Một đêm hội Trung Thu đậm chất dân gian

11:29, 09/09/2014
|

(VnMedia) - Không có những thứ đồ chơi xa xỉ, hiện đại hoặc mang yếu tố bạo lực; cũng không có những con giống khổng lồ với hàng ngàn người tham gia rước đèn; đêm hội Trung thu ở con phố Phan Đình Phùng cổ kính đã làm nên một không gian yên bình, xưa cũ đậm chất truyền thống tạo nên sự khác biệt của đêm Rằm Trung thu.

Vào đúng đêm 13 Âm lịch, trên con phố Phan Đình Phùng ngập lá vàng rơi, nhộp nhịp các bà, các cô, các thanh thiếu niên trong những trang phục cổ của người nông dân và thị thành, trong những gian hàng đậm đà bản sắc văn hóa dân gian.

Nào những cụ già – những nghệ nhân đến từ làng cốm Vòng nổi tiếng xứ Bắc, khăn mỏ quạ, áo cánh nâu, cánh mỡ, miệng bỏm bẻm nhai trầu ngồi bên những bó lúa nếp thơm ngậy, tuốt lúa, rang cốm thơm lừng góc phố quyện với những làn khói mỏng manh gợi nhớ không gian của làng quê ngoại thành Hà Nội từ thời xa xưa.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Các nghệ nhân làm bánh dẻo, làm cốm


Rồi những nghệ nhân nặn tò he với những cục bột đủ màu sắc rực rỡ thu hút sự chú ý đặc biệt của bọn trẻ. Chúng quây quần, sà vào ngồi xung quanh nghệ nhân để xem ông nặn tò he. Từ những cục bột vô tri vô giác, dưới bàn tay khéo léo đã trở thành những bông hoa rực rỡ, những Tôn Ngộ Không, rồng lửa…thậm chí là Thủy thủ mặt trăng – những nhân vật mà bọn trẻ rất yêu thích một cách sống động, ấn tượng.

Xunh quanh hè phố là những gánh hàng hoa, nào dơn, nào cúc, nào ngọc lan, nào thạch thảo… những loài hoa dân dã, quen thuộc với những sắc màu tự nhiên tươi rói và hương thơm trầm mặc, lãng đãng tạo nên không khí Thu đặc trưng của Hà Nội. Bên cạnh dãy hàng hoa là những gánh hàng trái cây ngồn ngộn nhìn rất thích mắt. Từ những thúng hồng ngâm xanh vàng đang ương đến những mẹt hồng đỏ ối tươi mát, những rổ na xanh mỡ, rổ thị vàng ươm, cả những mẹt thị xanh còn nguyên phấn trắng, tất cả đều rất tươi, rất giòn, rất ngon mắt.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Nghệ nhân nặn tò he với những cục bột đủ màu sắc rực rỡ thu hút sự chú ý đặc biệt của bọn trẻ


Nếu như người lớn rôm rả với những món đồmang đậm nét cổ xưa thì bọn trẻ lại hào hứng với việc dán lồng đèn ông sao và làm bánh nướng tại chỗ. Những chiếc đèn được làm bằng tre, xếp thành khung và dán giấy bóng kính xanh đỏ được lũ trẻ tỉ mỉ ngồi bóc, dán một cách kiên nhẫn và mắt chúng sáng long lanh, reo lên khi hoàn thành mỗi chiếc đèn. Gian hàng làm bánh nướng bánh dẻo cũng nhộn nhịp trẻ thơ, đặc biệt là các bé gái, rất hào hứng thứ sức mình trong việc “nữ công gia chánh”, được các nghệ nhân, đầu bếp của Quán Ăn Ngon hướng dẫn tận tình từ cách nặn bột, đóng khung đến công đoạn nướng bánh… tất cả đều làm nên sự nhộn nhịp của một lễ hội trung thu truyền thống

Phải công nhận rằng, “chủ nhân” tổ chức đêm hội phải là người rất am hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống, và đặc biệt là có tâm hồn sâu sắc và con mắt tinh tế mới có thể làm nên một lễ hội Trung thu đậm đà bản sắc như thế. Không chỉ quan tâm yếu tố kinh doanh, chị Phạm Bích Hạnh – người sáng lập ra thương hiệu Quán Ăn Ngon – người lên ý tưởng và điều hành hoạt động tổ chức Đêm hội Trung thu là một người luôn đau đáu trong mình việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình “truyền thống, gia phong” ở khu phố cổ Hà Nội, nên từ bé, chị đã được sống trong một môi trường giáo dục nghiêm khắc nhưng cũng đầy tình yêu thương. Vì thế, chị được thừa hưởng những đức tính cần cù, chịu khó, tỉ mỉ, chu đáo và tinh tế của bà, của mẹ trong việc nữ công gia chánh và trở nên yêu thích những công việc này.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 Không gian Tết trung thu hấp dẫn thực khách và các em nhỏ


Chính vì thế, khi sáng lập ra chuỗi nhà hàng Quán Ăn Ngon, chị không chỉ quan tâm đến việc “ăn no” mà phải “ăn ngon” và “miếng ăn phải thể hiện nét văn hóa truyền thống”. Những món ăn ở Quán Ăn Ngon bởi vậy không chỉ ngon về chất lượng mà còn đẹp mắt và mang nhiều màu sắc văn hóa dân gian. Cho nên, khi tổ chức Lễ hội trung thu, chị đã lên “kịch bản” và yêu cầu nhân viên thực hiện triệt để, tỉ mỉ. Rất nhiều nhân viên đã đi đến các chợ vùng ngoại thành để thu gom bằng được những quả thị, quả hồng ngâm đặc trưng. Về tận là Vòng mời bằng được những nghệ nhân “Cốm Vòng” mang theo những bó lúa nếp trĩu trịt, mỡ màng để ra làm Cốm ngay tại chỗ. Những gánh bỏng ngô, bỏng bắp, những quầy bán ấm chén bằng đất nung, những chiếc mặt nạ làm bằng bột hồ… tất cả gợi nên những hình ảnh quen thuộc của hàng chục năm trước, mang nhiều nét xưa cũ khiến du khách đến dự đêm hội vô cùng thích thú.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
 
Trong dòng chảy văn hóa hội nhập một cách mạnh mẽ của thời đại mới, chị Phạm Bích Hạnh luôn mang trong mình tình yêu đối với những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống. Không chỉ đơn thuần là kinh doanh như những doanh nhân khác, chị Phạm Bích Hạnh còn luôn đau đáu trong mình việc bảo tồn và phải phát huy thật mạnh mẽ những giá trị quý báu trong văn hóa ẩm thực Việt Nam . Để khi đất nước ngày càng hội nhập mạnh mẽ, nhiều nguồn văn hóa ẩm thực từ các quốc gia khác chảy vào Việt Nam thì ẩm thực Việt Nam vẫn phải giữ được bản sắc riêng, độc đáo và hấp dẫn. Bởi những giá trị được đúc kết từ ngàn đời của cha ông ta để lại, nó thể hiện ý chí, bảnh lĩnh, tính cách và tình yêu của con người thông qua những món ăn, đó chính là văn hóa tạo nên bản sắc của mỗi quốc gia cùng với những nét đặc trưng khác.

Chị Phạm Bích Hạnh hy vọng rằng, bên cạnh những món ăn “Tây” ngày càng được người dân yêu thích, thì những món ăn đậm chất truyền thống cũng sẽ ngày càng “lên ngôi” không chỉ đối với du khách trong nước mà còn thu hút được sự quan tâm, yêu thích của thực khách quốc tế, đó chính là ý nghĩa trong việc quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến với bạn bè năm châu.


Mạnh Trần

Ý kiến bạn đọc