Tranh cướp tại lễ hội: Truyền thống hay bản ngã?

15:34, 02/03/2015
|

(VnMedia) - Những năm gần đây, cứ vào mùa lễ hội lại thấy xuất hiện những chuyện tranh giành, cướp bóc, gây lộn… giữa những người tham gia phần nào làm xấu đi hình ảnh của những nghi lễ, tín ngưỡng dân gian; thiết nghĩ đây là đặc tính của lễ hội hay do bản tính của những đám đông?!

>>> Manh động, phản cảm, biến tướng tại các Lễ hội

Lễ hội gắn liền với nền kinh tế nông nghiệp

Nền kinh tế nông nghiệp gắn liền với nhịp điệu phát triển của cây lúa, giữa lịch nông nghiệp với lịch lễ hội: Mối quan hệ ấy được gắn với đời sống tâm linh như thờ thần linh, thờ tổ tiên, nghi lễ phồn thực nhằm cầu mong cho con người được an khang, mùa màng tươi tốt (GS.TS Phạm Đức Dương, Từ văn hóa đến văn hóa học).

  Ảnh minh họa

 Hàng nghìn người dân đổ về lễ Đền Bà Chúa Kho


Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa thì lễ hội bao gồm phần lễ và hội. Phần lễ với những nghi thức tế tự mà con người sáng tạo ra để có thể giao tiếp với thần linh: người thiêng (thầy cúng, cô đồng, thầy phù thủy), lời thiêng (văn cúng, văn tế), chữ thiêng (bùa chú), vật thiêng (đồ cúng)… Ngược lại với phần lễ gồm Tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng hát lễ ca cầu khấn, khói trầm hương nghi ngút như đưa con người vào thế giới của ý niệm, thế giới tâm linh (Phạm Đức Dương) thì phần hội lại là các hoạt động nhằm xây dựng quan hệ cộng cảm trong cộng đồng với những trò chơi dân gian: đấu vật, kéo co, ném còn, đánh đu, đánh quay, thi nấu cơm… và sau đó là những màn ăn uống mọi người ngồi ăn chung tạo nên một ảo ảnh về nền dân chủ tập thể (G.S Phạm Đức Dương).

Chế độ sở hữu tiểu nông dẫn tới nền kinh tế nông nghiệp phân tán nên người Việt Nam luôn phải chung lưng đấu cật , cùng nhau đắp đê làm thủy lợi, cùng tìm cách sinh tồn trên một mảnh đất nhỏ hẹp nên dẫn tới khuynh hướng tán đồng những giá trị truyền thống, những “đất lề quê thói” do cha ông để lại (G.S Trần Quốc Vượng, Trong cõi).

Từ ngàn đời nay, chúng ta vẫn nhận thấy giá trị của việc gắn kết một cộng đồng trong quan hệ làng xã, trong nền kinh tế nông nghiệp; để rồi đôi khi quan hệ không chỉ có lý, có luật mà còn có cái tình. Trong môi trường nhỏ bé ấy, sự cộng cảm là một nhu cầu bức thiết và lễ hội đã góp phần củng cố cái tinh thần cộng đồng ấy. Điều ấy có thể phần nào lý giải vì sao nước ta có nhiều lễ hội đến vậy? Và vì sao mùa lễ hội Việt Nam lại kéo dài suốt 3 tháng, chưa kể đến các lễ hội lẻ tẻ tại vùng miền rải rác trong năm.

Lễ hội và tranh cướp lộc thần thánh

Lễ hội dân gian với mục tiêu là sự gắn kết giữa con người và thần linh cầu cho một vụ mùa tươi tốt, một sức khỏe dồi dào, đời sống ấm no nên tất cả những gì diễn ra trong lễ hội đều là những của thiêng. Từ những bước đi trong lễ tế, những câu ca của người chủ tế đều vô cùng quan trọng và sâu xa hơn là câu chuyện về lộc của thần linh.

  Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

  Cướp hoa tre và xô xát tại Hội Gióng

Nghi lễ “cướp lộc” trong lễ hội được hiểu là sự giành lấy cho mình, mang ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển, con người cần có thể chủ động, nắm giữ những gì thuộc về mình nó thể hiện sự cạnh tranh, sự thi đua để thể hiện năng lực cá nhân của mình và nó có tính tích cực trong văn hóa ứng xử, văn hóa tâm linh (PGS.TS Trịnh Hòa Bình) . Nhưng có lẽ lễ hội xuất phát từ cái thời đất thì rộng mà người thì thưa, người tham gia lễ hội dù đông chắc cũng chỉ vài chục đến trăm người chứ không phải hàng nghìn, hàng vạn như hiện nay nên không có ai sứt đầu mẻ trán.

Tiêu biểu cho tục “cướp lộc” có lẽ phải kể đến hội Gióng. Hoa Tre thực chất là vọt tre hoặc giang được vót, chẻ làm sao tạo thành một túm xơ ở đầu nhưng với hội Gióng ở Sóc Sơn lại mang ý nghĩa biểu tượng vô cùng lớn. Sau khi lễ thánh, người tham gia lễ hội sẽ “cướp” Hoa Tre như một cách thể hiện sức mạnh bản thân để rồi có khi tranh giành, kéo nhau cả xuống ao để cố lấy cho được lộc của Phù Đổng Thiên Vương mà đi cả vào ca dao Lâm râm hội Khâm, u ám hội Dâu, vỡ đầu hội Gióng.

Ngày nay, người dân tham gia Lễ hội sử dụng từ “cướp” không còn như xưa mà mang đúng nghĩa của từ “cướp giật”. Họ có thể tranh giành, đánh đấm làm náo loạn cả một lễ hội chỉ vì muốn thể hiện “sức mạnh cá nhân”.

Bản tính đám đông và những cuộc tranh giành

Cứ đến mùa lễ hội, báo chí lại được dịp thống kê ùn tắc ở đền nọ, tranh cướp ở hội kia… mà người dân thì có lẽ cũng quen với những việc đó rồi nên cũng không có gì thắc mắc. Họ biết đông như đi Hội nên cố đi cho nhanh, giành cho mình chút lộc để cầu xin thăng quan tiến chức, mua may bán đắt, làm ăn phát đạt.. coi các thánh thần như một nơi thể hiện tham, sân, si trong bản ngã: những tôn giáo sơ đẳng thường tìm kiếm ở đấng siêu nhiên những phần thưởng trần tục thuần túy (Max Weber).

Theo phân tích của tâm lý học, chúng ta có thể lý giải cho những cuộc tranh giành trong lễ hội như một sự xung đột về tâm lý, và là biểu hiện của tính hiếu chiến, là bản ngã trong mỗi con người.

Với sự tập trung hàng trăm đến hàng nghìn người trong một khu vực diễn ra lễ hội chính là sự tập hợp đám đông kèm theo rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn của nó.

Trong cuốn Tâm lý học đám đông, Gustave Le Bon đã chỉ ra rằng dù là những bậc học vị uyên thâm hay những người lao động phổ thông thì khi tập hợp lại thành một đám đông họ vẫn có suy nghĩ, hành vi hoàn toàn giống nhau chỉ nhờ số lượng đông, một ý thức về sức mạnh vô địch cho phép nó nương theo những bản năng, mà nếu chỉ một mình, cá nhân sẽ tất nhiên kìm nén. Điều ấy có thể lý giải vì sao những người tham gia lễ hội dù không quen biết, không hiềm khích nhưng vẫn có thể xông vào, giành giật… làm nhau sứt đầu mẻ trán.

  Ảnh minh họa

 Tranh cướp Bông tại Sơn Đồng

Việc tạo cho mình một hình ảnh về người chiến thắng, có một niềm tin sai lầm về tôn giáo khiến những người tham gia lễ hội sẵn sàng làm những việc mà khi bình tĩnh, tách mình ra khỏi nơi đông đúc ồn ào đó thì họ không làm vì địa vị xã hội, vì nền tảng văn hóa... điều đó khẳng định thêm rằng việc biến mình thành bộ phận trong đám đông có tổ chức, con người đã tụt xuống nhiều nấc thang trong bậc văn minh (Tâm lý học đám đông).

Điều không thể bỏ qua nữa chính là tâm lý hiếu chiến tồn tại trong mỗi con người được bộc lộ khi tham gia lễ hội.

Không thể ngụy biện những hành vi bạo lực, tranh cướp nơi lễ hội cho việc đất chật người đông nhưng có lẽ đó cũng là một nguyên nhân không thể bỏ qua. Việc mọi người đổ xô về các lễ hội trong ngày đầu năm mới, đem những mong muốn trần tục xin các thánh thần rồi thể hiện hành vi bản năng từ những niềm tin sai lệch đang dần làm xấu đi nét đẹp trong các nghi lễ, hội hè dân gian của Việt Nam.


Thúy Hằng

Ý kiến bạn đọc