- Cho tới thời điểm hiện tại, nguyên nhân và những tác hại của vụ cháy tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ. Tuy nhiên, hệ lụy đầu tiên có thể nhìn thấy ngay là việc tiềm ẩn những nguy cơ bất an cho môi trường, đời sống người dân khi phải ở cạnh những nhà máy, xí nghiệp khác...
Chủ trương quy hoạch: Có
Khi thông tin về vụ cháy tại Công ty Rạng Đông được lan rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, bên cạnh những câu hỏi về tình hình vụ cháy, về những thiệt hại về người và tài sản, rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi vì sao đến thời điểm này vẫn tồn tại những nhà máy, xí nghiệp trong nội đô, hoặc ở nơi có quần thể cư dân đông đúc như phường Hạ Đình? Và những câu hỏi về công tác quy hoạch đô thị lại được đặt ra.
Theo KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, vấn đề di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi khu dân cư đã được tính đến từ thời điểm xây dựng Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tại Quy hoạch được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt vào năm 2011 cũng đã nêu rõ định hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong xây dựng quy hoạch chung thủ đô là di dời các cơ sở công nghiệp cũ, cơ sở y tế điều trị các bệnh truyền nhiễm ra khỏi nội thành, góp phần làm giảm áp lực ô nhiễm môi trường đối với đô thị trung tâm. Bảo tồn các hệ sinh thái và đa dạng sinh học với 70% tổng diện tích đất tự nhiên dành cho hành lang xanh nhằm giữ cân bằng sinh thái đô thị, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, tăng sức tải môi trường.
Quy hoạch chung cũng nêu rõ cần pPhân vùng kiểm soát, bảo vệ môi trường. Cụ thể, vùng bảo tồn hạn chế phát triển gồm các khu phố cổ, phố cũ, đô thị Sơn Tây, Hương Sơn, các vùng di tích văn hóa, các khu vực bảo tồn di sản, bảo vệ cảnh quan và phục hồi môi trường; Vùng kiểm soát chất lượng môi trường tại khu vực đô thị trung tâm mới phát triển, dọc các đường vành đai 2, vành đai 3. Kiểm soát chất lượng môi trường không khí do hoạt động giao thông, chất lượng nước các sông hồ, cải thiện môi trường các khu ở cũ; Kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm như: khu vực công nghiệp cũ phía Nam Hà Nội (Thượng Đình, Minh Khai, Pháp Vân, Văn Điển), Đức Giang, Long Biên, Đông Anh … Xử lý triệt để các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, phục hồi các kênh mương, hồ ô nhiễm, cải tạo hệ thống thoát nước, giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn; Kiểm soát môi trường đô thị và khu công nghiệp khu vực đô thị lõi mở rộng từ sông Nhuệ đến vành đai 4. Cải thiện môi trường làng nghề, giảm nhẹ tác động do thay đổi sử dụng đất, nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo việc làm, tái định cư, kiểm soát ô nhiễm môi trường đô thị và công nghiệp.
Theo ông Trần Ngọc Chính, chủ trương di dời nhà máy xí nghiệp đã được tính đến trong khi xây dựng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên, việc di dời nhà máy nào, thời gian ra sao theo nguyên tắc nào sẽ được đề cập chi tiết trong quy hoạch phân khu của từng quận, huyện.
Theo chủ trương của Chính phủ về di dời các nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi nội thành Hà Nội, nhà máy sản xuất của Công ty Rạng Đông tại Hạ Đình sẽ phải di dời về KCN Quế Võ, Bắc Ninh để nhường "đất vàng" cho mục đích sử dụng khác hiệu quả hơn. Căn cứ theo Quyết định 86/2010/QĐ-Ttg về cho phép các tổ chức, cơ quan, cơ sở sản xuất kinh doanh được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng, khu đất nhà máy Hạ Đình có thể chuyển đổi mục đích để đầu tư dự án khác thông qua việc liên doanh, hoặc thành lập pháp nhân mới. Nhưng đến nay, Công ty Rạng Đông vẫn chưa có kế hoạch di dời nhà máy cụ thể, trong khi địa điểm nhà máy mới rộng 8ha ở KCN Quế Võ lại chưa được xây dựng...
Khi nào sẽ thực hiện?
Theo tìm hiểu của VnMedia, từ năm 2017, cử tri quận Thanh Xuân đã có đề nghị UBND Thành phố xem xét việc di dời các nhà máy, các cơ quan ra khỏi Thành phố, hiện tại Thành phố cho đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, dẫn tới mật độ dân cư quá dày, tăng thêm áp lực về hạ tầng đô thị, tạo gánh nặng giải quyết ách tắc giao thông và các vấn đề dân sinh khác. Trả lời về vấn đề này vào thời điểm đó, về công tác di dời các nhà máy, cơ quan ra khỏi Thành phố được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Hà Nôi nêu rõ: UBND Thành phố đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương để rà soát, đối chiếu Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng huyện với các địa điểm công nghiệp di dời, khu - cụm công nghiệp theo danh mục cụ thể, đề xuất nguyên tắc phân nhóm thứ tự di dời
Hiện nay, các Sở, ngành được Thành phố giao chủ trì đang tổng hợp số lượng cơ sở sản xuất đã thỏa thuận vị trí di dời khỏi khu vực nội thành và tình trạng quản lý sử dụng quỹ đất sau di dời để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
Trong phần trải lời cử chi này, Hà Nội cũng nêu rõ, về di dời các các cơ sở công nghiệp và quỹ đất sau khi di dời: Quỹ đất của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sau khi di dời đều được UBND Thành phố xem xét chỉ đạo ưu tiên phục vụ đầu tư xây dựng bổ sung các công trình trường học, cây xanh, công trình công cộng đơn vị ở... phần diện tích còn lại được xem xét, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở... trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu, xem xét sự phù hợp với quy hoạch đảm bảo theo quy định hiện hành.
Vậy nhưng đến thời điểm xảy ra vụ cháy đáng tiếc tại Công ty Rạng Đông gây thiệt hại bước đầu lên đến 150 tỷ đồng, việc di dời này vẫn chưa được thực hiện.
Việc chậm trễ di chuyển nhà máy này có nguyên nhân từ đâu, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cũng sẽ được làm sáng tỏ, tuy nhiên, đây cũng là một báo động để Hà Nội quyết liệt hơn trong việc di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi nội đô.
(Còn tiếp)
Lam Nguyên