Cảnh báo người dân tránh sập bẫy tín dụng đen

08:30, 23/11/2017
|

(VnMedia) -  Trước thực trạng, người dân vì khó khăn tài chính phải vay tín dụng đen với lãi suất cao, thậm chí mất trắng nhà cửa khi phải ký vào các hợp đồng ủy quyền định đoạt… Luật sư Phạm Văn Huỳnh - Trưởng Văn phòng luật sư Tâm Đức đã đưa ra những điểm cần lưu ý.

Luật sư Phạm Văn Huỳnh - Trưởng văn phòng Luật sư Tâm Đức
Luật sư Phạm Văn Huỳnh - Trưởng văn phòng Luật sư Tâm Đức

- Hiện nay nhiều người dân vì vay tín dụng đen dẫn đến mất nhà khi ký vào hợp đồng công chứng ủy quyền định đoạt, hợp đồng mua bán nhà. Ông có thể cho biết bản chất sự việc này?

Luật sư Phạm Văn Huỳnh: Thực  tế cho thấy, nhiều người dân do khó khăn về tài chính dẫn đến việc phải đi vay tín dụng đen.  Mặc dù số tiền vay không lớn, song họ đều phải ký vào hợp đồng công chứng mua bán nhà, ủy quyền định đoạt hoàn toàn cho bên cho vay tiền.  Sau đó, người dân lại phải ký vào một hợp đồng thuê  lại chính căn nhà của mình để ở. Điều này dẫn đến việc họ mất trắng nhà cửa.

Bởi, việc ký hợp đồng ủy quyền định đoạt là người dân sẽ mất hoàn toàn quyền kiểm soát. Thứ hai, đây là hợp đồng dân sự, người cho vay tiền họ cầm toàn bộ giấy tờ, sổ đỏ nhà. Họ có toàn quyền được bán căn nhà đó hợp pháp, không cần ý kiến của chủ nhà.

- Để người dân không bị mắc bẫy khi vay tín dụng đen, luật sư có lưu ý gì ?

Điều thứ nhất, người vay tiền cần xác định rõ việc vay mượn . Nếu vay mượn một số tiền nhỏ thì không phải mang tài sản nhà đất có giá hàng tỷ đồng  đi cầm cố, sau đó lại ký hợp đồng công chứng mua bán hoặc ký ủy quyền định đoạt hoàn toàn cho bên cho vay.

Thứ hai, người dân rất thận trong khi ký vào bất cứ giấy tờ gì do bên cho vay đưa ra. Kể cả trong các hợp đồng ủy quyền, bởi rất có thể họ đã cài cắm sẵn câu từ liên quan đến việc ủy quyền định đoạt là mình cho thể bị mất nhà cửa.

Nếu bên cho vay bắt buộc phải ký văn bản ủy quyền thì chỉ được ký ủy quyền việc cầm cố cho bên cho vay. Việc ký tá đều phải thực hiện trước mặt công chứng viên.  Trước khi ký văn bản ủy quyền việc cầm cố, người dân phải đọc rất rõ từng câu, chữ trong văn bản. Bởi, bên cho vay chỉ cần thêm vài từ ngữ như  “ủy quyền định đoạt toàn bộ” cho người cầm tài sản này là có thể mất trắng nhà.

Thứ  ba, người dân không được ký khống vào các tờ giấy để trắng nhằm tránh trường hợp, bên cho vay tiền viết các giấy tờ nhằm hợp thức hóa việc mua bán nhà. Việc này khiến cho người dân khó khăn trong việc đòi lại nhà.

- Khi người dân đã trot ký vào các giấy tờ, khi ra tòa quyền lợi của họ có được đảm bảo không?

Trong trường hợp người dân đã ký vào hợp đồng ủy quyền định đoạt, hợp đồng mua bán nhà đất, khi ra tòa, người dân không còn bất cứ quyền lợi gì.

Nếu trong quá trình vay mượn tiền, người dân bị ép ký hợp đồng ủy quyền hoặc hợp đồng mua bán nhà thì có thể làm đơn trình báo các cơ quan công an trong thời gian sớm nhất. Ngoài ra, khi phát hiện bên cho vay làm thủ tục bán căn nhà của gia đình mình thì phải có đơn gửi đến các cơ quan liên quan  như phòng tài nguyên và môi trường, văn phòng đăng ký đất đai tại các quận, huyện …để ngăn chặn việc chuyển nhượng.

Xin cám ơn ông!

Khánh An (ghi)


Ý kiến bạn đọc