Cơ hội hợp tác mới lĩnh vực thông tin Việt Nam - Myanmar

13:14, 30/10/2017
|

(VnMedia) - Sáng ngày 30/10/2017, tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn đã có cuộc hội đàm song phương với Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar Pe Myint.

Tham dự Hội đàm có Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ TT&TT; một số lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty lĩnh vực viễn thông, CNTT: ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT, ông Ngô Hùng Tín, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, và đại diện lãnh đạo Tập đoàn Viettel, Mobifone Global, FPT Myanmar… Về phía Bộ Thông tin Myanmar có đại diện lãnh đạo các cơ quan thuộc Bộ Thông tin Myanmar.

Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cảm ơn ngài Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar Pe Myint đã đón tiếp đoàn rất trọng thị. Bộ trưởng đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Myanmar trong suốt 42 năm qua.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cập nhật cho biết về tình hình phát triển thông tin và truyền thông của Việt Nam. Theo đó, trong năm 2016, ngành thông tin và truyền thông tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Lĩnh vực công nghiệp CNTT đang trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia.

Thị trường Viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục có sự cạnh tranh tích cực. Tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 128 triệu thuê bao, trong đó có gần 36,2 thuê bao băng rộng di động, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Hiện Việt Nam liên tục là nước có tổng số lượng tên miền quốc gia đăng ký cao nhất khu vực ASEAN.

Tổng số tên miền .vn hiện đang duy trì trên hệ thống là 386.751 tên miền, tổng số tên miền tiếng Việt đã đăng ký trên hệ thống là 994.161 tên miền. Đây được coi là tiền đề cho việc phát triển của các dịch vụ Internet vạn vật (IoT) cũng như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm cao, tăng 10 bậc so với năm 2015.

Tại buổi hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar
Tại buổi hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn với Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar. Ảnh:KN


Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành CNTT-TT Việt Nam đang có tiềm năng phát triển to lớn thông qua việc khai thác, làm chủ các công nghệ mới như Internet vạn vật, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, hội tụ viễn thông - CNTT - phát thanh truyền hình… Trong bối cảnh này, công cuộc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT đã được xác định bởi sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và được định hướng bởi nhiều văn kiện trong đó quan trọng của Nhà nước và Chính phủ.

Hiện tại Việt Nam có khoảng 53 triệu người dùng Facebook hoạt động, đồng nghĩa với việc hơn 1/2 dân số tại Việt Nam sở hữu tài khoản Facebook. Việt Nam là 1 trong nhóm 10 quốc gia có lượng người dùng YouTube cao nhất thế giới. Lĩnh vực mạng Internet nhất là các trang mạng xã hội, việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, vấn đề sim rác, roaming quốc tế, các vấn đề về an ninh an toàn thông tin cũng được Bộ Thông tin và Truyền chú trọng quản lý.

Về lĩnh vực báo chí, xuất bản, phát thanh truyền hình, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện cả nước có  hơn 1.000 báo trong đó 849 báo chí in và 196 báo chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương (01 đài Phát thanh quốc gia, 01 đài Truyền hình quốc gia, 01 đài Truyền hình kỹ thuật số và 64 đài PTTH địa phương), phủ sóng 99,5% lãnh thổ; 267 kênh phát thanh, truyền hình trong nước và 53 kênh truyền hình nước ngoài; 60 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in, 1517 trang thông tin điện tử. Việt Nam đang thực hiện số hóa mạng truyền hình dự kiến sẽ hoàn thành việc chuyển đổi vào năm 2020.

Việt Nam hiện có 26 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, trong đó có một số doanh nghiệp viễn thông, CNTT đạt tầm khu vực và quốc tế có tiềm lực mạnh cả về vốn, công nghệ, đội ngũ nhân lực và kinh nghiệm quản lý, khai thác như Tập đoàn VNPT, Mobifone, VTC... các doanh nghiệp này đã thực hiện việc hợp tác đầu tư ra nước ngoài trong đó có các thị trường Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu và Mỹ La tinh, và đều đang có các hoạt động hợp tác đầu tư tại Myanmar.

Để tiếp tục tăng cường hợp tác một cách hiệu quả và thiết thực, với mục tiêu đưa thông tin và truyền thông trở thành hợp tác tiêu biểu trong mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Myanmar,  Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đề nghị hai bên sớm trao đổi và xây dựng thỏa thuận cấp Bộ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Thông tin Myanmar, nhằm tạo khung pháp lý thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin.

Vui mừng trước những thông tin Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nêu, Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar Pe Myint đã cảm ơn và bày tỏ mong muốn được hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar đã điểm lại lịch sử quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Myanmar, cũng như những nỗ lực thông tin của báo chí Myanmar dành cho Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar cũng đã cho biết một số thay đổi chính sách, cơ cấu của Bộ Thông tin nói riêng và của chính phủ Myanmar nói chung kể từ sau cuộc bầu cử năm 2010.

Tại cuộc hội đàm, hai Bộ trưởng nhất trí hai bên sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thông tin nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tạo môi trường thông tin lành mạnh làm động lực thúc đẩy sự hợp tác và phát triển kinh tế xã hội của hai nước.

Hai Bộ tăng cường hợp tác trong quản lý nhà nước, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đặc biệt là những kinh nghiệm phát triển và quản lý báo chí trong thực tiễn. Định kỳ trao đổi các đoàn công tác, các cuộc hội đàm giữa các cơ quan quản lý về thông tin, trao đổi đoàn phóng viên báo chí nhằm viết bài, tuyên truyền, giới thiệu thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Việt Nam và Myanmar với các nước; Sẽ xem xét ký biên bản hợp tác (MOU) giữa 2 Bộ để làm cơ sở tăng cường hơn nữa các hợp tác trong tương lai.

Hai Bộ cũng sẽ đẩy mạnh trao đổi các chính sách về quản lý nội dung thông tin và các chương trình phát thanh truyền hình và thông tin điện tử. Chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch và quản lý dịch vụ truyền hình di động, truyền hình cáp trên phạm vi quốc gia;

Trao đổi các chương trình phát thanh truyền hình, sản phẩm thông tin đối ngoại, dữ liệu nghe nhìn, các xuất bản phẩm và từng bước trao đổi danh mục sách có giá trị của mỗi nước cho nhau, miễn phí bản quyền và xuất bản ở mỗi nước;

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, đài phát thanh, đài truyền hình hai nước thúc đẩy và sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác trong giai đoạn mới để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi quốc gia, như giữa VOV, VTC với MRTV, giữa VNA với MNA;

Hợp tác về kỹ thuật, công nghệ sản xuất, xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình trong đó có đào tạo nguồn nhân lực;

Hai Bộ cũng sẽ phối hợp tổ chức triển lãm sách báo, ảnh báo chí giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam và Myanmar; trao đổi các đoàn phóng viên sang thăm và đưa tin nhân kỷ niệm năm tròn, năm chẵn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngoài ra, hai Bộ cũng thống nhất, sẽ xem xét xây dựng thỏa thuận cấp Bộ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Thông tin Myanmar nhằm tạo khung pháp lý thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin.

Bộ Thông tin Myanmar sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn báo chí của Việt Nam được mở Văn phòng đại diện tại Myanmar, cũng như tạo điều kiện về tác nghiệp; Hỗ trợ, tạo điều kiện, là cầu nối cho các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin của Việt Nam tại Myanmar.

Về phía Việt Nam, cũng sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong công tác quản lý và phát triển thông tin truyền thông; khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Myanma hợp tác kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Hai Bộ trưởng tin tưởng rằng kết quả buổi hội đàm này sẽ mở ra các cơ hội hợp tác mới, thiết thực và hiệu quả giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin, đánh dấu mốc quan trọng trong 42 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Đinh Bách (Ảnh:Tiến Minh, KN)

 

 

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Pe Myint tại trụ sở Bộ Thông tin Myanmar
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và Bộ trưởng Pe Myint tại trụ sở Bộ Thông tin Myanmar

 

Đoàn công tác của Bộ TT&TT Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Myanmar chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Thông tin Myanmar
Đoàn công tác của Bộ TT&TT Việt Nam và Đại sứ Việt Nam tại Myanmar chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Bộ Thông tin Myanmar

 


Ý kiến bạn đọc