Sức nóng từ Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2018 lĩnh vực CNTT Khởi nghiệp

09:35, 19/11/2018
|

Ngày 18/11/2018, nhóm tác giả, tác giả có sản phẩm xuất sắc thuộc lĩnh vực CNTT Khởi nghiệp của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã chính thức bước vào vòng bảo vệ Chung khảo. Với 10 sản phẩm lọt vào chung khảo, nhóm tác giả, tác giả lĩnh vực CNTT Khởi nghiệp phải bảo vệ trước Hội đồng giám khảo về tính ưu việt của sản phẩm, công nghệ nổi bật, khả năng ứng dụng và mô hình kinh doanh. Đây là lĩnh vực có số lượng sản phẩm lọt chung khảo đông đảo nhất.

Hội đồng chấm Chung khảo sản phẩm Khởi nghiệp của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2108 “nóng” ngay từ những phút đầu tiên khi CyHome - Giải pháp quản lý chung cư được các thành viên Ban giám khảo quan tâm. Quản lý chung cư đang là vấn đề nóng của xã hội. Với tốc độ phát triển nhanh của các khu chung cư ở các thành phố lớn như hiện nay, việc có một nền tảng quản lý chung cư hiệu quả là rất cần thiết. CyHome là giải pháp hướng tới mảng quản lý chung cư, góp phần giải quyết các bài toán còn tồn đọng trong công tác quản lý chung cư. CyHome hiện có 30 chung cư và hơn 12.000 cư dân sử dụng. Là sản phẩm Khởi nghiệp, Hội đồng  Giám khảo quan tâm đến vấn đề thương mại của sản phẩm, các giải pháp kỹ thuật mà CyHome tích hợp để cung cấp tới khách hàng có gì khác biệt so với các đối thủ, trong khi mảng dịch vụ này đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ. Theo Ban Giám khảo, CyHome cần phải tích hợp các hệ thống kỹ thuật vào với nhau, tập trung vào vấn đề bán hàng để tăng được lượng khách hàng trong tương lai.

Nhóm tác giả bảo vệ thứ hai là NextFarm - Giải pháp nông nghiệp thông minh, hướng đến quản lý nông nghiệp hiệu quả. Với hiện trạng quản lý nông nghiệp hiện nay khá thô sơ, thiếu dữ liệu đầu vào do việc thu thập thủ công, thiếu chuyên gia giỏi, biến đổi khí hậu hay ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng… Giải pháp của NextFarm là góp phần vào tự động hóa quy trình sản xuất, cảnh báo sớm những điều kiện bất lợi, kiểm soát dinh dưỡng, cung cấp Platform thu thập dữ liệu và phân tích dữ liệu nông nghiệp Bigdata mở. Hiện, NextFarm đang được bán với các gói là 1.199 USD và 3.999 USD. NextFarm đang được triển khai ở khu nông nghiệp CNC Quản Bạ - Hà Giang; Dưa lưới tại Hợp tác xã CNC Đoàn Kết; Cà chua trái vụ ở HTX nông nghiệp Trí Yên, Bắc Giang. Tầm nhìn của NextFarm đến năm 2030 là chiếm 60% thị phần nông nghiệp Việt Nam. Sau khi nghe các thành viên của NextFarm trình bày giải pháp, Ban giám khảo quan tâm đến một số vấn đề như năng xuất của cây trồng khi sử dụng giải pháp này; việc đánh giá, thu thập và xử lý dữ liệu ra sao; tính sáng tạo và khác biệt của giải pháp; vấn đề an toàn thông tin, bảo vệ hệ thống như thế nào để tránh bị tấn công và tránh bị lợi dụng vào những mục đích xấu; đâu là thị trường và khách hàng mà NextFarm hướng tới.

Cũng là một giải pháp về lĩnh vực Nông nghiệp, giải pháp nông nghiệp thông minh tinh gọn - MrFarm i4 có thuyết phục được Hội đồng chấm giải là những chuyên gia, giáo sư vô cùng “khó tính”? Ứng dụng công nghệ 2.0, máy tính nhúng trung tâm, là giải pháp tự động hóa khép kín, sử dụng  công nghệ GSM, GPRS và Wifi, hoàn toàn chạy tự động, chuẩn hóa quy trình cụ thể, chống trộm và camera mang lại hiệu quả cao… Mục tiêu của MrFarm i4 là tinh gọn, cắm là chạy, tự động hóa hoàn toàn, chuẩn hóa quy trình chăm sóc, dinh dưỡng. Thời gian vừa qua, MrFarm i4 đã tham gia vào một số dự án như giải cứu dưa hấu tại Quảng Nam hay hồ tiêu Giai Lai chết hàng loạt. Thị trường mà MrFarm i4 hướng tới là nhóm khách hàng 500 triệu đồng. Thị trường năm 2018 và 2020 mà MrFarm i4, hướng tới là Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu và một số tỉnh lân cần về mảng sản phẩm rau-củ-quả, với doanh thu của năm 2018 là 1,5 tỷ đồng và năm 2020 là 111 tỷ đồng. MrFarm i4 tập trung vào bán giải pháp và đối tượng phục vụ là các nhà vườn quy mô nhỏ. Các thành viên ban giám khảo đặc biệt quan tâm đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm này trên thị trường, cũng như các tính năng nổi bật, các đối tác liên kết triển khai, các nhà đầu tư… quan trọng hơn cả là cần xem xét đến mô hình kinh doanh trong tương lai.

Sau các giải pháp về nông nghiệp khá “căng thẳng”, hội đồng Giám khảo “thư giãn” đôi chút với video giới thiệu sản phẩm đồ chơi thông minh trí tuệ MacgicBook. Bộ sản phẩm MagicBook là đồ chơi được phát triển nhằm khơi gợi khả năng học tập và sáng tạo không giới hạn của trẻ nhỏ. Các trò chơi của MagicBook là sự kết hợp giữa đồ chơi vật lý và ứng dụng công nghệ trên các thiết bị thông minh.  Hiện MagicBook đã triển khai tại 10 tỉnh, thành phố lớn với mức giá là 350.000/bộ sản phẩm gồm cả phần cứng và phần mềm, người mua trả phí một lần. MagicBook kỳ vọng sẽ bán ra thị trường 250.000 bộ sản phẩm và doanh thu mang về là 250 triệu USD vào năm 2019. Mô hình kinh doanh mà MagicBook hướng tới là thu phí thành viên (membership fee) và đưa sản phẩm vào trong trường học cấp 1&2 trong khoảng thời gian sau giờ học chờ phụ huynh đến đón. Được ứng dụng công nghệ “thời thượng” như AI, Deep learning, nhưng vấn đề mà các thành viên Ban giám khảo quan tâm đó chính là tính bảo mật, tính riêng tư của sản phẩm; MagicBook có thể “giữ chân” một đứa trẻ trong bao lâu? Sản phẩm có cập nhật không? Trò chơi có thay đổi không, có cơ chế cập nhật mới không? Những nội dung của Macgic đã được đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ? Tính sáng tạo của MagicBook ở đâu…. Kết thúc phần tham luận, Ban giám khảo nhận xét phần trình bày của MagicBook khá sáng tạo và cho rằng, sản phẩm này nếu muốn phát triển ra thị trường nước ngoài cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đăng ký bản quyền.

Bảo vệ cuối cùng trong buổi sáng hôm nay, nhóm tác giả của sản phẩm Stringee gặp không ít câu hỏi “khó” từ Ban giám khảo. Stringee là sản phẩm startup đúng nghĩa khi mới triển khai ra thị trường từ tháng 04/2018, đây là nền tảng lập trình cung cấp APIs (Voice, Video, SMS) cho các doanh nghiệp. Ước tính dung lượng thị trường APIs hiện nay là từ 8 - 10 tỷ đồng. Hiện Stringee đã có 40 khách hàng trả phí, hơn 100 khách hàng đang tiếp cận dịch vụ, lưu lượng chạy qua nền tảng này là 1 triệu cuộc gọi/ngày. Stringee hướng mục tiêu trở thành công ty cung cấp Communication APIs hàng đầu tại  Đông Nam Á. Mặc dù không phải là mô hình mới và chịu sự cạnh tranh lớn của các đối thủ đến từ Mỹ, nhưng lợi thế cạnh tranh của Stringee chính là tính bản địa có kết nối đến nhà mạng và giá thành rẻ hơn các đối thủ. Chưa kể thị trường Đông Á rất tiềm năng, nên Stringee sẽ tập trung phát triển nhanh để chiếm lĩnh thị trường, vì lĩnh vực Voice video còn khá mới ở Việt Nam và khu vực. Hiện tăng trưởng doanh thu của Stringee là 20%/tháng – một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, điều khiến Hội đồng Ban giám khảo băn khoăn là Stringee có lợi thế gì về mặt công nghệ so với các đối thủ, nếu chỉ dựa vào tính cạnh tranh là tính bản địa và giá rẻ. Chưa kể mối quan hệ hiện nay của Stringee với các nhà mạng ra sao, nếu sau này khi đã tận dụng được công nghệ, các nhà mạng có cần đến sản phẩm này nữa không?

Mở màn phiên buổi chiều của tại Hội đồng Chung khảo Khởi nghiệp là nhóm tác giả 689Cloud. Đây là sản phẩm 100% “Made in Việt Nam”, là nền tảng cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa việc lưu trữ, chia sẻ, quản lý, mã hóa và bảo mật tài liệu điện tử. 689Cloud áp dụng công nghệ điện toán đám mây giúp cải thiện thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ. Là sản phẩm phát triển trên nền tảng điện toán đám mây, nên Ban giám khảo đặt rất nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề bảo mật. Nhóm tác giả 689 Cloud cho biết, hệ thống của họ sử dụng phương pháp mã hóa ADS 2056 bit, vốn được nhiều tổ chức lớn trên thế giới sử dụng. BGK rất quan tâm đến hình thức kinh doanh mà nhóm này sẽ áp dụng triển khai, cũng như dự định về huy động vốn, kêu gọi đầu tư, có bao nhiêu đối tác sẽ trở thành khách hàng của 689Cloud. Nhóm 689 Cloud vẫn đang kêu gọi vốn đầu tư để mở rộng thị trường, mở rộng R&D, đầu tư vào nhân sự, phát triển các kênh bán hàng.

Một sản phẩm tiếp theo của phiên buổi chiều có thể coi là giải pháp giải quyết các vấn đề của học sinh ngày nay. Captain-Eye ra đời dựa trên 04 yếu tố gồm xã hội, học sinh, cha mẹ và gia đình. Xuất phát điểm là nhóm sinh viên được đào tạo về chuyên ngành về công nghệ, sau một vài dự án thất bại, nhóm tác giả vẫn giữ được tinh thần khởi nghiệp, muốn đóng góp công sức, trí tuệ cho xã hội và sản phẩm  Captain-Eye ra đời. Ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ AI, cùng với sự hỗ trợ của thiết bị di động, kết nối Wifi, Captain-Eye được xem là công cụ hỗ trợ chống cận ở trẻ em khá hiệu quả từ nhắc nhở trẻ em ngồi đúng tư thế dẫn đến cận thị, gù lưng, mệt mỏi trong học tập… bên cạnh đó, thiết bị còn là công cụ kết nối, chia sẻ thông tin, cảm xúc giữa bố mẹ, ông bà và trẻ em. Trẻ em tự lập trình trên robot, tự lên kế hoạch học tập. Thông qua Captain - Eye, cha mẹ cũng dễ dàng kiểm soát con cái.

Với thị trường có 40% trẻ em bị cận thị, Captain-Eye sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng là gia đình thành phố, có thu nhập cao. Năm 2018, sản phẩm vẫn đang được thử nghiệm trên thị trường, bắt đầu phát hành sản phẩm ra thị trường vào năm 2019. Captain-Eye kỳ vọng sẽ bán được 20.000 thiết bị vào năm 2019 với giá bán khoảng 2 triệu/sản phẩm. Có mức giá sản xuất chiếm khoảng 30% giá bán sản phẩm, nên BGK đang băn khoăn về giá bán của Captain –Eye. Mặc dù, BGK nhận định đây là sản phẩm hay, bắt mắt và tương đối hoàn thiện, nhưng liệu có thực sự giúp ích cho người dùng,  sản phẩm khá mới lại không rẻ liệu có hút người dùng. Chưa kể, nếu đứa trẻ bất hợp tác thì liệu sản phẩm có khả thi, chưa kể là trẻ em cảm thấy áp lực vì bị giám sát.  Nếu muốn ra thị trường, sản phẩm cần phải tham vấn các chuyên gia giáo dục để hoàn thiện hơn nữa. BGK đánh giá đây là sản phẩm khá thú vị, vì vậy cần phải bổ sung thêm tính năng mới cho sản phẩm trong tương lai.

Ship60 - nền tảng giao hàng tức thời đang tập trung vào mảng chuyển hàng,giao hàng nhanh, tức thời. Với các khách hàng lớn là Lazada, Vascara, Omart... Ship60 đã triển khai thành công ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, tiến tới sẽ là Đà Nẵng. Với thế mạnh về công nghệ, Ship60 luôn theo sát với đối tác về vấn đề vận hành. Về doanh thu, Ship60 nhận 20% chi phí, tài xế nhận 80%. Chi phí được tính theo người dùng và sản phẩm xử lý. Ship60 có 03 gói dịch vụ gồm giao hàng theo giờ, giao hàng trong ngày và giao hàng qua ngày. Giải pháp của Ship60 là tối ưu hóa lộ trình, giảm chi phí và thời gian đi lại. Quy mô thị trường giao nhận là 1 – 2 tỷ USD, trong khi thị trường giao nhận tức thì chỉ chiếm 10%, Ship60 đang rất thuận lợi về mặt vận hành, đã triển khai thành công với những khách hàng lớn, với thời gian giao hàng là từ 1-2 giờ. Định hướng trở thành dịch vụ giao hàng tôt nhất cho doanh nghiệp và tiến tới thị trường quốc tế với 6.000 tài xế đăng ký trên hệ thống của Ship60 với 1.000 đơn hàng/ngày, trung bình 1 đơn là 30.000 đồng. BGK cho rằng, liệu 500 đơn hàng/ngày có quá nhỏ với các hãng lớn như Lazada. Chưa kể, điểm mạnh của Ship60 là gì để hấp dẫn các đối tác cũng như giữ chân tài xế. Công nghệ lập trình của Ship60 có gì mới, so với nền tảng phát triển ban đầu 02 năm trước. Trả lời câu hỏi của BKG, tác giả Ship60  cho biết, hiện đã cân bằng được nguồn đơn hàng và số lượng tài xế để tối ưu hóa chi phí, để tài xế có mức thu nhập đều đặn hàng tháng. BKG cho rằng, 02 năm trước Ship60 được đánh giá là khá tiềm năng và mới mẻ, vậy tại sao lại không đi tiếp trong khi các đối thủ cạnh tranh lại không ngừng lớn mạnh? Vì vậy, Ship60 cần phải chú trọng đến tốc độ tăng trưởng, công nghệ phải tốt, mô hình kinh doanh đúng thì mới phát triển được.

Là xu hướng phát triển của thời đại, VNPT SmartCloud có hạ tầng khai thác cung cấp dịch vụ gần đạt đến ngưỡng 80% và 70% về mặt doanh số. Năm 2017, VNPT SmartCloud đã chứng minh được tính hiệu quả và đưa sản phẩm ra thị trường với các khách hàng là các công ty phần mềm, các doanh nghiệp CNTT, các tổ chức nhà nước . Kỳ vọng năm 2018, sản phẩm sẽ đạt được 8 tỷ đồng doanh thu. Mặc dù chịu sự canh tranh mạnh mẽ của các đối thủ lớn, nhóm tác giả VNPT SmartCloud cho biết, sản phẩm đã luôn dẫn đầu công nghệ, nhanh chóng lan tỏa đến 63 tỉnh, thành để sớm dành được thị phần. Đến năm 2021, VNPT SmartCloud ước tính sẽ đạt 1.129 tỷ đồng doanh thu, đã thuyết phục được chủ đầu tư đầu tư 1.000 tỷ đồng.

Được các thành viên BGK gọi bằng một cái tên khá hài hước “thiếu gia khởi nghiệp” vì có lợi thế về hạ tầng và tập khách hàng lớn của VNPT. Tuy nhiên, vấn đề khiến các thành viên BGK quan tâm là tính smart của sản phẩm VNPT SmartCloud, vấn đề khởi nghiệp như thế nào, có hạch toán độc lập để biết thành công của sản phẩm đến đâu? Sau khi thành công có tách ra thành một công ty riêng hay không? Hay có khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thế giới như Amazon? Câu trả lời của nhóm tác giả VNPT SmartCloud là rất tự tin về thành công của sản phẩm, vì là một trong 03 sản phẩm mạnh nhất trên thị trường hiện nay. Sản phẩm hoàn toàn có yếu tố smart vì được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn của khách hàng. Nhóm phát triển đã dành ra khoảng thời gian 06 tháng để xem xét lại toàn bộ các sản phẩm, hạ tầng đầu tư, nhân lực phát triển, chi phí vận hành, chi phí thường xuyên...nên sản phẩm chắc chắn sẽ thành công và nếu được phép thì sẽ tách ra thành công ty riêng để phát triển. Còn khả năng cạnh tranh được với các đối thủ lớn như Amazon, nhóm tác giả  VNPT SmartCloud nhận định là khó khăn, vì công nghệ của họ quá mạnh, nhưng đổi lại nhóm tự tin về sản phẩm sẽ phát triển tốt ở thị trường trong nước vì được hỗ trợ dịch vụ, ngôn ngữ giao diện, tổ chức các kênh phân phối..

Sản phẩm cuối cùng tham gia bảo về trước Hội đồng Chung khảo Khởi nghiệp là iNut Smartcity. Đây là  nền tảng thông tin của thành phố thông minh, cung cấp giải pháp kết nối giữa phần cứng và phần mềm. Giúp đưa khả năng kết nối mọi loại vật cho bên cung cấp phần mềm và trí tuệ nhân tạo. Từ đó, giúp hệ thống thiết bị và phần mềm được kết nối với nhau một cách an toàn và mở rộng không giới hạn (vật lý).

Là sản phẩm chịu sự cạnh tranh lớn trên thị trường, nhưng iNut Smartcity được xây dựng khá bài bản bởi nhóm tác giả có tuổi đời khá trẻ. Với phương án kinh doanh rõ ràng, nền tảng phát triển khá tốt, iNut Smartcity nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng BGK. Khi được hỏi về nền tảng này giúp ích gì cho smartcity, nhóm tác giả cho biết, iNut Smartcity góp phần tạo ra một nguồn nhân lực có nền tảng công nghệ cao về IoT - công nghệ cốt lõi của smartcity. Một vấn đề nữa là BGK quan tâm là sản phẩm dự thi là dự án về platform, tại sao lại thu tiền từ firmware. Câu trả lời là firmware chính là phương án để khách hàng tiếp cận đến platform.

BGK hoàn thành vòng chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2018 vào lúc 17h30'. Ngay sau đó sẽ là phiên họp hội đồng của BGK để thẩm định và đánh giá những sản phẩm theo từng quan điểm riêng của BGK. Kết quả của cuộc thi sẽ được công bố vào đêm trao giải Giải thưởng NTĐV 2018 vào ngày 20/11. Cùng chờ đợi những nhân tài mới sẽ bước lên bục vinh quang.

 

 

P.V


Ý kiến bạn đọc