GS.TS Ngô Đức Thịnh:: Hồn cốt của người Việt ăn Tết theo âm lịch

07:41, 11/02/2013
|

(VnMedia)“Sự giản tiện đánh mất đi một kho di sản văn hóa. Ở đây mình phải giải quyết hệ thống nghi lễ, hệ thống giá trị văn hóa chứ không phải chỉ là chuyện ăn tết theo thời gian” – GS.TS Ngô Đức Thịnh phản bác lại ý kiến nên chuyển ăn tết cổ truyền theo lịch dương.

Trong số nhiều ý kiến phản bác về quan điểm “Tết hội nhập” của GS Võ Tòng Xuân, không ít người cho rằng, Tết dương lịch chỉ là món ăn thêm, là thứ gia vị mới với người dân Việt. Còn hồn cốt của người Việt, vẫn phải là ăn Tết theo lịch âm, ăn Tết cổ truyền với cả hệ thống giá trị văn hóa từ trong gia đình tới ngoài xã hội.

Đầu xuân năm mới, phóng viên VnMedia đã có buổi trò chuyện với GS.TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam về việc có nên đón Tết hội nhập hay không?

 Ảnh minh họa

 GS.TS Ngô Đức Thịn


- Thưa GS.TS Ngô Đức Thịnh, Tết âm luôn có ý nghĩa linh thiêng với người Việt. Vào ngày này, tự dưng nói chuyện ăn tết âm theo lịch dương, Giáo sư nghĩ gì?

Tôi có đọc sơ sơ qua của giáo sư Tòng và giáo sư Huy. Nhưng tôi nghĩ, Tết là văn hóa chứ không phải là một hiện tượng đơn lẻ.

Tết là ngày sum họp, từ 23 ông Táo chầu giời đến ngày mùng 7 hạ cây nêu hoặc tới 15 Trung nguyên với hàng loạt các sự kiện văn hóa mang dấu ấn truyền thống Việt Nam. Tôi nghĩ, liệu mình có thể rinh cả một hệ thống tết sang tết dương lịch được không. Bởi vì, nó không đơn giản là vấn đề thời gian, thời điểm văn hóa thuần túy mà là một hệ thống kéo dài suốt cả tháng với nhiều sự kiện, phong tục, nghi lễ mang ý nghĩa về không gian, môi trường.

Truyền thống tốt đẹp đó để mất đi thì rất khó. Không thể xê dịch, lại càng không thể xóa hết trí nhớ của con người Việt Nam về việc bỏ Tết cổ truyền. Nếu Tết dương lịch diễn ra tất cả những gì của Tết âm lịch thì sẽ hay, nhưng chuyện đó không đơn thuần là thời gian sống. Chúng ta đánh đổi một cái phong phú mang ký ức con người sang cái thuần túy thời gian trống không thì nó vô nghĩa.

- Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng, chuyển ngày nghỉ lễ sang tết dương sẽ là một cách để hội nhập văn hóa?

Nếu đánh đổi theo kiểu lấy thời gian tiện với thế giới thì không nên đánh đổi làm gì vì chúng ta mất đi nhiều quá, đánh đổi không ngang bằng. Sự giản tiện đánh mất đi một kho di sản văn hóa. Ở đây mình phải giải quyết hệ thống nghi lễ, hệ thống giá trị văn hóa chứ không phải chỉ là chuyện ăn tết.

Tôi thấy không có gì là gay cấn lắm trong chuyện này. Chuyện thời gian hoàn toàn là do chúng ta thôi.Nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta chuyển thời gian thì phải chuyển cả hệ thống văn hóa, không đơn giản để làm việc đó.

Nghỉ nhiều đang là xu hướng kích cầu của thế giới. Việt Nam chúng ta đang là nước chưa phải có nhiều ngày nghỉ, như thế, khó để kích thích tiêu dùng, du lịch để tăng chất lượng đời sống.

Nếu để song song ăn cả tết dương và tết âm như nhau thì còn lâu lắm. Chúng ta là những người duy lý, khó chấp nhận. Người dân cả hàng trăm nghìn năm nay đã ăn sâu cội rễ chuyện ăn tết âm, thì sao họ chịu đánh đổi.

- Việc nghỉ tết âm quá lâu dẫn đến nhiều biến tướng khiến việc đón Tết cổ truyền mất đi ý nghĩa thiêng mà chỉ là dịp để hội tụ, bài bạc khiến cho nhiều ý kiến càng phản đối về cách ăn tết âm?

Biến tướng hay không là do mình, chứ không phải vì ăn tết âm. Đó là sự quản lý xã hội thôi. Tôi nghĩ, dù ăn tết theo ngày nào cũng thế, không thể chạy trốn những cái phong tục cũng như những cái hệ lụy đi theo nó. Đó là nhu cầu xã hội, không phải thấy biến tướng thì bỏ đi.

 Ảnh minh họa
 

- Nhưng có phải thực tế là, cách ăn tết của người Việt Nam giờ đây phần nào đã khác xưa, thưa Giáo sư?

Đến năm nay thì tôi đã ăn gần 70 cái tết rồi. Cảm giác tết nào có giống cái nào đâu. Mỗi năm tết nó lại khác nhau. Với người Việt Nam, tết nó có thể lặp lại tất cả nhưng nó cũng không lặp lại, luôn có cái mới làm cho đời sống đa dạng phong phú hơn. Quan trọng là giữ được tính đa dạng của đời sống con người.

Bản thân tết âm lịch cũng có cái thay đổi chứ không giữ như ngày xưa. Ví dụ giờ người ta quan niệm tết là sum họp nhưng đâu chỉ sum họp ở nhà mà còn đi du lịch Singapore, sang các nước khác du lịch. Đó là xu hướng hưởng thụ văn hóa của người Việt Nam.

Bây giờ, đời sống vật chất không quan trọng lắm, người dân quan tâm tới đời sống tinh thần nhiều hơn. Đặc biệt, vấn đề đời sống tâm linh lại rất được chú trọng chứ không phải giảm đi. Con người bây giờ gặp nhiều biến động chông chênh, muốn tìm chỗ dựa tâm linh đó cũng là điều dễ hiểu thôi. Đó là nhu cầu mới của con người, nó không những mất đi mà nó lại còn tăng lên theo xu hướng chung.

- Vậy cá nhân ông, ông có phản đối chuyện đón tết theo lịch dương như một vài nước đã làm để hội nhập với thế giới?

Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á vẫn đón tết theo cổ truyền. Đây là vấn đề đồng văn văn hóa. Tôi nghĩ mình chẳng việc gì phải chuyển theo một số nước khác.

Tôi nghĩ, vấn đề môi trường rất quan trọng. Tôi đã vào miền Nam ăn tết một lần và thề sẽ không bao giờ ăn tết ở đó nữa. Liệu chuyển sang tết dương, chúng ta sẽ còn phong tục cúng ông Công, ông Táo; còn làm lễ tất niên, giao thừa.

Lúc này, hệ thống tính lịch sẽ không còn gắn với vấn đề môi trường, khí hậu, cảnh quan và yếu tố sinh học trong mỗi con người. Không khí đêm giao thừa với tiết trời mù, mưa bụi liệu có thể có được vào tháng 12?

- Với người dân Việt, cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, tết cổ truyền mới được coi là sự mở đầu cho một năm may mắn, thành công. Thời điểm đó là không thể thay thế đúng không thưa Giáo sư?

Đúng. Tết là sự mở đầu tạo nhiều nét văn hóa cho con người. Đó là chu kỳ mở đầu, kết thúc gắn với khí hậu, cảnh quan, tâm trạng của con người.

Nếu không có tết thì không biết đời sống con người như thế nào, sẽ là một chuỗi liên tục không có mở đầu, kết thúc. Nếu con người không có thời điểm tạo nên hy vọng thì con người sẽ như thế nào.

Vì thế, người dân Việt Nam mình vẫn mong chờ cái tết để kết thúc năm cũ với nhiều phiền muộn, mong chờ một năm mới tươi sáng, mới mẻ hơn với nhiều hy vọng và kỳ vọng hơn.

Xin cảm ơn GS. Ngô Đức Thịnh về cuộc trò chuyện ý nghĩa đầu năm này!


Thiên Lam

Ý kiến bạn đọc