HoREA kiến nghị NHNN ra gói tín dụng 30.000 tỷ hỗ trợ người mua nhà

07:11, 24/08/2017
|

(VnMedia) - Hiệp hội kiến nghị NHNN thực hiện gói chính sách tín dụng nhà ở với quy mô phù hợp để kích cầu tiêu dùng nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỷ đồng/căn.

Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan góp ý dự thảo ngày 08/08/2017 của NHNN về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Theo HoREA, tại khoản 12 điều 1 dự thảo thông tư đã sửa đổi bổ sung khoản 5 điều 17 của Thông tư 36 có nội dung chưa thật phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế cũng như của thị trường bất động sản. Cụ thể "5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình sau đây: a) Từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017: (i) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50%; (ii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%. b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018: (i) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 45%; (ii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%. c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019: (i) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40%; (ii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%".

HoREA kiến nghị sửa đổi khoản 12 điều 1 dự thảo thông tư đã sửa đổi bổ sung khoản 5 điều 17 của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, như sau: "5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình sau đây: a) Từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018: (i) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50%; (ii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%; b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019: (i) Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40%; (ii) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%".

Hiệp hội nhận thấy việc tiếp tục cho phép sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa 50% như hiện nay cho đến hết năm 2018, sẽ là nguồn lực hỗ trợ hiệu quả cho sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như của thị trường bất động sản, bởi vì thị trường bất động sản là một trong những hộ tiêu dùng lớn nhất của nền kinh tế, sử dụng hàng ngàn sản phẩm của hơn 90 ngành sản xuất, kinh doanh, bất động sản cũng là ngành sản xuất và tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Về thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở, HoREA nhận thấy trong giai đoạn thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng từ năm 2008 - 2009; 2011 -2013, hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản rất nghiêm trọng. Nhưng với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mà trong đó dành 70% để hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp đô thị mua căn hộ nhỏ và vừa có giá trị dưới 1,05 tỷ đồng, đã thực hiện được 03 mục tiêu gồm giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ hơn 56.000 người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở và là một nguyên nhân quan trọng giúp cho thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng kể từ cuối năm 2013 cho đến nay. Thực chất đây là chính sách kích cầu và hỗ trợ người tiêu dùng rất hiệu quả.

“Để thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở theo Nghị quyết 46/NQ-CP của Chính phủ, Hiệp hội kiến nghị NHNN thực hiện gói chính sách tín dụng nhà ở với quy mô phù hợp (tương tự như cách làm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây) để kích cầu tiêu dùng nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỷ đồng/căn”, HoREA nêu kiến nghị.

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ chế kiểm soát rủi ro để đảm bảo nguồn vốn tín dụng này được sử dụng đúng mục đích. Do vậy, cần khuyến khích các chủ thể có liên quan đến dự án nhà ở (chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng, người mua nhà...) cùng mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng để giám sát, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả dòng tiền.

Khánh An

 


Ý kiến bạn đọc