Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Có thể làm tốt hơn nữa?

13:26, 31/10/2017
|

(VnMedia)- Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam và còn có thể làm tốt hơn...

Bên lề cuộc họp báo công bố kết quả nghiên cứu “Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” diễn ra chiều nay, 30/10 tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có những chia sẻ khá thú vị.

Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội

Từ quan điểm của các nhà đầu tư, ông thấy Chính phủ Việt Nam đã có những thay đổi gì về mặt chính sách để thu hút các nhà đầu tư nước tới Việt Nam? Ông có thể đưa ra một số đánh giá  về tình hình chung và về tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước nói riêng?

-Ông  Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội: Theo tôi hiện nay Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam nhưng họ còn có thể làm tốt hơn nữa để hấp dẫn thêm các nhà đầu tư, vì có rất nhiều nhà đầu tư tốt trên thế giới muốn đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ.

Chúng tôi thấy Chính phủ có thể làm những biện pháp như: Rất nhiều nhà đầu tư mong muốn quá trình ra quyết định của Chính phủ Việt Nam được đẩy nhanh hơn nữa và các quy tắc, quy định được áp dụng bình đẳng cho tất cả các bên tham gia; Đặc biệt, đối với việc tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa hay thoái vốn, các nhà đầu tư cần có một quy trình và thông tin minh bạch để họ biết được chính xác tài sản họ mua như thế nào; Họ muốn thấy quy trình định giá của các doanh nghiệp được thực hiện theo đúng chuẩn mực quốc tế...

Có rất nhiều điều có thể nói và rất nhiều giải pháp có thể trao đổi nhưng tôi thấy có những giải pháp có thể đưa ra ngay, để chúng tôi có thể tiếp tục trao đổi với các cơ quan Nhà nước của Việt Nam để hoàn thiện quá trình này hơn và giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt hơn.

Trong 20 năm trở lại đây, chúng tôi thấy thu nhập của người Việt Nam tăng lên gấp 4 lần. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển thuộc loại nhanh nhất của khu vực Châu Á. Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ chỗ không có gì nay đã tăng lên 52 tỉ đô la mỗi năm. Và sẽ có rất nhiều điều kiện để phát triển con số này đến mức cao hơn nữa. Một trong những cách thức có thể hấp dẫn nhà đầu tư là Chính phủ nên tiếp tục nói chuyện với doanh nghiệp, tìm hiểu nguyện vọng của doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp nhằm khắc phục khó khăn của họ, qua đó có thể tạo điều kiện tốt hơn cho tất cả các bên.

Thực tế thì vừa rồi việc cổ phần hóa chỉ dừng lại ở 8% vốn và các cổ đông chiến lược hiện tại rất than phiền về quyền lợi và trách nhiệm của các cổ đông lớn trong doanh nghiệp. Vậy còn đối với các doanh nghiệp nước ngoài thì có ý kiến gì về quá trình cổ phần hóa ở Việt Nam?

Vấn đề chính mà chúng tôi nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài không hài lòng là họ không có đủ quyền theo số lượng cổ phần họ nắm, để tạo ra những thay đổi cần thiết mà công ty họ đầu tư phát triển một cách đầy đủ. Ví dụ như, tôi được coi là một nhà đầu tư chiến lược, nhưng tôi chỉ được mua có 5% cổ phần trong doanh nghiệp như EVN, làm sao chúng tôi có thể đưa ra những thay đổi cần thiết cho EVN?

Rất nhiều doanh nghiệp nhà nước từ trước đến giờ không sẵn sàng tham gia cạnh tranh trên thị trường như các doanh nghiệp tư nhân. Do đó quá trình để họ có thể sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác là một quá trình mất rất nhiều thời gian.  

Có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới từng là doanh nghiệp nhà nước nhưng họ đã thay đổi, trở nên mạnh mẽ và hoạt động rất cạnh tranh đối với các doanh nghiệp khác. Và chúng tôi muốn các nhà đầu tư chiến lược, khi đến các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tại Việt Nam, cũng giúp các doanh nghiệp này nâng cao tính cạnh tranh và phát triển tốt hơn.

Các doanh nghiệp Mỹ có thấy hào hứng về chủ trương cổ phần hóa tại Việt Nam và cơ hội thực hiện khi chủ trương này đang trên đà phát triển mạnh như vậy?

Hoa Kỳ là quốc gia có những nhà đầu tư tốt nhất, có nhiều kinh nghiệm nhất và biết cách huy động vốn giỏi nhất thế giới - họ rất quan tâm đến các doanh nghiệp cổ phần hóa tại Việt Nam nhưng cái họ muốn thấy là những thay đổi về chính sách pháp luật và những xu hướng phát triển. Với hầu hết các nhà đầu tư Mỹ, nếu như họ chưa biết rằng: tài sản họ mua như thế nào; giá trị thực tế mà tài sản đó đem lại cho họ ra sao; mức độ họ có thể kiểm soát tài sản đó; và họ có thể đem đến những thay đổi như thế nào đối với tài sản đó – thì sẽ rất khó khăn để đưa ra quyết định đầu tư cho họ.

Giữa định giá, tỉ lệ sở hữu, sự minh bạch thông tin – ba vướng mắc đó tạo ra ảnh hưởng như thế nào với sự hấp dẫn đầu tư vào thị trường Việt Nam so với cổ phần hóa ở các nước khác trong khu vực?

Tôi nghĩ là các vấn đề trong quá trình cổ phần hóa thì nó tương tự nhau, từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, hay Indonesia trong lĩnh vực ngân hàng. Cái chính là Chính phủ muốn như thế nào đối với quá trình cổ phần hóa và họ sẽ đặt ưu tiên ở đâu trong việc tìm kiếm nhà đầu tư tốt nhất, tìm kiếm nguồn lực lớn nhất trong quá trình cổ phần hóa và quyết định của Chính phủ sẽ tạo ra sự khác biệt.

Nhật Lâm (ghi)


Ý kiến bạn đọc