Đau đáu chuyện bảo vệ tác quyền của ngành Điện ảnh

07:05, 15/07/2015
|

(VnMedia) - Câu chuyện bảo vệ tác quyền của những người làm điện ảnh không còn mới. Một nhiệm kỳ Đại hội nữa của Hội điện ảnh Việt Nam đặt ra đầy kỳ vọng sẽ sớm có một Trung tâm bảo vệ tác quyền điện ảnh Việt Nam.

>>
Đại hội điện ảnh khóa 8: Nhiều tâm tư và kỳ vọng

Không phải lần đầu tiên, NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói về câu chuyện cần có một trung tâm để bảo vệ quyền nhân thân, quyền tác giả của những người làm điện ảnh. Trong lần tái đắc cử vị trí Chủ tịch Hội, NSND Đặng Xuân Hải cho biết, ông sẽ cùng ban chấp hành xúc tiến mạnh hơn nữa việc có được một đơn vị, hoặc là trung tâm hoặc là Hiệp hội để bảo vệ tác quyền cho những người làm điện ảnh.

  Ảnh minh họa

  NSND Đặng Xuân Hải


NSND Đặng Xuân Hải bày tỏ quyết tâm “Hội sẽ gửi bản kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền tới đây thành lập Hiệp hội hoặc Trung tâm bảo vệ bản quyền có tư cách pháp nhân bảo vệ quyền lợi Hội viên và cho nền điện ảnh. Trong giao lưu hội nhập sâu rộng tới đây, chúng ta còn phải có trách nhiệm với tác phẩm điện ảnh của nước khác. Trung tâm bảo vệ này rất quan trọng. Chúng tôi cũng trình hai hình thức, nếu được phép thành lập Trung tâm có tư cách pháp nhân thì quý vì dễ hoạt động, nếu không phải tập hợp hội viên thành lập Hiệp hội và phải thành lập bằng được”.

Thực trạng vi phạm bản quyền điện ảnh đã không còn là câu chuyện cũ. Đơn giản, dễ nhìn thấy là nhiều phiên bản lỗi xuất hiện trên mạng hoặc băng đĩa lậu sau khi bản gốc vừa phát hành nhưng có nhiều vi phạm tinh vi hơn, ăn cắp ý tưởng, kiện tụng việc trùng lặp ý tưởng kịch bản hay câu chuyện của việc bị mất bản quyền tác phẩm khi gửi phim dự thi các Liên hoan phim lớn… đã là bài học nhãn tiền, bằng những thất thu hàng chục tỷ của các nhà sản xuất.

NSND Đặng Xuân Hải tâm tư, hiện nay muốn khuyến khích các thành phần tham gia thì phải tạo môi trường lành mạnh, không sợ thất thoát quyền lợi, ăn cắp bản quyền thì nhà đầu tư mới dám bỏ tiền. Nhà đầu tư bị thui chột kinh phí thì họ sẽ không mạnh dạn đầu tư. Việc có một trung tâm bảo vệ tác quyền là cấp thiết và bảo đảm môi trường lành mạnh, an toàn cho các nhà sản xuất trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Trước câu hỏi, có nhiều hội viên không hề biết về thông tin này, NSND Đặng Xuân Hải phân trần, “Có nhiều người chưa biết, chưa quan tâm nhưng có một số anh em tâm huyết họ biết. Việc vận động này chưa trở thành hiện thực mà mới chỉ dừng ở việc họp Ban thường vụ Đảng ủy, ban chấp hành với nhau để thăm dò ý kiến cơ quan chủ quản. Khi xác định được hình thức tổ chức, chúng tôi sẽ đứng ra vận động các hội viên, các nhà tài trợ để đóng góp vào. Tất nhiên tôi dự tính hai năm đầu làm bằng tinh thần là chính”.

  Ảnh minh họa

  "Dòng máu anh hùng" bị ăn cắp bản quyền ở nước ngoài khiến nghệ sĩ Chánh Tín điêu đứng

Khá hoang mang và tỏ ra chưa hề biết tới thông tin Hội đang xây dựng đề án thành lập một Trung tâm bảo vệ tác quyền, Nhà sản xuất phim Phước Sang cho biết “Hội phải xây dưng cương lĩnh hành động nhiều lớp vì bản quyền nó rất mông lung, từ phôi, từ ý tưởng, đề cương, kịch bản văn học, qua kịch bản, phong cảnh, đạo diễn… Bảo vệ bản quyền có nhiều lớp lang nhiều tầng phải xây dựng chương trình hành động cụ thể. Không ít trường hợp ăn cắp từ ý tưởng phôi thai hoặc ăn cắp kịch bản văn học, từ kịch bản phân cảnh của đạo diễn. Nhiều khi kịch bản không quan trọng bằng ý tưởng vì chất xúc tác ban đầu bị mất ảnh hưởng cục diện lớn. Đó là vấn đề hàng đầu, Đại hội phải làm sao cho hội viên thấy quyền lợi hội viên mình được bảo vệ”.

Cũng bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề này, diễn viên Mai Thu Huyền lần đầu tiên tham gia Đại hội điện ảnh chia sẻ “Có được trung tâm bảo vệ tác quyền là rất cần thiết. Tôi nhớ năm 2002 khi làm Gia sư nữ quái,chỉ chiếu 1 ngày sau là trên youtube đã có một đoạn 15 phút. Chúng tôi phải nhờ công an vào cuộc tìm được người đã tự ý quay một đoạn khi vào rạp xem phim và up lên youtube. Để có được bộ phim, ngoài công sức mọi người còn là con số hàng tỉ đồng. Nếu chỉ xem một đoạn ngắn đó, chất lượng nhòe nhoẹt thì mọi người sẽ cho là phim kém chất lượng. Ảnh hưởng rất lớn tới nhà sản xuất”.

Hiện đang là Giám đốc công ty chuyên về lĩnh vực phim ảnh, Mai Thu Huyền thông tin, khi phim phát hành, các nhà sản xuất phải tốn chi phí lớn cho việc giám sát ở rạp chiếu. Tuy nhiên, việc đó không thể nào giám sát được 100%, nhiều hình ảnh vẫn bị rò rỉ ra ngoài với chất lượng thấp. Như vậy, bộ phim có đời sống rất ngắn vì nó không còn bán được cho truyền hình, cho các đơn vị phát hành băng đĩa hay xa hơn nữa là phát hành ở nước ngoài.

“Có một nơi bảo vệ tác quyền điện ảnh là hợp lý và cần thiết vì sản phẩm trí tuệ cần phải bảo vệ thì những nghệ sỹ mới yên tâm sáng tác. Chúng ta phải xác định dần tư tưởng đừng quen xài chùa. Chúng tôi khi mua bản quyền nước ngoài phải trả tiền phí rất lớn để Việt hóa format của họ. Nên với phim ảnh cũng vậy, không đơn giản làm phim rồi phát mà phải mua bán đàng hoàng, cam kết hợp tác như thế nào. Việt Nam rất cần vai trò của trung tâm để bảo vệ quyền lợi cho nhà sản xuất” - Mai Thu Huyền bày tỏ thêm.

Việt Nam đã có những bài học đau thương về việc bị xâm hại quyền tác giả, quyền nhân thân của những người làm điện ảnh. NSND Bùi Đình Hạc từng đau đáu bộ phim của ông về Bác Hồ cứ đến dịp 19/5 lại được mổ xẻ không thương tiếc và không một lời xin phép từ các đơn vị sao chép, phát sóng trên truyền hình. “Bụi đời chợ Lớn” bị mất trắng bộ phim khi xuất hiện bản lậu trên mạng, trong khi bộ phim đầu tư hàng chục tỷ đồng này chưa hề được ra rạp một ngày để thu hồi vốn đầu tư. Nghệ sĩ Chánh Tín điêu đứng, bị tịch thu gia sản là ngôi nhà dưỡng già vì bị ăn cắp bản quyền bộ phim “Dòng máu anh hùng” do quá trình bị ăn cắp bản quyền khi phim dự thi Liên hoan phim ở nước ngoài…

Sẽ còn bao nhiêu câu chuyện đau buồn nữa của những người làm điện ảnh khi quyền của họ, quyền tác giả, quyền nhân thân còn đang bị bỏ ngỏ. Và câu chuyện về một Trung tâm bảo vệ quyền tác giả hay Hiệp hội bảo vệ quyền tác giả hẳn sẽ còn được nhắc tới nhiều nữa trên bàn hội nghị của ngành điện ảnh tới đây.


Lam Trần

Ý kiến bạn đọc