test multimedia

17:57, 03/10/2019
|

 


 

 Got It là một trong số hiếm hoi những startup Việt thành công và được biết đến nhiều nhất tại thung lũng Silicon (Mỹ). Thành công vang dội của Got It không thể không nhắc đến nhà sáng lập Trần Việt Hùng, người từng đoạt giải trong Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.

Khởi nghiệp từ năm 2011 khi còn đang là sinh viên nghiên cứu sinh Tiến sỹ ngành Khoa học Máy tính tại Đại học Iowa (Mỹ), hiện doanh nghiệp của anh đã có trụ sở ở 3 quốc gia là Silicon Valley (Mỹ), Ấn Độ và Việt Nam, với khoảng 85 nhân sự trong đó không ít người là lãnh đạo hay kỹ sư giỏi, từng làm việc trong các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
 
Điều thú vị là năm 2013, Founder nổi tiếng của Got It, Trần Việt Hùng cũng từng là thí sinh bước ra từ giải thưởng Nhân tài Đất Việt và giành giải 3 (không có giải nhất và giải nhì) với sản phẩm SnapNSee (từ điển tra cứu siêu nhanh bằng camera trên smartphone).
 
Trong chuyến trở về Việt Nam công tác lần này, Trần Việt Hùng đã dành thời gian chia sẻ với Dân trí về hành trình gây dựng Got It trở thành một nền tảng toàn cầu cũng như những kỉ niệm đáng nhớ của anh tại sân chơi Nhân tài Đất Việt.
 

 Với sản phẩm SnapNSee - từ điển tra cứu siêu nhanh bằng camera trên smartphone, năm 2013 anh và các cộng sự của mình đã từng đạt giải 3 Nhân Tài Đất Việt. Anh có kỷ niệm đáng nhớ nào khi tham gia sân chơi này không?

 
Phần mềm mang dự thi Nhân tài Đất Việt năm đó, xuất phát từ bài tập lớn của tôi tại Đại học Iowa là “Lập trình iPhone”. Khi đó, tôi dùng tiếng Anh nhiều nên thường xuyên phải tra từ điển. SnapNSee giúp cho bạn không phải mất công gõ từng chữ từ bàn phím để tra từ mà chỉ cần dùng chính camera trên smarphone để “soi” từ cần tra và tự động hiển thị định nghĩa của từ đó. Việc này giúp quá trình tra từ điển rút ngắn đi rất nhiều.
 
 
Bản thân tôi thường xuyên phải sử dụng và thấy nó rất hữu ích. Đây là lý do tôi quyết định đăng ký dự thi Nhân tài Đất Việt và hy vọng rằng nó sẽ được quảng bá và sẽ giúp ích cho nhiều người phải tra từ điển thường xuyên như tôi.
 
Lúc dự thi, nhóm tôi có 3 người, tôi, Tùng, và Hải. Khoảng thời gian này, tôi mới chuyển tới Silicon Valley đang bắt tay xây dựng ứng dụng di động đầu tiên của Got It ở Mỹ với rất nhiều công việc ngổn ngang, còn 2 bạn nữa thì một là sinh viên, một vừa tốt nghiệp Đại học.

 

Khi bảo vệ sản phẩm trước Hội đồng BGK, tôi không tham dự được nên có nhiều chi tiết, hai bạn trong nhóm chưa thuyết phục được BGK. Đây là điều rất đáng tiếc. Tôi nghĩ, nếu mình ở Việt Nam lúc đó thì sản phẩm có thể sẽ có kết quả tốt hơn nhiều.

Bản thân SnapNSee khi đưa lên App Store cũng nhanh chóng chiếm được vị trí cao nằm trong top 10 ứng dụng iPhone tại thị trường Việt nam, nhận nhiều phản hồi tích cực của người dùng.

Tuy nhiên, sau đó do đang bận gây dựng Got It chúng tôi cũng không có nhiều thời gian để nâng cấp, phát triển sản phẩm tương thích với các phiên bản iOS mới. Vì thế SnapNSee hoạt động một thời gian thì phải dừng. Đây điều rất tiếc, vì ai đã phải tra từ điển trên iPhone mà phải nhập bằng bàn phím sẽ thấy dùng camera để tra từ tiện lợi thế nào.

Cũng may là sau đó một thời gian, Google cũng cho ra mắt sản phẩm tương tự, dùng camera để tra từ điển nên người dùng từ điển trên điện thoại thông minh đỡ khổ hơn nhiều.

Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với anh? Kể từ khi giành giải Nhân tài Đất Việt cho đến nay, cuộc sống của anh có gì thay đổi?

Tôi nghĩ Nhân tài Đất Việt có ý nghĩa rất lớn đối với các startup. Ý nghĩa không phải giải gì và giải thưởng nhiều đến đâu mà chính là tạo sân chơi giúp các sản phẩm, ý tưởng có cơ hội được quảng bá, giới thiệu rộng rãi với mọi người.
 
 
Đặc biệt, với những đóng góp, phản biện quý giá của Ban Giám khảo và cộng đồng sẽ giúp các nhóm tác giả hoàn thiện sản phẩm tiến tới cột mốc phù hợp giữa sản phẩm và thị trường.
 
Năm 2013 khi tham gia Nhân tài Đất Việt, tôi mới chuyển đến Silicon Valley và đang bắt tay gây dựng Got It với rất nhiều việc ngổn ngang. Sau sản phẩm ứng dụng dành cho lĩnh vực giáo dục PhotoStudy gây được tiếng vang, từ đó cho đến nay Got It đã mở rộng hệ sinh thái sản phẩm của mình ra lớn hơn nhiều.
 
Cụ thể, nền tảng kết nối một chuyên gia với một người đang có nhu cầu trợ giúp kiến thức của Got It đã được tích hợp vào những hệ sinh thái sản phẩm hàng đầu thế giới và đang phục vụ hàng triệu người dùng.
 
Ngoài ra, Got It cũng tập trung rất nhiều vào việc phát triển các công nghệ AI, điển hình là sản phẩm mới nhất QueryChat cho phép các nhà khoa học dữ liệu truy vấn cơ sở dữ liệu hoàn toàn bằng ngôn ngữ tự nhiên mà không cần phải viết các câu truy vấn SQL phức tạp. Việc này giống như đang “nói chuyện” với các hệ quản trị cơ sở dữ liệu và đang gây được tiếng vang lớn tại Mỹ.

 

 

 

Silicon Valley được ví như thiên đường cho các startup nhưng cũng được xem là vùng đất chết chóc bởi sự đào thải và cạnh tranh gay gắt. Là người Việt hiếm hoi khởi nghiệp tại đây, điều gì khiến Got It chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt được những dấu ấn ngoạn mục, đặc biệt chinh phục được những nhà đầu tư khó tính bậc nhất tại đây, thưa anh?

Got It chưa phải là thành công, mà bước đầu mới đạt được những kết quả theo tính toán, kỳ vọng. Bất cứ ai làm startup đúng nghĩa đều phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Nhìn chung sẽ có 3 yếu tố quyết định đến việc gọi vốn thành công của một startup đó là: sản phẩm, thị trường và đội ngũ nhân sự.

 

 

 
Khi mình làm startup, mình phải sẵn sàng đương đầu để thực hiện những cái gì đó hoặc rất khó, hoặc mù mờ, không rõ ràng. Bởi nếu quá đơn giản, dễ dàng thì các công ty, tập đoàn lớn họ có tài chính, có nhân sự đã làm hết rồi, sẽ không đến lượt mình. Các nhà đầu tư cũng vậy, họ muốn tìm kiếm các sản phẩm tiềm năng, sau này có thể phát triển lớn để thu lại được khoản đầu tư.
 
Với Got It, sản phẩm đầu tiên của chúng tôi là PhotoStudy là ứng dụng giúp học sinh, sinh viên có thể làm bài tập thông qua smartphone. Khi sinh viên gặp vấn đề về bài giảng hay bài tập, chỉ cần chụp ảnh sau đó gửi lên nền tảng của Got It thì trong vòng 15-30 giây, hệ thống sẽ tự động kết nối với một chuyên gia về học tập. Trong vòng 10 phút, chuyên gia sẽ giúp người hỏi giải quyết vấn đề gặp phải. Các chuyên gia của Got It đến từ khắp nơi trên thế giới và họ có thể kiếm tiền chỉ với 10 phút rảnh mà trước đây thường thì chỉ dùng để uống cafe hay tán gẫu.
 
Về mặt nhân sự, Got It luôn tự hào là mình có một đội ngũ những người giỏi nhất. Ở trụ sở chính tại thung lũng Silicon, chúng tôi có 25 người đều là những người đã có kinh nghiệm và kinh qua nhiều vị trí ở các tập đoàn công nghệ lớn lớn. Ở Việt Nam, đội ngũ kỹ sư cũng tuyển chọn được những người rất giỏi.
 
Thung lũng Silicon là nơi quy tụ những người tài, nổi bật từ khắp mọi nơi trên thế giới. Vì thế, nếu mình không có nhân sự giỏi, ý tưởng sản phẩm hay ho và thực sự giải quyết được một nhu cầu xã hội mà rất nhiều người đang cần, thật sự khác biệt thì không đủ tính thuyết phục và không thể cạnh tranh được. Tôi nghĩ, 2 yếu tố này đã giúp Got It thuyết phục và huy động được hơn 20 triệu USD từ những quỹ đầu tư nổi tiếng thế giới, vốn chỉ “rót tiền” vào những ý tưởng “điên rồ” và thay đổi thế giới như: SpaceX, Tesla hay Planet Labs.

 

Theo số liệu thống kê, thì 9/10 startup sẽ chết trong năm đầu tiên, anh cũng từng khuyên các bạn trẻ Việt không nên “ôm mộng” khởi nghiệp. Vì sao vậy? Trước khi đạt được thành công như hiện tại, đâu là giai đoạn khó khăn nhất của Got It?
 
Phiên bản đầu tiên của PhotoStudy đưa lên App Store không ai dùng. Chúng tôi mất 6 tháng tìm hiểu nguyên nhân, xem người dùng cần gì, sản phẩm của mình phải hoàn thiện ra sao rồi từng bước chỉnh sửa nâng cấp và đổi mới để phù hợp với thị trường.
 
Gọi vốn cũng vậy, ban đầu ở những vòng gọi vốn nhỏ thì rất dễ dàng nhưng càng về sau càng khó khăn. Những nhà đầu tư họ thậm chí có rất nhiều lý do buồn cười để từ chối. Điều này không phải đến từ ý tưởng, sản phẩm mà chỉ đơn giản, họ thấy chưa có một ông người Việt Nam nào qua Mỹ, gọi vốn với số tiền lớn đến như vậy thì họ không cảm thấy tự tin để chấp nhận rủi ro, họ rút, không đầu tư nữa!
 
Khó khăn nhất phải kể đến giai đoạn đầu, khi tôi mới chuyển từ Iowa (Mỹ) đến Silicon Valley. Khi đó, việc gọi vốn chưa được nhiều như bây giờ, các nhà đầu tư họ cho mình 120 nghìn USD nhưng rót vốn rất “quái”. Cứ 3 tháng họ đưa cho mình 40 nghìn USD, 9 tháng là 120 nghìn USD với điều kiện mỗi lần “rót” là mình phải đạt được những cột mốc nhất định. Nếu không, họ sẽ từ chối không “xuống tiền” nữa. Nếu điều đó xảy ra thì công ty cũng vừa hết sạch tiền và mình cũng hoàn toàn trắng tay.
 
Ở Mỹ có Luật quy định là phải dự trữ tiền trong ngân hàng đủ để trả lương cho nhân viên, nếu mình có tiền thì nhân viên đi làm, nếu hết tiền thì họ ở nhà. Nên nhiều khi đến cuối tuần, tôi phải “toát mồ hôi”, xoay sở chỗ năm ngàn, chỗ mười ngàn để cho vào tài khoản của công ty, có tiền trả lương cho nhân viên đi làm vào tuần tới.
 
Đang trong giai đoạn Got It khó khăn nhất khi sản phẩm chưa thực sự cất cánh và đang gọi vốn giữa chừng thì người đồng sáng lập với tôi bỏ cuộc vì không chịu được stress. Tôi gặp khủng hoảng trầm trọng với vô cùng nhiều thứ ngổn ngang trong đầu, nhiều khi đang lái xe mà quên mất lối rẽ từ đường cao tốc vào đường về nhà mình.
 
Thời gian đó, tôi phải đưa vợ con tạm lánh về Việt Nam vì nếu công ty có thất bại mà mình bị buộc phải rời khỏi Mỹ thì tụi trẻ đang đi học không bị ảnh hưởng. Riêng bản thân, lúc nào trong balo cũng có phong bì để sẵn 1000 USD, không dám động vào, phòng trường hợp xấu nhất còn có tiền mua vé máy bay về nước.
 
Cho đến giờ, tôi cũng không biết vì sao mình có thể vượt qua được. Lúc đó, bản thân tôi chỉ biết luôn tự động viên mình, tin tưởng nhìn về phía trước, không cho phép mình quay đầu.
 
Đến giai đoạn cuối năm 2014 thì Got It bắt đầu tốt lên, sự tăng trưởng đạt được những con số như kỳ vọng.
 

 

 

Trong báo cáo của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của chính phủ Australia, Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với quyết tâm của Chính phủ, chúng ta cũng đang trở thành thị trường khởi nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo anh vì sao cho đến nay Việt Nam vẫn thiếu vắng những startup lớn, có tính bứt phá?

Việt Nam chúng ta có nhiều tài năng thô nhưng chưa có “đá quý” để tạo ra những công ty công nghệ tầm cỡ. Bây giờ ít nhất phải xây dựng được những công ty lớn như Grab hay những “ông lớn” tương tự thì lúc đó mình mới tính.

Còn nếu mình chỉ có hàng trăm, hàng nghìn công ty nhỏ xíu thì chẳng ăn nhằm gì, chưa kể tới là 90% công ty ấy sẽ chết, thậm chí tỷ lệ còn cao hơn. Khi chúng ta chưa tạo ra được môi trường có những công ty, tập đoàn lớn thì chưa thể nói gì được. Startup được tạo ra nhiều nhưng chết cũng nhiều ở bất kỳ đâu cũng vậy chứ không chỉ ở Việt Nam.