Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim tố CGV cạnh tranh thiếu lành mạnh

12:21, 30/08/2016
|

(VnMedia) - 'Khi đã là một doanh nghiệp lớn, cần phải hành xử có trách nhiệm và văn hoá như một “Doanh nghiệp lớn” , chứ không nên “cậy lớn” để chèn ép hay chặn đường phát triển của các doanh nghiệp khác trong ngành đặc biệt lại là các doanh nghiệp địa phương nơi CGV đang kinh doanh' - Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam khẳng định.

Sáng nay, Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam đã lên tiếng chính thức để khẳng định một số quan điểm liên quan tới việc nhiều doanh nghiệp điện ảnh kiến nghị Công ty CJ - CGV (thuộc CJ Group của Hàn Quốc) tự thay đổi và áp đặt những tỉ lệ ăn chia dành cho mình cao hơn nhiều so với trước đây. CGV cũng có những ứng xử thiếu văn minh và có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh. 

CGV là cụm rạp hiện đại bậc nhất tại Việt Nam
CGV sở hữu chuỗi cụm rạp hiện đại bậc nhất tại Việt Nam

Nội dung thông tin do Hiệp hội đưa ra gồm 5 điểm. Cụ thể, Hiệp hội khẳng định việc CGV là đơn vị có tỷ lệ phòng chiếu lớn trên thị trường ép các doanh nghiệp nói chung và nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội về tỷ lệ ăn chia trong thời gian gần đây là vấn đề có thực và đang có rất nhiều doanh nghiệp bất bình. Từ năm 2015 thì doanh thu ăn chia cho phim Việt của các nhà sản xuất, nhà phát hành khác không phải CGV tại hệ thống rạp của CGV bị giảm bình quân khoảng từ 15% - gần 25% trong khi tỷ lệ cũ vẫn được CGV đòi áp dụng cho phim của mình tại các hệ thống rạp khác cũng như tỷ lệ cũ vẫn được các doanh nghiệp khác trong ngành áp dụng.

Cũng chính vì vấn đề này nên không chỉ 'Tấm cám: Chuyện chưa kể' mà trước đó một số bộ phim khác của một số doanh nghiệp hội viên Hiệp Hội Phát hành & Phổ Biến Phim Việt nam khác cũng không thể chiếu được tại CGV vì tỷ lệ ăn chia dành cho nhà sản xuất phim quá thấp so với phần chủ rạp được hưởng. 

Hiệp hội cũng khẳng định CGV đã nhiều lần vi phạm và bị xử phạt trong các hoạt động chèn ép các nhà sản xuất khác tại chính Hàn Quốc và Việt Nam. Hiệp hội đã nhận được thông tin cụ thể rằng không phải chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Hàn Quốc, công ty CGV đã có nhiều hoạt động lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, chèn ép các nhà sản xuất và các đơn vị hoạt động điện ảnh nhỏ khác tại Hàn Quốc và đã bị cơ quan cạnh tranh của Hàn Quốc là Uỷ ban Thương mại công bằng (KFTC) điều tra, xử phạt ít nhất 5 lần. Tại Việt Nam, công ty CGV trước đây cũng từng bị xác định vi phạm Luật cạnh

Hiệp hội cũng khẳng định tinh thần cởi mở hợp tác quốc tế với tất cả các doanh nghiệp nước ngoài của các công ty trong Hiệp hội Phát hành & Phổ biến Phim Việt nam. Vì thế, với CGV, Hiệp hội bày tỏ quan điểm 'Việc một doanh nghiệp đầu tư phát triển và đạt được vị trí lớn là việc rất bình thường và được khuyến khích trong kinh doanh. Nhưng khi đã là một doanh nghiệp lớn, cần phải hành xử có trách nhiệm và văn hoá như một “Doanh nghiệp lớn” , chứ không nên “ cậy lớn” để chèn ép hay chặn đường phát triển của các doanh nghiệp khác trong ngành đặc biệt lại là các doanh nghiệp địa phương nơi CGV đang kinh doanh'.

'Tấm Cám: Chuyện chưa kể' là giọt nước tràn ly cho sự bức xúc của doanh nghiệp trong nước trước sự chèn ép của CGV
'Tấm Cám: Chuyện chưa kể' là giọt nước tràn ly cho sự bức xúc của doanh nghiệp trong nước trước sự chèn ép của CGV khi phát hành phim tại cụm rạp này

Ông Nguyễn Văn Nhiêm – Chủ tịch Hiệp hội Phát hành & Phổ biến Phim Việt nam chia sẻ “Các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam nhất định sẽ lớn lên bằng chính khả năng và sự cố gắng và nỗ lực của chính mình. Với người Việt khi khó khăn nhất cũng là khi chúng tôi sẽ đoàn kết với nhau nhiều nhất. Mong muốn của các thành viên trong Hiệp hội là được hoạt động điện ảnh trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng và tuân thủ pháp luật".

Trước những bức xúc của các doanh nghiệp điện ảnh trước sự chèn ép của CGV, Hiệp hội Phát hành & Phổ Biến Phim Việt Nam đã gửi các thông tin này lên các cơ quan chức năng để yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định. CGV hay bất kỳ doanh nghiệp điện ảnh có vị trí lớn nào cũng cần hoạt động theo tinh thần tôn trọng luật pháp trong việc phát hành phim, chiếu phim theo quy định tại luật đầu tư, luật cạnh tranh và các quy định khác mà nhà nước đã đưa ra và phù hợp với các công ước quốc tế. 

Hiệp hội cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng để xin hướng dẫn và tìm phương hướng cùng chung sức xây dựng thị trường sản xuất, phát hành, rạp chiếu phim điện ảnh và các Trung Tâm Phát hành và phổ biến Phim toàn quốc có một sân chơi công bằng. Các biện pháp pháp lý cần thiết sẽ được cân nhắc sử dụng để có thể đảm bảo các doanh nghiệp điện ảnh tại Việt Nam không bị chèn ép trái pháp luật, đảm bảo cuộc sống cho hàng chục ngàn cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp chiếu bóng, sản xuất, phát hành khác ngoài CGV và quan trọng hơn cả để góp phần bảo vệ và phát triển nền Điện ảnh Việt Nam, tương tự như cách Hàn Quốc đã từng phải gắng sức bảo vệ nền Điện ảnh của mình trong những thập kỷ trước đây.

Giang Phạm


Ý kiến bạn đọc