Sức mạnh thời @

14:50, 14/04/2017
|

Chuyến bay nội địa mang số hiệu 3411 của hãng United Airlines hôm chủ nhật 9/4 từ thành phố Chicago tới Louisville ở Mỹ bỗng chốc “nổi tiếng” khắp thế giới.

Hình ảnh các nhân viên an ninh hàng không Mỹ bất ngờ quật ngã rồi kéo lê xềnh xệch một hành khách gốc Việt tên David Dao, máu me bê bết trên khuôn mặt dọc hành lang máy bay, gây phẫn nộ dư luận khắp thế giới. Thực sự “khủng khiếp”, theo báo Mỹ, là từ của Tổng thống Mỹ Donal Trump bình luận về video clip do chính hành khách trên chuyến bay 3411 quay lại đang lan truyền chóng mặt trên mạng toàn cầu.

Hàng loạt rắc rối từ vụ bê bối này đang chờ United Airlines, một trong “tứ đại gia” của hàng không Mỹ gồm American Airlines, United Airlines, Delta Air Lines và Southwest. Hơn 60.000 người tại Mỹ đã ký đơn online đề nghị CEO của United Airlines từ chức. Một làn sóng tẩy chay, cắt thẻ bay và thẻ tín dụng của hãng này lan rộng khắp thế giới. Cổ phiếu của United Airlines có thời điểm tụt sâu, mất giá tới hơn 1 tỷ USD…

Từ sự cố bạo lực trên, nhiều người từng đi máy bay mới lần đầu biết đến một nghiệp vụ rất phổ biến trong… nội bộ ngành hàng không, đó là overbooking. Nôm na là các hãng hàng không thường xuyên bán vé vượt quá số lượng chỗ cho phép trong một chuyến bay, qua đó bù lại một số lượng ghế trống nhất định do hành khách trễ chuyến hoặc hủy chuyến.

Không may cho United Airlines, ông David Dao đã không đồng ý rời khỏi máy bay để nhường chỗ cho người khác. Và màn cưỡng chế, kéo lê hành khách đầy máu me và bạo lực đã xảy ra. Xin lưu ý, nghiệp vụ overbooking cũng đã và đang được một vài hãng hàng không của Việt Nam áp dụng.

Cái tên David Dao hiện đang “nổi tiếng” hơn cả cầu thủ bóng đá David Beckham trên công cụ tìm kiếm Google. Hôm qua, tìm từ “David Dao” cho 43.2 triệu kết quả, trong khi “David Beckham” chỉ có khoảng 38.4 triệu kết quả trên Google.

Vậy do đâu mà một sự việc xảy ra trên một chuyến bay nội địa tận nước Mỹ xa xôi (xin lưu ý mỗi ngày có khoảng 2.4 triệu người Mỹ đi máy bay) lại ngay lập tức được “truyền hình” đi khắp thế giới, đến tận từng căn hộ, từng thiết bị cầm tay của mỗi cá nhân? Điều mà cách đây khoảng chục năm ít ai có thể tưởng tượng nổi.

Câu trả lời chắc ai cũng biết, đó là nhờ sức mạnh của CNTT và truyền thông (ICT), sức mạnh của thời vạn vật kết nối Internet (IoT), sức mạnh của “báo chí công dân”.

Thời CNTT và mạng xã hội đã khiến việc đưa tin không còn là “đặc quyền” của các nhà báo nữa, những công dân có trách nhiệm cũng hoàn toàn có thể khiến cả cộng đồng phải lên tiếng, như vụ việc của United Airlines này.

(theo tienphong online)


Ý kiến bạn đọc