Người dân Thái bị chặn xem video nhà vua mặc áo crop-top đi mua sắm từ mạng xã hội

08:35, 11/05/2017
|

(VnMedia) - Facebook vừa qua đã chặn người dùng ở Thái Lan truy cập vào một video cho thấy nhà vua Thái đang đi dạo tại một trung tâm mua sắm của Đức với hình xăm đặc biệt trên lưng và trên cánh tay, mặc áo "croptop" màu trắng và đi cùng với một trong những người tình của ông.

Các phương tiện truyền thông xã hội khác cũng chặn video, không phải vì video có nội dung khiêu dâm hoặc vi phạm các quy định của các mạng xã hội, nhưng vì chính phủ Thái Lan coi đó là xúc phạm đến nhà vua và vi phạm luật pháp của quốc gia về việc chỉ trích chế độ quân chủ.

Khả năng chặn truy cập vào một nội dung theo khu vực địa lý là điểm nổi bật của Facebook. Đây là một trong những nỗ lực của mạng xã hội này nhằm phát triển kinh doanh ở nước ngoài, thường là ở các quốc gia có luật pháp kiểm soát thông tin chặt chẽ.

Sau vụ thảm sát Charlie Hebdo ở Paris, Mark Zuckerberg nói sẽ vẫn cam kết tự do ngôn luận mặc dù đã nhận được những lời đe dọa cho các bài viết nhất định trên Facebook. Trước những cuộc bầu cử ở Anh vào tháng sau, Facebook tuyên bố đã có những hành động thực tế chống lại các tin tức giả, bao gồm tạm khóa hàng chục ngàn tài khoản giả mạo, tờ New York Times đưa tin.

Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun
Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun

Thời gian gần đây, Facebook đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ngày càng tăng về sự không hiệu quả của chính sách kiểm duyệt. Facebook đã bị chặn nội dung ở Thổ Nhĩ Kỳ sau khi chính phủ cho biết đã xúc phạm đến vị tiên tri Muhammad. Quyền lực của Facebook để duy trì sự cởi mở trên toàn cầu đã được đặt câu hỏi vào năm ngoái sau khi Facebook áp dụng chế độ kiểm duyệt đối với bức ảnh nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam, “cô bé napal" 9 tuổi bị trúng bom napal khiến toàn bộ quần áo cháy hết.

Nội dung nào nhạy cảm trong video?

Facebook đã xác nhận với trang tin tức VICE rằng tuần trước nó đã chặn bất cứ ai ở Thái Lan truy cập vào đoạn video cho thấy vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun 64 tuổi tháng sáu vừa qua, chỉ vài tháng trước khi cha ông qua đời và ông lên ngôi. Video đã được đăng trên trang Facebook cá nhân của Andrew Marshall, một nhà báo người Anh đã từng làm việc cho hãng tin Reuters, hiện đang thường trú tại Thái Lan.

Video này được quay bởi một công dân Thái Lan đã nhìn thấy nhà vua tại trung tâm mua sắm Riem Arcaden ở Munich vào ngày 10 tháng 6 năm 2016, sau đó nó được chuyển cho Marshall. Video cho thấy nhà vua Vajiralongkorn đi bộ qua khu mua sắm, với một phụ nữ được cho là một trong những người tình của ông, Sineenat Wongvajirapakdi. Các vệ sĩ của nhà vua cũng xuất hiện trong video.

Những hình xăm đặc biệt trên lưng và cánh tay của nhà vua khiến ông trông càng nổi bật. Ông đã vài lần được chụp ảnh trong chiếc áo crop-top màu trắng giống hệt nhau trước đó. Tuy nhiên đây là video được biết đến duy nhất cho thấy nhà vua mặc trang phục này.

Vua Vajiralongkorn đã lên ngôi vào tháng 12 năm 2016 sau cái chết của cha ông, vua Vua Bhumibol Adulyadej. Mặc dù chi tiết về phong cách sống xa hoa và gây tranh cãi của ông đã được một số tờ báo nước ngoài đưa từ khi ông là hoàng tử. Tuy nhiên, những thông tin này hầu như không được biết đến, do luật pháp nghiêm ngặt của đất nước, ngăn cản công dân công khai thảo luận về bất kỳ chi tiết đời sống riêng tư nào của nhà vua mới.

Thách thức đối với hoạt động của Facebook ở Thái Lan

Gennie Gebhart, nhà nghiên cứu Quỹ Biên giới Điện tử (EFF), cho biết Facebook đang ở trong một tình huống khó khăn. "Chính phủ Thái Lan hiện nay đang cố gắng kiểm duyệt các phương tiện truyền thông xã hội chỉ ra sự sẵn sàng kiểm soát của chính phủ về chế độ quân chủ cũng như tất cả những trở ngại mà họ phải đối mặt trong môi trường truyền thông xã hội được mã hoá HTTPS", bà nói .

Theo Marshall, Facebook khó có thể chống lại các luật lệ nghiêm ngặt của chính phủ mà được đánh giá không phù hợp với các điều khoản chung của công ty. Trước áp lực của các nhà bất đồng chính kiến, các nhà báo và các nhóm như EFF, Facebook hiện yêu cầu một lệnh của tòa án trước khi yêu cầu công ty chặn bất kỳ nội dung nào. Facebook sẽ chỉ chặn các bài viết cụ thể chứ không phải toàn bộ trang và nó sẽ thông báo cho người dùng khi các bài viết của họ bị chặn theo vị trí địa lý.

Đã có 70 nhóm nhân quyền và nhà hoạt động xã hội viết thư cho Mark Zuckerberg yêu cầu công ty chỉ rõ cách họ quyết định nội dung nào cần kiểm duyệt. Marshall, cựu phóng viên Reuters, cho biết ông cảm thông với tình cảnh khó khăn của Facebook. Ông nói: "Họ bị kẹt ở giữa, vì Thái Lan có những luật lệ kỳ lạ, khi mà bất kỳ điều gì mà bạn phê bình về chế độ quân chủ thì bạn có thể bị phạt tù hàng trăm năm.”

Chính phủ Thái Lan đẩy mạnh các công cụ kiểm duyệt

Vấn đề kiểm duyệt thông tin đang được tăng cường ở Thái Lan. Theo con số do chính Facebook tiết lộ, trong 6 tháng đầu năm 2016, công ty đã hạn chế 10 nội dung ở Thái Lan. Con số này đã tăng lên 40 trong nửa cuối năm.

Chính phủ năm ngoái đã liên hệ trực tiếp với Facebook và yêu cầu họ hợp tác và xóa bỏ các bài viết vi phạm luật pháp của đất nước. Chính phủ Thái Lan đã đóng cửa gần 7.000 trang web từ năm 2015 theo một quy định về xử lý tội phạm máy tính của Thái Lan. Tuy nhiên, việc kiểm soát các trang Facebook cá nhân cũng như thông tin các mạng xã hội phổ biến khác ở trong nước là rất khó khăn. Tuần trước, chính phủ Thái Lan đã ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet địa phương yêu cầu họ đóng cửa 600 trang Facebook, một dấu hiệu cho thấy chính phủ không nhận được sự hợp tác tối đa từ Facebook.

Sự hợp tác của Facebook với Thái Lan và một số quốc gia có nhu cầu cao về kiểm duyệt thông tin đặt ra câu hỏi mạng xã hội này sẽ làm gì để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc, nơi Facebook đã bị chặn hoạt động từ năm 2009. CEO Zuckerberg đã có những nỗ lực lớn đối với thị trường này, CEO trẻ tuổi đã học tiếng Quan Thoại và nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa. Một số tổ chức trên thế giới đã bày tỏ mối quan ngại sau khi công ty báo cáo đang nghiên cứu một công cụ kiểm duyệt đặc biệt dành cho thị trường Trung Quốc để cho phép họ hoạt động tại đây.

 

Hải An (Theo VICE News)


Ý kiến bạn đọc