện đăng ký thế chấp 384 căn hộ nhà ở hình thành trong tương lại thuộc tòa NO2 và NO3 dự án đầu tư xây dựng nhà ở Ecohome 3, phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House).
Bên nhận thế chấp là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long.
Tài sản thế chấp là 384 căn nhà ở hình thành trong tương lai thuộc tòa NO2 và NO3 gồm nahf ở xã hội, nhà cho thuê và nhà ở thương mại.
Đáng chú ý, dự án này theo công bố của Sở Xây dựng Hà Nội, đến ngày 19/7 đã có 994 người đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội tại dự án Ecohome 3 do chủ đầu tư Capital House xây dựng. Do đó, việc chủ đầu tư bất ngờ mang 384 đi thế chấp ngân hàng đã gây lo lắng cho khách nhà đăng ký mua căn hộ tại dự án.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án Ecohome 3 có tổng diện tích: 12.321m2; Mật độ xây dựng toàn khu: Tòa NO2: 40.1%, Toà NO3: 40.3%.
Quy mô dự án cao: cao 31 tầng. Tổng số căn hộ: 1.456 căn. Diện tích căn hộ từ: 39.9 – 76.7m2. Dự kiến bàn giao: Quý III/2020
Trước đó, quá trình xây dựng dự án EcoHome 3 do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô làm chủ đầu tư, ngay sau khi có thông tin tiếp nhận hồ sơ, đội ngũ tư vấn đã rầm rộ rao bán trên mạng xã hội.
Theo thông báo của chủ đầu tư, thời gian tiếp nhận hồ sơ mua NOXH NO2, NO3 đợt 1 dự kiến từ 21/3 đến hết ngày 21/4. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng sau đó, đội ngũ "cò" môi giới BĐS đã lôi kéo nhiều người đến nghe họ tư vấn miễn phí làm hồ sơ, nhưng thực chất là “gợi ý” người dân đưa tiền với cam kết chắc chắn sẽ mua được nhà theo yêu cầu của khách. Tùy vị trí và diện tích sẽ có giá cụ thể, dao động từ 50-100 triệu đồng.
Trước tình trạng trên, Bộ Xây dựng đã phải ban hành văn bản gửi UBND TP.Hà Nội về việc kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới, mua bán nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn.
Dự án Xanh Villas mang đi thế chấp
Công ty Cổ phần Đầu tư Xuân Cầu đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại các dự án thuộc xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội - Dự án Xanh Villas. Bên nhận thế chấp là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa.
Tài sản thế chấp là quyền sử dụng 5 thửa đất tại dự án Xanh Villas, gồm: Thửa 115, 114, 119, 120, 117 với tổng diện tích thế chấp là 31.000 m2.
Công ty Cổ phần đầu tư Xuân Cầu được biết đến với là một trong những nhà phân phối thương hiệu xe máy Piaggio của Ý tại Việt Nam. Sau khi thành công với thương hiệu này, năm 2006, Xuân Cầu lấn sân sang lĩnh vực bất động sản với sản phẩm đầu tay là Xanh Villas tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất.
Tương tự, gần 400 căn hộ hình thành trong tương lại thuộc tại toà nhà NO2 và NO3 Dự án đầu tư xây dựng nhà ở Ecohome phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm cũng được chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô (Capital House) đăng ký thế chấp. Bên nhận thế chấp là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long.
Gần 400 căn nhà trên gồm các loại hình nhà ở xã hội, cho thuê và nhà ở thương mại với diện tích hàng chục nghìn m2.
Cần tỉnh táo khi mua bán dự án
Xung quanh việc chủ đầu tư mang dự án đi "cắm" ngân hàng, hiện quy định của pháp luật về việc này được thực hiện rất chặt chẽ. Điều 147, Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7/2015 có quy định, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.
Cùng với đó, Thông tư 26/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ rõ: Chủ đầu tư được thế chấp dự án hoặc nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó. Tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở đó.
Quy định cũng nêu rõ, trước khi bán căn hộ hình thành trong tương lai đã thế chấp ngân hàng, chủ đầu tư có trách nhiệm phải thực hiện giải chấp hoặc được ngân hàng có văn bản chấp thuận cho bán. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định về căn hộ sau khi đã bán cho khách hàng, chủ đầu tư có được phép mang đi thế chấp ngân hàng.
Chính vì vậy trước khi xuống tiền, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin để tránh "tiền mất, tật mang"!
Nhật Lâm