Đón Tết Bun Pi May trên đất Lào

11:49, 15/04/2015
|

(VnMedia) - Tết Bun Pi May, nếu có người buộc chỉ vào cổ tay bạn, đừng từ chối, vì may mắn, hạnh phúc sẽ đến với bạn. Nếu đi trên đường, bạn bị cả thùng nước xối vào người ướt nhẹp, đừng sợ hãi bỏ chạy, hãy cười thật tươi nhé và chắp tay trước ngực nói Sot ti pi may (chúc mừng năm mới)…

>> "Lấy may" bằng hoa đọt khun
>> Hội Báo Xuân Việt Nam 2015 tưng bừng khai mạc tại Lào

Đi lễ chùa

Tết Bun Pi May của Lào được tổ chức trong ba ngày chính, từ ngày 14-16/4 dương lịch. Ngày 14/4 dương lịch, được coi như ngày đầu của năm mới của người Lào, giống như mùng 1 Tết của Việt Nam. Dịp Tết Bun Pi May, người Lào thường tới các chùa làm lễ cầu an hoặc có thể mời các sư về nhà làm lễ.

Ảnh minh họa

 Lễ tại chùa Sỉ Mương, ngôi chùa cổ được coi là linh thiêng nhất tại thủ đô Viêng Chăn



Vào buổi lễ, mọi người ngồi xung quanh chiếc mâm khoắn (cách gọi của người Lào). Trên mâm lễ có bày hoa chủ đạo là cúc vàng, hoa chăm pa, một số loại quả, rượu, nước thơm…

Chiếc mâm được trang chí theo hình tháp, khá đẹp mắt. Những sợi chỉ màu cũng được trang trí theo hình tháp, kéo dài từ đỉnh tỏa tròn ra khắp mâm, đủ dài để những người ngồi làm lễ xung quanh có thể cầm vào một đầu dây. Hoặc cũng có thể nhà sư cầm đầu dây, và người dự làm lễ sẽ cầm các đầu dây còn lại.

Chính lễ, sư thầy sẽ làm lễ và khấn. Những người ngồi quanh mâm để khấn, một tay cầm sợi chỉ. Các sợi chỉ được nối vòng, tạo thành sợi dây liên kết từ người này sang người khác.

Sau khi khấn xong, sư thầy sẽ buộc chỉ cho người được nhận lễ trước khi buộc cho những người khác. Hoặc mọi người cũng có thể buộc chỉ vào tay nhau. Sợi chỉ buộc tay được đeo suốt dịp Tết, ít nhất là ba ngày đeo liên tục, không được tháo ra. Nếu đeo được ba ngày trở lên, thì lời cầu chúc sẽ linh ứng.

  Ảnh minh họa

 Lễ chùa trong ngày đầu năm mới 2015 của một đại gia đình người Lào

  Ảnh minh họa

 Sau khi làm lễ, nhà sư buộc chỉ vào tay người làm lễ.



Tắm cho tượng phật

Lào là đất nước có nền văn hóa phật giáo lâu đời . Phật giáo gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân. Tại thủ đô Viêng Chăn, có đến hàng trăm ngôi chùa, riêng mỗi phường đều có ít nhất một ngôi chùa lớn.

Dịp Tết Bun Pi May, người Lào không thể thiếu nước thơm để tắm cho tượng phật. Nước thơm là loại nước sạch được thả những cánh hoa đọoc khun, dầu thơm, nghệ.

Tại các ngôi chùa, nhà sư sẽ mang những bức tượng trong chùa ra ngoài sân để người dân có thể tắm cho tượng phật. Người đi lễ chùa có thể dùng bó hoa đọt khun, hoặc có thể dùng tay, cốc, ca để vẩy nước lên những bức tượng.

Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật có thể hứng lại đem về nhà để vẩy vào người để lấy may…

Tục phóng sinh cá, chim…cũng được người dân Lào kết hợp thực hiện trong dịp Tết Bun Pi May, với ý nghĩa mang lại ấm no, an lành. 

  Ảnh minh họa
 


Té nước

Nếu đến Lào mà bạn chưa được dự lễ hội té nước thì quả là đáng tiếc! Đó là một phong tục không thể thiếu trong dịp Tết Bun Pi May. Người dân Lào coi nước là nguồn sống, mang lại nhiều may mắn, gột rửa mọi đen đủi, xấu xa, bệnh tật, họ mong nước sẽ mang lại sức khỏe, an lành, ấm no.

Và vì thế, trong ngày đầu năm mới, họ chúc nhau bằng nước. Thông thường, khi chúc tết người Lào chỉ nhẹ nhàng cho một vốc nước nhỏ ra tay và vã nước vào phía lưng của người được chúc, kèm theo câu “Sot ti pi may” (chúc mừng năm mới). Các gia đình cũng tổ chức té nước bằng việc mang vòi phun, xô, chậu đựng nước ra ngoài cửa và cùng vui vẻ té nước vào nhau lẫn người đi đường.

Ảnh minh họa
 

Những ngày này, thủ đô Viêng Chăn như biến thành một vũ trường nước khổng lồ. Trên các tuyến phố chính, khách du lịch cùng hòa chung không khí tết với người dân Lào. Họ cùng té nước vui vẻ, cùng nhún nhảy theo tiếng nhạc “dance” mở to hết cỡ.

Với âm nhạc trong dịp Tết Bun Pi May, người Lào có sự khác biệt lớn với Tết cổ truyền của Việt Nam. Nhạc “dance” được người dân Lào “bật loa” mở bất kể giờ giấc, thâu đêm, suốt sáng và họ có thể nhảy mua bất kỳ đâu trên đường phố, miễn là có tiếng nhạc….

Ngày thường, đường phố Lào khá thanh bình, nhưng vào ngày Tết, các con phố như bừng tỉnh, sống động hơn, cảm giác như tất cả các loại xe ô tô được người Lào phô diễn trên đường phố. Loại xe chủ yếu được mang đi té nước phải kể đến dòng xe bán tải (pick up). Trên thùng xe, những chàng trai, cô gái ăn mặc sặc sỡ dùng súng phun nước, hoặc bất kể thứ gì có thể dùng hắt nước….trút ào ào xuống người đi đường. Họ vui vẻ nhảy múa, chúc tụng nhau….

Nếu đi trên đường, bạn bị cả thùng nước xối vào người ướt nhẹp, hay bị bôi bột màu (một loại làm từ bột gạo trắng, hoặc có pha màu) lên mặt, đừng sợ hãi bỏ chạy, hãy cười thật tươi và chắp tay trước ngực nói "Sot ti pi may" nhé!

Tiệc đón năm mới

Nếu như người Việt hối hả mua sắm và mất nhiều thời gian cho việc làm cỗ cúng trong dịp Tết Nguyên đán, thì người Lào lại khá “nhàn nhã” trong việc này.

Ở Việt Nam, những ngày cận Tết, đường phố thường náo nhiệt, thậm chí là tắc đường, kẹt xe thường xuyên. Hoa đào, mai, quất…ngập phố, người người hối hả mua sắm cho Tết. Vậy nhưng ở Thủ đô Viêng Chăn, bạn có thể cảm nhận không khí Tết thật khác biệt. Không cảnh kẹt xe, không sự hối hả mua sắm, thay vào đó là sự thanh bình đến lạ. Bạn có thể cảm nhận Tết bằng sắc hoa vàng Đọt Khun cùng màu sắc sặc sỡ của váy, áo hay những bữa tiệc đón năm mới không thể thiếu tiếng nhạc.

Ảnh minh họa
 

  Ảnh minh họa

 Món lạp làm từ thịt vịt


Ảnh minh họa

 Món lạp bò



Ngày 13/4 dương lịch, người Lào vẫn đi làm bù để bắt đầu nghỉ Tết từ 14/4 đến 16/4.Vậy nhưng, trên các con phố ở Viêng Chăn, ta vẫn có thể bắt gặp những bữa tiệc đón năm mới. Bữa tiệc không thể thiếu món lạp ăn kèm với xôi nóng, đây là món ăn truyền thống trong dịp Tết Bun Pi May của người Lào.

Lạp có nghĩa là “lộc”. Người Lào quan niệm, ăn món lạp với mong muốn mang lại nhiều tài lộc, may mắn. Món lạp thường được chế biến từ thịt bò, gà, vịt, cá sông Me Kong, sau đó được trộn với các gia vị. Vị chua ngọt, cay…hơi giống món nộm của Việt Nam.



Tới dự bữa tiệc đón năm mới của một người Lào, từng là du học sinh tại Việt Nam, anh cho biết, người dân Lào không cầu kỳ trong ăn uống dịp tết. Tiệc tết có món chính là lạp, còn lại là các món khác, chủ yếu là các món nướng, quay như vịt quay, lợn quay, cá sông Me Kong chiên…

Ảnh minh họa

 Bữa tiệc đón năm mới tại một nhà của người Lào

  Ảnh minh họa
 

Trong một buổi gặp gỡ trò chuyện với một số đại diện cơ quan thường trú Việt Nam tại Lào, ông Bountheng, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội Lào, người từng học 21 năm tại Việt Nam, chia sẽ, Việt – Lào dù có hai nền văn hóa khác nhau, nhưng rõ ràng, người Việt và Lào vẫn có những đồng cảm, giao thoa. Người Lào luôn có tình cảm đặc biệt với Việt Nam và ngược lại, tới Lào, người Việt được chào đón nồng nhiệt, được cảm nhận như ở nhà mà không có sự khác biệt, xa lạ….

Người Lào thật dễ mến, thân thiện, chân thành và đặc biệt, mọi người vẫn nói vui rằng, người Lào làm việc gì đó “muốn nhanh thì phải từ từ”. Những ngày trên đất Lào là những ngày được “sống chậm”, cảm nhận sự thanh bình, hiếu khách của người dân Lào dành cho du khách...


Khổng Nhung - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc