Internet Việt Nam ở đâu trên bảng xếp hạng thế giới?

14:14, 21/08/2017
|

(VnMedia) - Số liệu thống kê đến hết tháng 7 của Speedtest cho thấy tốc độ internet của Việt Nam đã tăng đáng kể so với cách đây một năm. Thứ hạng cũng được cải thiện, đặc biệt là internet băng rộng di động.

Băng rộng di động: Tốc độ và thứ hạng tăng mạnh

Theo Speedtest, tại thời điểm tháng 7/2017, tốc độ internet di động của Việt Nam đang đứng ở vị trí thứ 60 trong tổng số 122 quốc gia khảo sát. Hiện tốc độ Download/Upload là 18,53Mbps/8,51 Mbps. So với thời điểm cách đây một năm (7/2016), thứ hạng của Việt Nam tăng 39 bậc, tốc độ Download dữ liệu tăng 2,6 lần và tốc độ Upload dữ liệu tăng 3,7 lần.

Đánh giá và xếp hạng tốc độ internet di động Việt Nam của Speedtest.
Đánh giá và xếp hạng tốc độ internet di động Việt Nam của Speedtest.

 

Nguyên nhân của việc cải thiện đáng kể tốc độ internet di động tại Việt Nam được cho là do các nhà mạng trong nước đẩy mạnh triển khai mạng 4G LTE. Cho tới thời điểm hiện tại, cả ba nhà mạng di động lớn là VinaPhone, Viettel và MobiFone đều đã chính thức cung cấp dịch vụ với hàng chục nghìn trạm thu phát sóng 4G đã được đưa vào hoạt động trên cả nước.

Theo công bố của các nhà mạng, từ nay tới cuối năm các nhà mạng đều sẽ tăng cường năng lực mạng lưới, với tổng số trạm sẽ đi vào hoạt động lên tới con số 80.000 trạm. 4G sẽ được mở rộng vùng phủ sóng tới cả nước, mang đến một lựa chọn truy cập internet trên di động nhanh hơn cho người sử dụng. Thực tế cho thấy so với thời điểm tháng 7/2016 khi mà các nhà mạng chưa triển khai cung cấp dịch vụ 4G thì hiện tốc độ truy nhập trung bình internet di động của Việt Nam đã tăng đáng kể.

Thực tế tốc độ truy nhập 4G còn cao hơn thế rất nhiều, bởi theo số liệu thống kê mới nhất của bộ TT&TT thì hiện mới chỉ có hơn 3% thuê bao di động trên cả nước (tương ứng khoảng 3,5 triệu thuê bao) đang sử dụng 4G. Gần 97% người dùng vẫn đang dùng 3G, khiến tốc độ truy nhập internet di động trung bình của Việt Nam còn thấp.

Cùng với việc tăng tốc độ truy cập, đơn giá cước dữ liệu của 4G cũng đã giảm mạnh so với 3G. Số liệu thống kê của một số quốc gia đã triển khai 4G cho thấy lưu lượng dữ liệu người dùng 4G tiêu thụ trung bình tăng gấp đôi so với 3G, vì vậy khi các nhà mạng trong nước triển khai, vấn đề giá cước dịch vụ cũng được nhắc đến nhiều. Có lẽ ngoài cả mong đợi, với các gói cước 4G mà 3 nhà mạng tung ra gần đây thì đơn giá cước dữ liệu 4G đã giảm rất mạnh so với 4G.

Về mặt công nghệ, có thể nói các nhà mạng đã thành công nhanh chóng trong việc nâng cấp, phủ sóng 4G, cải thiện đáng kể tốc độ truy nhập. Tuy nhiên, về việc phát triển thị trường, các nhà mạng có phần chưa thành công lắm. Sau 9 tháng triển khai 4G, với nhiều nỗ lực như tổ chức đổi sim miễn phí, đổi sim lưu động, đổi sim tại nhà, Việt Nam đã có 6,2 triệu thuê bao đổi sang sim 4G. Tuy nhiên, mới có hơn già nửa trong số này sử dụng 4G dù đơn giá cước dữ liệu đã giảm mạnh so với 3G.

Băng rộng cố định: Tốc độ tiếp tục được nâng cao nhưng tụt hạng

Tính tới hết tháng 7/2017, tốc độ trung bình internet băng rộng cố định của Việt Nam đạt 22,77/22,28 Mbps, đứng vị trí thứ 56 trên tổng số 133 quốc gia khảo sát. So với thời điểm cách đây một năm, tốc độ download, upload dữ liệu trung bình của Việt Nam tăng thêm hơn 2 Mbps, song thứ hạng lại bị tụt đi mất 5 bậc.

Việc các thuê bao tiếp tục chuyển từ internet cáp đồng sang cáp quang, cùng với việc các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) nâng băng thông là nguyên nhân chính dẫn tới việc tốc độ truy cập internet cố định trung bình của Việt Nam tiếp tục tăng. Tuy nhiên, lượng thuê bao chuyển dịch đã ít đi nhiều so với trước (do phần lớn thuê bao đã chuyển trước đó) khiến mức tăng của Việt Nam không cao.

Hiện VNPT vẫn là ISP chiếm thị phần lớn nhất thị trường internet băng rộng cố định tại Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện đang chiếm khoảng 46% thị phần mảng internet cáp quang và hơn 60% thị phần mảng internet cáp đồng. Không chỉ cạnh tranh mạnh về các giá cước, mới đây VNPT còn tung ra thị trường các gói cước với tiện ích bảo mật miễn phí đi kèm, thu hút sự quan tâm của nhiều người trong bối cảnh đã có những vụ tấn công mạng quy mô lớn diễn ra (WannaCry).

FPT - ISP có thị phần lớn thứ 3 thị trường cũng tung ra gói cước cáp quang với tốc độ lên tới 1Gbps. Tuy nhiên, gói cước có giá khá cao nên chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng doanh nghiệp và quán game là chính.

Viettel thì gần đây cũng cho biết đã nâng băng thông một số gói cước cáp quang cho khách hàng sau một thời gian dài không có động tĩnh cạnh tranh gì.

Các số liệu đánh giá của Speedtest cũng chỉ là một con số để tham khảo, tuy nhiên nó cũng phần nào phản ánh sự phát triển theo hướng tích cực của internet Việt Nam, nhất là internet băng rộng di động.  

Hoàng Vũ


Ý kiến bạn đọc