Manh động, phản cảm và biến tướng tại các lễ hội

07:33, 28/02/2015
|

(VnMedia) Biến tướng lễ hội, thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để “manh động”, bất chấp sự dẫm đạp, chen lấn để “cầu may”, phục dựng cách tân các lễ hội truyền thống… là thực trạng đáng báo động vào mỗi mùa lễ hội đầu năm.

Trong vô vàn những sự “man rợ”, lệch lạc của Lễ hội được phản ánh nhiều năm qua như hoành tráng hóa lễ hội với những cống phẩm kỷ lục như bánh chưng, bánh dày nặng cả tấn nhưng đã sớm bị mốc chua, các liền anh, liền chị ngả nón xin tiền, ẩu đả tại Lễ hội Đền Gióng, vung dao ở Lễ hội cướp Phết cầu may ở Vĩnh Phúc… thì sự việc mới đây nhất gây rúng động báo chí và cộng đồng mạng trong Lễ rước kiệu được cho là ở làng Xuân Đỉnh khiến người Việt phải sởn da gà.

Một chiếc xe Kia Morning không may mắn đỗ ở gần cổng trường học, ngay nơi diễn ra Lễ rước kiệu đã bị các trai tráng làng bê chiếc kiệu lao từ xa đến đâm vào kính sau của xe. Sau vài lần lao đến dùng cán đầu rồng đâm trực tiếp, kính sau của xe đã bị vỡ toang khiến khổ chủ phải quỳ xuống van lạy để “thánh” kiệu tha. Chỉ sau màn quỳ, chắp tiền trên tay khấn lạy và liên tục nói “con lạy ngài”, chiếc kiệu mới được đưa rẽ sang hướng khác và thậm chí, có cả lực lượng dân phòng dẹp đường cho kiệu đi.

  Ảnh minh họa

 Chiếc xe Kia bị đập vỡ cửa kính sau


Không rõ chiếc xe này sẽ được bồi thường thế nào hay khổ chủ phải cảm thấy may mắn vì đã được “thánh” tha không phá hoại tiếp. Sự vụ bất ngờ này sau khi gây xôn xao cộng đồng mạng được nhiều người cho là đã diễn ra từ năm 2013 và phải tới 2015, nó mới được công khai đưa lên mạng gây phẫn nộ cho dư luận.

Cách đây 6 năm, Lễ hội Lảnh Giang từng bị các nhà nghiên cứu và truyền thông chỉ trích vì sự lai căng, cách tân quá mức với lễ hội truyền thống, phá vỡ bản sắc lễ hội Lảnh Giang mà cụ thể là nghi lễ hầu đồng truyền thống của người dân nơi đây. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa về ca trù giật mình, hầu đồng đã bị “biến tướng” trầm trọng, không còn giữ được “tính thiêng” của nghi lễ dân gian này. Việc sân khấu hóa lễ hội của các đạo diễn tên tuổi nhưng không phải người dân bản địa khiến cho tính biểu tượng và mô thức của lễ hội bị hiểu sai lệch.

Những năm qua, nhiều vật cống phẩm được cho là lập kỷ lục ghi nét cũng được nhắc tới nhiều như một sự đầu tư công phu và quy mô của các con dân Việt thành tâm hướng tới Phật tổ, hướng tới các vị vua anh linh.

Từ năm 2014, Lễ hội Đền Hùng – quốc giỗ của cả nước đã từ chối những lễ vật khổng lồ. Trước đó, đến hẹn lại lên, Lễ hội Đền Hùng tưởng nhớ công ơn khai sinh ra nước Việt của các vị Vua Hùng luôn được nhiều doanh nghiệp ghi nhận bằng những cống phẩm kỷ lục. Từ bánh chưng, bánh dầy nặng hàng trăm kg, chiếc chiếu to kỷ lục 35 mét cho đến ly cà phê to nhất thế giới với dung tích tới 3.600 lít hay chai rượu 4.000 lít vào kỷ lục Guiness khiến cho những “kỷ lục” này càng trở nên phản cảm vì sự tốn kém của nó.

  Ảnh minh họa

 Cặp bánh chưng, bánh dày kỷ lục cống tiến tại Lễ hội Đền Hùng


Bánh chưng, bánh dầy hàng trăm kg từng tạo làn sóng phẫn nộ với những du khách thập phương đổ về Đền Hùng vì khi cắt bánh để chia thì bánh đã bị mốc chua, lên men hoặc có năm mở ra chỉ toàn là đệm mút. Những vật phẩm cúng tiến như cà phê, rượu thì nặng tính quảng cáo của doanh nghiệp… Vì thế, từ năm 2014, Tỉnh Phú Thọ đã từ chối tất cả những cống phẩm được đầu tư quy mô nhằm xác lập kỷ lục ghinet.

Mới đây nhất, vụ hỗn chiến tại Lễ hội Đền Gióng và vung dao tại Lễ hội cướp Phết ở Vĩnh Phúc cũng gây sự sững sờ cho mọi người. Tại Lễ hội Đền Gióng ở Sóc Sơn, các thanh niên trai tráng đã cầm gậy hỗn chiến để tranh cướp hoa tre, kiệu trầu cau chỉ với mục đích “cầu may” cả năm cho bản thân. May đâu chả thấy, chỉ thấy đó là sự phản cảm của văn hóa ứng xử vốn nằm sâu trong tiềm thức của nhiều người mê tín dị đoan tới tột đỉnh.

  Ảnh minh họa

 Hỗn chiến tại Lễ hội Đền Gióng

Cảnh chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau để cướp ấn Đền Trần cũng từng gây sợ hãi cho du khách thập phương về lễ hội dịp này. Vào giờ thiêng của đất trời, người dân hô hào chen lấn, xô đẩy, đạp đổ cả rào chắn để lao vào cướp ấn cầu may. Bài học xương máu đó khiến cho chủ nhà đã phải chấn chỉnh bằng cách kéo dài thời gian phát ấn và chỉ phát cho dân thường vào khung giờ quy định. Dù nỗ lực cải tiến phương pháp để tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, dẫm đạp lên nhau, nhưng năm 2014, tình cảnh đó vẫn diễn ra đầy e ngại.

Năm nay, Nam Định kéo dài thời gian phát ấn trong 6 ngày và phát ấn sớm hơn cho người dân từ 6 giờ sáng, nhưng với tình cảnh hàng nghìn người dự lễ khai ấn sau đó chầu trực tại chỗ để chờ có được những chiếc ấn đầu tiên thì cũng không thể tránh việc náo loạn, manh động và thậm chí có những hành động phản cảm của người dân.

  Ảnh minh họa

  Dẫm đạp lên nhau để cướp ấn Đền Trần

Sự manh động của người dân trước mỗi mùa lễ hội, sự mê tín dị đoan của người dân, sự yếu kém của ban tổ chức khiến cho mỗi mùa lễ hội đến, người dân lại rùng mình vì những ứng xử kém văn hóa trước các nơi linh thiêng.


Thu Phạm

Ý kiến bạn đọc