Tin tức "bịa đặt" về Mỹ tràn ngập mạng xã hội Trung Quốc

14:13, 24/05/2017
|

Nhiều trang web ở Trung Quốc đăng tin tức bịa đặt về chính trị và xã hội Mỹ nhằm thu hút người đọc, tăng lượng truy cập để bán quảng cáo

tin-tuc-gia-ve-my-tran-ngap-mang-xa-hoi-trung-quoc

Người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc bị thu hút bởi những tin đồn và tin bài giả mạo. Ảnh: FT

Những tin bài bịa đặt và giật gân trên các trang mạng xã hội như WeChat và Weibo đang thu hút hàng trăm ngàn lượt người quan tâm theo dõi, Financial Times đưa tin.

"Người đọc ở Trung Quốc thích tin tức nhuốm mùi thuyết âm mưu. Do vậy, họ thích những câu chuyện chính trị Mỹ mà trong đó có yếu tố đấu đá, tranh giành quyền lực, và thậm chí cả mưu sát", theo một chuyên gia nghiên cứu truyền thông điều hành bộ phận tạo nội dung số News Lab của ứng dụng di động WeChat.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, cộng đồng mạng Trung Quốc dậy sóng vì loạt bài giả mạo đưa tin rằng Hillary Clinton đã sai tay chân ám sát một nhân viên làm việc cho Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân chủ vì người này đã tố giác vụ rò rỉ thư điện tử của bà Hillary.

"Năm cái chết bất thường trong vòng 6 tuần, những người tố giác vụ rò rỉ email của Hillary đều bị ám sát lần lượt từng người một, sự kinh hoàng của nền chính trị Mỹ vượt quá sự tưởng tượng của chúng tôi", Zhang Daxi, một người dùng Weibo, bình luận.

Không chỉ riêng mạng xã hội mà các tờ báo chính thống ở Trung Quốc cũng từng nhiều lần không kiểm chứng nguồn tin và cho đăng tin tức giả mạo. 

Tân Hoa Xã, hãng thông tấn của Trung Quốc, từng đăng bài dẫn nguồn của New York Times, nói rằng Tổng thống Donald Trump yêu cầu bọc tất cả điện thoại ở Nhà Trắng bằng giấy thiếc để đề phòng cựu tổng thống Barack Obama nghe lén.

Vào năm 2012, nhiều báo chí Trung Quốc đã đăng tin rằng trang Onion của Mỹ bình chọn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là người đàn ông gợi tình nhất thế giới mà không biết rằng Onion là một báo mạng châm biếm nổi tiếng.

Để đối phó với tình trạng này, năm 2015, chính phủ Trung Quốc đưa ra hình phạt nghiêm khắc đối với người phát tán các tin tức giả mạo. Theo đó, nếu một tin đồn được đăng tải lại 500 lần trên mạng, người phát tán nó có thể phải chịu mức án cao nhất là 7 năm tù.

Theo VNE


Ý kiến bạn đọc