Đạo thơ có thể cấm xuất bản từ 5 đến 10 năm

10:09, 23/10/2015
|

(VnMedia) - Theo ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội: “Nếu phát hiện ai đó đạo thơ có thể cấm xuất bản từ 5 đến 10 năm và bỏ tù là hình phạt rất lớn".

Như báo chí đã đăng tải từ trước, chiều 20/10, Hội Nhà văn Hà Nội đã thu hồi giải thưởng của nhà thơ Phan Huyền Thư vì có liên quan đến dấu hiệu “đạo” thơ. Tuy nhiên, nhà thơ Phan Huyền Thư không thừa nhận mình đạo thơ mà chỉ khẳng định, thời điểm này, chưa có những chứng cứ để chứng minh bài thơ của mình đã viết từ năm 1996. Bản thân nhà thơ Phan Huyền Thư cũng đã gửi đến Hội nhà văn Hà Nội một lá thư xin lỗi và xin trả lại giải thưởng vừa được Hội nhà văn Hà Nội trao cho tập thơ “Sẹo độc lập” của chị.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội (ảnh: Hội Nhà văn Việt Nam)

Nói về lý do thu hồi giải thưởng, ông Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng: “Trước mắt, chúng tôi đã quyết định rút giải thưởng của chị Phan Huyền Thư vì không muốn vấn đề này gây ra xôn xao cho dư luận, ảnh hưởng đến Hội Nhà văn Hà Nội và Hội đồng xét giải thưởng. Chị Phan Huyền Thư phải tiếp tục đi tìm bằng chứng để khẳng định bài thơ của mình viết từ năm 1996. Rõ ràng, việc thu hồi giải thưởng là có tác dụng cho cả hai tác giả góp phần bảo vệ ý kiến giá trị giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội”.

Dư luận băn khoan là tại sao Hội Nhà văn Hà Nội lại không thẩm định kỹ trước khi trao giải?, ông Phạm Xuân Nguyên giải thích: Từ khi bài thơ ra đời cho đến lúc nhận giải thưởng, chúng tôi không nhận được ý kiến nào phản ảnh là có đạo thơ. Rồi cũng có người hỏi chúng tôi là vì sao những người trao giải như chúng tôi lại không biết vấn đề này, tôi xin khẳng định rằng: không phải ai trong chúng tôi cũng có thể đọc hết thơ của mọi người và nhớ hết được. Nếu mà đọc hết các tác phẩm mà nhớ hết thì lại không xảy chuyện như thế này. Vì thế cho nên, đạo hay không đạo là do chính tác giả mới biết được. Họ phải trung trực với chính mình và độc giả nữa.

Theo ông Phạm Xuân Nguyên, việc sáng tác thơ, văn là nhằm tạo ra những giá trị tinh thần cao quý và nhân văn để làm đẹp cho đời. “Để hoàn thiện nhân cách của con người, bản thân các nhà văn, nhà thơ và các nghệ sĩ nói chung trước hết là phải trung thực với bản thân, trung thực với độc giả và với những giá trị cao quý của văn chương. Đây là điều kiện tiên quyết”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyên, ngoài việc trung thực với bản thân, độc giả thì những người đọc hay những nhà phê bình văn học, các nhà thơ, văn chuyên nghiệp nếu đọc một tập thơ nào đó, nếu thấy nghi ngờ, có sự vay mượn không trung thực (gọ là đạo, ăn cắp mà không có chú thích, nguồn gốc xuất xứ) phải lên tiếng kịp thời. Còn đối với nhà xuất bản, những người biên tập cũng phải nâng cao chất lượng của mình để đánh giá thật chính xác nhất.

Quay trở lại vụ chị Thư và chị Đoan, nếu ai đã từng đọc tác phẩm này rồi cũng có thể phát hiện ra đạo và có thể đưa ra trước công luận. Bản thân tôi cũng thấy là đạo thơ ở đây. Hiện nay, nếu dựa trên văn bản thì lợi thế đang đứng về chị Đoan, vì bài thơ của chị ấy có trước của chị Thư. Cho nên, chị Thư phải đưa ra chứng cớ chứng minh bài thơ mình đã viết từ năm 1996.

Ông Phạm Xuân Nguyên khẳng định: “Dù sự việc mới xảy ra trong vài ngày qua, nhưng Hội Nhà văn Hà Nội đã đưa ra quyết định rất đúng đắn và kịp thời là thu hồi giải thưởng. Điều này cũng thể hiện quan điểm và thái độ nghiêm khắc của chúng tôi. Tôi cho rằng, tác phẩm này không còn xứng đáng để được trao giải dù có thể có những bài ở trong đó hay, tốt. Và như tôi đã nói, nếu chị Thư tìm ra được chứng cứ chứng minh thì mọi sự sẽ thay đổi. Còn nếu chị Thư không tìm được chứng cứ như vậy việc thu hồi này cũng là một sự đánh giá nghiêm khắc đối với tác giả”.

Ông Phạm Xuân Nguyên cũng cho biết, nguyên nhân xảy ra các vụ lùm xùm liên quan đến việc đạo thơ này là do luật pháp của Việt Nam còn sơ hở và xử phạt chưa nghiêm minh. Ông Nguyên kiến nghị, chúng ta phải có một bộ luật quy định thật cụ thể thế nào là vay mượn. Và phải phân định rõ ràng như thế nào là đạo. Ở bên âm nhạc, quy định cũng rất rõ ràng, chỉ cần nghe một bản nhạc A giống bản nhạc B 4 đến 5 nốt giai điệu có thể khẳng định là ăn cắp. Vậy, bên văn thơ phải quy định như thế nào? Rõ ràng chúng ta phải có luật quy định cụ thể để đến khi xảy ra cứ thế mà áp dụng mới có thể ngăn chặn được nạn ăn cắp hoặc đạo văn, thơ.

“Theo tôi, nếu phát hiện đó ai đạo hoặc ăn cắp có thể cấm xuất bản từ 5 đến 10 năm. Nếu vừa bỏ tù và cấm xuất bản, đó là một hình phạt rất lớn”, ông Nguyên nhấn mạnh.

(Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc