(VnMedia) - Ả-rập Xê-út vừa lên tiếng cảnh báo sắc lạnh về việc họ sẵn sàng dùng vũ lực nếu Qatar mua các hệ thống tên lửa đình đám S-400 của Nga. Thông tin mới nhất này cho thấy, S-400 “bảo bối” của Nga đang làm hàng loạt nước điên đảo.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
"Ả-rập Xê-út đã đe dọa dùng hành động quân sự để chống lại Qatar nếu nước này thúc đẩy kế hoạch mua tên lửa phòng không hàng đầu S-400 của Nga", tờ nhật báo Le Monde đưa tin.
Dẫn nguồn tin mà tờ báo này có được, Le Monde cho hay Riyadh đã viết thư gửi đến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị ông này can thiệp vào để ngăn không cho Qatar mua S-400 của Nga với lý do để đảm bảo sự ổn định trong khu vực.
Theo tờ Le Monde, trong bức thư gửi đến Tổng thống Pháp, Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman đã bày tỏ sự “quan ngại sâu sắc” trước tiến trình đàm phán giữa Doha và Moscow xung quan thỏa thuận S-400. Ông này cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng trong khu vực. Ả-rập Xê-út “sẵn sàng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để xóa sổ hệ thống phòng thủ này, trong đó có hành động quân sự”, tờ báo của Pháp cho hay.
Chưa có phản ứng chính thức nào từ văn phòng của Tổng thống Pháp hay Bộ Ngoại giao Pháp về thông tin nói trên.
Ả-rập Xê-út cùng với Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Ai Cập hồi năm ngoái từng thực hiện một cuộc tẩy chay, bao vây và cô lập Qatar với cáo buộc nước này hậu thuẫn cho khủng bố. 4 quốc gia trên đã ra một tối hậu thư gồm 13 điểm, trong đó đòi Qatar phải cắt đứt quan hệ với Iran, đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ của nước này cũng như đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera và các kênh vệ tinh khác của nó. Ngoài ra, Ả-rập Xê-út, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Bahrain và Ai Cập còn yêu cầu Doha phải công khai tuyên bố hủy bỏ quan hệ với các nhóm Hồi giáo, chấm dứt hoạt động được cho là cung cấp tài chính cho chủ nghĩa khủng bố và giao những phần tử được cho là khủng bố cho họ.
Trong một nỗ lực nhằm giảm sự cô lập của các nước trong khu vực, Qatar đã tìm đến những người bạn mới, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Nga. Hồi tháng Một đầu năm nay, Qatar thông báo, nước này đang đàm phán để mua những hệ thống tên lửa tinh vi S-400 của Nga.
Phản ứng trước thông tin về bức thư của Ả-rập Xê-út, một chính khách cấp cao của Nga vừa lên tiếng khẳng định, Moscow sẽ vẫn cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân cho Qatar bất chấp sự phản đối của Ả-rập Xê-út.
Phát biểu với báo chí địa phương, ông Aleksei Kondratyev – một thành viên của Thượng viện Nga và là Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nga, đã nói: "Nga đang tìm kiếm những lợi ích riêng của mình, cung cấp hệ thống S-400 cho Qatar và kiếm tiền cho ngân sách quốc gia. Lập trường của Ả-rập Xê-út không có liên quan gì đến việc đó và kế hoạch của Nga sẽ không thay đổi”.
"Rõ ràng, Riyadh đang đóng vai trò thống trị trong khu vực nhưng Qatar đang có một lợi thế khi tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang nhờ mua các hệ thống S-400 của Nga. Vì thế, sự căng thẳng của Ả-rập Xê-út là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Cũng theo ông Kondratyev, Mỹ cũng có lợi khi ngăn cản hợp đồng này bởi việc Nga bán S-400 cho Qatar đồng nghĩa với việc Mỹ “sẽ mất một thị trường vũ khí béo bở trong khu vực”.
Với diễn biến mới nhất nói trên, có thể thấy hệ thống S-400 của Nga đang làm hàng loạt nước điên đảo. Trước khi xảy ra mâu thuẫn giữa Ả-rập Xê-út và Qatar, có thể là cả Mỹ và Qatar về vấn đề liên quan đến S-400, đã có một loạt nước đối đầu nhau gay gắt vì hệ thống tên lửa hàng đầu này của Nga. Một trong những cuộc đối đầu căng thẳng nhất vì S-400 hiện nay chính là cuộc đối đầu giữa Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ liên tục cảnh báo, đe dọa Ankara vì hợp đồng S-400 với Nga, khiến Moscow cũng phải tức giận lên tiếng. Gần đây, thông tin Ấn Độ mua S-400 của Nga cũng khiến Mỹ và Trung Quốc “đứng ngồi không yên và lo ngại”. Mỹ thậm chí đã lên tiếng cảnh báo cả Ấn Độ. Trước đó, Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng mua S-400 của Nga và thông tin này đương nhiên khiến nhiều đối thủ của Bắc Kinh lo lắng.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc