Việt phủ Thành Chương: Phá hay để tồn tại?

15:10, 17/05/2013
|

(VnMedia) - Những ngày qua, dư luận “nóng” lên trước việc Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội kết luận về một số trường hợp chuyển nhượng đất, xây dựng công trình không phép trên đất rừng do Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và phát triển nông lâm nghiệp Sóc Sơn quản lý, trong đó có Việt phủ Thành Chương. Nhiều ý kiến cho rằng nên phá bỏ Việt phủ để trả lại đất rừng lâm nghiệp.

Ảnh minh họa


Cổng vào Việt phủ Thành Chương


Hiện tại các cơ quan có trách nhiệm vẫn đang tiến hành nghiên cứu tìm cách xử lý các trường hợp vi phạm cho hợp tình hợp lý nhất. Tuy nhiên, sự quan tâm đặc biệt được dành cho “số phận” của Việt phủ Thành Chương, khi UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho Sở xây dựng và UBND huyện Sóc Sơn rà soát các công trình xây dựng trên đất lâm nghiệp thuộc huyện Sóc Sơn quản lý, sau đó sẽ báo cáo, đề xuất phương án xử lý lên Thành phố trước ngày 15/6/2013.

Đây là bài toán hóc búa, không chỉ cho các cơ quan chức năng, bởi những hoạt động được cho là sai phạm đã diễn ra giữa "thanh thiên bạch nhật" gần chục năm qua, chưa nói rằng, trong số đó, Việt phủ Thành Chương là một điểm du lịch văn hóa nổi tiếng đón tiếp biết bao nhiêu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Việt phủ Thành Chương được xây dựng năm 2001 trên một diện tích rộng 10 nghìn mét vuông với rất nhiều những công trình mang dáng dấp cổ kính, kiến trúc đặc trưng của các vùng miền như Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ; những ngôi nhà cổ kính được “bê nguyên xi” từ những làng quê về Việt phủ, trong lúc đời sống nông thôn ngày càng phát triển, những ngôi nhà cao tầng, bê tông được mọc lên và dấu tích của những căn nhà gỗ lợp ngói âm dương.. đã dần biến mất.

Ngoài ra còn hàng vạn cổ vật quý hiếm cũng như nhưng vật dụng quen thuộc đối với đời sống nông thôn được trưng bày ở Việt phủ như là một nơi “trú ngụ” tâm hồn Việt. Công trình được hoàn thành vào năm 2003 gây nên cơn “sốt” nhẹ cho công chúng, đặc biệt với những người yêu thích thể loại du lịch văn hóa, thích tìm hiểu những giá trị văn hóa cộng đồng cũng như phong tục, tập quán của các miền quê Việt Nam.

Với họa sỹ Thành Chương, Việt phủ là một công thình làm theo nghệ thuật và quan điểm của riêng họa sỹ về cách lưu giữ và bảo vệ di sản văn hóa. Thành Chương đã làm ra Việt phủ với một tinh thần độc lập cao về quan điểm nghệ thuật cũng như chi phí đầu tư xây dựng. Điều đặc biệt của Việt phủ Thành Chương là công trình đồ sộ với rất nhiều những kiến trúc cổ kính khác nhau này lại không có bất kỳ một bản thiết kế nào, đó chính là cái tài của người họa sỹ danh tiếng, khi ông trực tiếp phác thảo các công trình, sắp xếp các vị trí từ miếu thờ, hồ múa rối nước đến những vườn hoa, không gian của núi rừng được sắp đặt hài hòa với những yếu tố đậm chất đồng bằng sông Hồng… tất cả đã làm nên một bức tranh sống thật ấn tượng.

Trong suốt 10 năm qua, Việt phủ Thành Chương đã từng đón các đồng chí lãnh đạo và rất nhiều du khách quốc tế và trong nước đến tham quan. Đặc biệt, năm 2010, trong dịp kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, Việt phủ Thành Chương trở thành một trong những điểm du lịch quan trọng, như là một công trình văn hóa đồ sộ nằm trong tuyến các điểm du lịch hấp dẫn của thủ đô Hà Nội.

Cũng trong tháng 5 năm 2010, bộ phim tài liệu mang tên Việt phủ Thành Chương - Nơi trú ngụ tâm hồn Việt của đạo diễn Nguyễn Lê Văn và Nguyễn Hoàng Lâm (ban Khoa giáo - Đài truyền hình Việt Nam) sản xuất đã giành giải Nhất tại Liên hoan điện ảnh, truyền hình thể thao và du lịch quốc tế (FICTS) lần thứ 5 được tổ chức tại Đà Nẵng. Đây được coi là bộ phim đầu tiên làm về một công trình văn hóa đã được tôn vinh, thay vì thể loại này thường khai thác những vấn đề trong đời sống, thân phận con người trong xã hội. Điều này lần nữa chứng minh cho sự hấp dẫn, mang nhiều giá trị văn hóa, như là một công trình bảo tồn những vốn quý đậm nét truyền thống dân tộc của Việt phủ Thành Chương.

Vì thế, khi thông tin Việt phủ Thành Chương bị kết luận là công trình sai phạm thì đã có rất nhiều những ý kiến trái chiều tranh luận về vấn đề có nên tiếp tục để Việt phủ tồn tại. Đã có những luật sư và những nghệ sỹ lên tiếng về việc này. Đa phần các ý kiến đều cho rằng việc xử lý vi phạm của Việt phủ Thành Chương không hề dễ. Bởi nếu vi phạm, thì đã vi phạm từ 10 năm nay, vậy mà không có bất cứ một cơ quan quản lý nào lên tiếng. Ngay cả việc xử phạt vi phạm hành chính thì cũng chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm kể từ khi vi phạm.

Công trình Việt phủ Thành Chương đã tồn tại 10 năm kể từ khi nó hoàn thành cộng thêm 3 năm xây dựng với biết bao nhiêu công sức, tiền bạc và tâm huyết của họa sỹ Thành Chương đã đổ vào để xây dựng. Vì thế, để đưa ra một bài toán “xử” sao cho hợp lý hợp tình là chuyện không hề đơn giản đối với các cơ quan có thẩm quyền, cần phải cân nhắc thật kỹ tránh gây những hệ lụy về sau.

Ảnh minh họa


 Nhà thơ Trần Đăng Khoa:Tốt nhất là hợp thức hóa cho Thành Chương và tạo điều kiện để anh hoàn thiện nốt một công trình văn hóa có tầm cỡ quốc gia, thành một danh thắng độc đáo của Thủ đô Hà Nội.”


Tùng Huy

Ý kiến bạn đọc