Giữa lúc bán đảo Triều Tiên nguy cấp, Mỹ khiến Trung Quốc giật mình

10:26, 02/10/2017
|

(VnMedia) - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên leo thang chóng mặt, chiếc tàu sân bay duy nhất đóng bên ngoài nước Mỹ - USS Ronald Reagan đã tiến hành cuộc tập trận quân sự được miêu tả “định kỳ” ở Biển Đông dưới sự theo dõi chặt chẽ và đầy lo lắng của Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ vừa có cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 30/9
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ vừa có cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 30/9
Chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân bay của Mỹ
Chiến đấu cơ cất cánh từ tàu sân bay của Mỹ
Loại chiến đấu cơ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan
Loại chiến đấu cơ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan

Những chiếc chiến đấu cơ F-18 Super Hornet hồi cuối tuần vừa rồi đã thực hiện bài diễn tập cất cánh từ tàu sân bay USS Ronald Reagan. Màn dương oai diễu võ này của Mỹ diễn ra dưới sự theo dõi công khai của hai tàu khu trục Trung Quốc.

Các sĩ quan trên tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đóng tại Nhật Bản cho biết, các hoạt động của họ ở vùng lãnh hải quốc tế đã bị theo dõi vô cùng chặt chẽ bởi những chiến hạm thuộc Hải quân Quân đội Nhân dân Trung Hoa. Thậm chí, có thời điểm, các tàu của Trung Quốc còn bám đuổi sát nút sau tàu sân bay của Mỹ khi nó đang trên đường đến những địa điểm khác. Các tàu khu trục của Trung Quốc trong những ngày qua luôn quanh quẩn gần nơi nhóm tàu và máy bay của Mỹ đang làm nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Việc các chiến hạm Trung Quốc theo dõi nhất cử nhất động của siêu tàu sân bay Mỹ cho thấy sự lo lắng, bất an của giới chức ở Bắc Kinh. Đây là điều dễ hiểu khi mà bán đảo Triều Tiên hiện tại đang mấp mé bên miệng hố chiến tranh khi do cả Bình Nhưỡng và Washington đều thể hiện lập trường cứng rắn, thách thức và nhất quyết không lùi bước.

Theo giới sĩ quan Mỹ, để đảm bảo sự an toàn cho bản thân, lực lượng thủy thủ trên tàu sân bay luôn có tín hiệu cảnh báo với các tàu Trung Quốc khi tàu sân bay USS Ronald Reagan đổi hướng đột ngột. “Chúng tôi không gặp vấn đề gì. Họ hành động rất chuyên nghiệp. Chúng tôi gặp họ thường xuyên”, Chuẩn Đô đốc Marc Dalton – Chỉ huy nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan cũng như lực lượng chiến đấu lớn hơn của Hạm đội 7 của Mỹ, cho biết.

Mỹ gần đây thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận với hai đồng minh trong khu vực là Hàn Quốc và Nhật Bản để thể hiện sức mạnh trước Triều Tiên. Những cuộc tập trận như vậy làm dấy lên sự lo sợ ở Bình Nhưỡng rằng đây có thể là vỏ bọc cho một cuộc tấn công xâm lược nước họ.

Những cuộc tập trận giữa Mỹ với hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ kích động giới lãnh đạo Triều Tiên có lập trường đối đầu, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga hồi đầu tuần trước đã chỉ trích như vậy.

“Loạt cuộc tập trận rầm rộ được tiến hành gần bờ biển Triều Tiên rõ ràng là nhằm để khuất phục Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, kích động ông này gây ra những hành động bất cẩn”, ông Mikhail Ulyanov – người đứng đầu Vụ Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí hạt nhân của Bộ Ngoại giao Nga, đã nói như vậy.

Trước cuộc tập trận mới nhất hồi cuối tuần vừa rồi, chiếc siêu tàu sân bay có trọng tải 100.000 tấn USS Ronald Reagan cũng đã có các cuộc diễn tập phô trương sức mạnh với loạt chiến hạm của Nhật Bản ở phái nam bán đảo Triều Tiên hồi đầu tuần trước, quân đội Nhật Bản cho hay. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tức giận đe dọa sẽ tiến hành một vụ thử bom H mới ở Thái Bình Dương.

Để giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên bán đảo Triều Tiên, Nga và Trung Quốc từng đề xuất kế hoạch “chấm dứt kép”, theo đó Bình Nhưỡng được yêu cầu ngừng các vụ thử hạt nhân, tên lửa để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận chung. Đề xuất trên bị Mỹ nhanh chóng bác bỏ với lý do nước này có toàn quyền thực hiện những cuộc tập trận chung với đồng minh Hàn Quốc. Mỹ cũng yêu cầu áp dụng thêm nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, kêu gọi Nga ngừng cung cấp dầu mỏ cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ lời kêu gọi trên, nhấn mạnh rằng đối thoại chứ không phải trừng phạt là con đường duy nhất để tháo gỡ cuộc khủng hoảng bế tắc hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Hồi cuối tuần vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận về những nỗ lực nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên cũng như chuẩn bị cho chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Donald Trump đến Trung Quốc.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc