Xem loạt vũ khí Nga khoe hỏa lực ấn tượng trong cuộc tập trận Zapad

10:44, 19/09/2017
|

(VnMedia) - Nga tiếp tục có những màn phô diễn sức mạnh quân sự mãn nhãn trong cuộc tập trận Zapad 2017, khiến các đối thủ của Nga “đứng ngồi không yên” vì lo ngại.

Hàng nghìn binh sĩ cùng hàng trăm vũ khí hiện đại, trong đó có nhiều vũ khí tối tân, của Nga đang có những màn diễn tập cực kỳ ấn tượng trong cuộc tập trận chung với Belarus. Đây được xem là cuộc tập trận lớn nhất trong năm của Nga và nó là cuộc tập trận gây lo ngại nhiều nhất đối với các đối thủ của Nga, cụ thể là NATO.

Tổng thống Vladimir Putin cũng là Tổng Tư lệnh tối cao của quân đội Nga hôm qua (18/9) đã đích thân đến giám sát cuộc tập trận tại khu diễn tập Luzhsky thuộc khu vực Leningrad.

Hình ảnh trong cuộc tập trận Zapad 2017
Hình ảnh trong cuộc tập trận Zapad 2017
Tổng thống Putin đích thân đến giám sát cuộc tập trận
Tổng thống Putin đích thân đến giám sát cuộc tập trận

Cuộc tập trận Zapad đã được khai hỏa từ hồi tuần trước và sẽ kéo dài cho đến hết ngày mai (20/9). Các lực lượng Nga và Belarus đã tiến hành diễn tập trên một loạt khu vực trải rộng khắp lãnh thổ hai nước Nga và Belarus. Mục đích của cuộc tập trận được cho là để phô diễn sức mạnh toàn lực của quân đội Nga và quân đội Belarus.

Ngày hôm qua, ông Putin đã giám sát bài diễn tập đối phó với cuộc xâm nhập qua biên giới của lực lượng chiến binh. Theo kịch bản, lực lượng này đã đi vào biên giới Nga, chiếm một số lượng lớn máy bay nhỏ và máy bay không người lái của Nga trước khi sử dụng chúng để tấn công một loạt mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Quân đội Nga và Belarus đã sử dụng các hệ thống phòng không Pantsir-S1 và Tunguska để đập nát cuộc tấn công của kẻ thù. Lực lượng xe tăng được hậu thuẫn bởi pháo binh và máy bay đã phát động cuộc tấn công vào nhóm chiến binh trong khi một nhóm lính nhảy dù được thả từ trên không nhận nhiệm vụ ngăn không cho quân địch rút lui.

Tổng thống Putin còn giám sát các màn diễn tập bắn đạn thật, trong đó có màn phóng tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân ở khu vực Leningrad Oblast của Nga. Theo tuyên bố từ phía Moscow, lực lượng của họ đã thực hiện một vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo Iskander-M ở khu thử Kapustin Yar, bên trong lãnh thổ Nga. Tên lửa đã bay được 480km trước khi đánh trúng mục tiêu.

Những cuộc tập trận như Zapad 2017 được Nga và Belarus tổ chức trên cơ sở định kỳ, thường xuyên. Cuộc tập trận đang diễn ra hiện nay là một trong những cuộc diễn tập quân sự lớn nhất loại này. Chính vì thế, cuộc tập trận Zapad năm nay của Nga đã gây quan ngại thực sự cho các nước láng giềng. Nhiều tháng trước khi cuộc tập trận chính thức được khai hỏa, một loạt nước như Ba Lan và ba nước Baltic đã phát sốt lên vì lo lắng, chỉ trích kịch liệt cuộc tập trận của Nga, miêu tả đó là một mối đe dọa đối với an ninh của nước họ. Thậm chí, giới chức của các nước phương Tây còn cáo buộc, cuộc tập trận Zapad 2017 là vỏ bọc để Moscow đưa quân đến đóng cố định tại Belarus và là màn tập dượt cho một cuộc xâm lược, một cuộc chiến tranh lớn.

Bộ Ngoại giao Nga đã lên án gay gắt những lời chỉ trích của phương Tây nhằm vào cuộc tập trận của họ, cáo buộc các đối thủ của Nga đang cố tình tìm cách gây hoang mang, lo sợ về các màn diễn tập quân sự lần này của Nga.

“Họ đã cố tình thổi phồng mọi việc lên với mục đích rõ ràng là nhằm để thuyết phục công chúng phương Tây rằng việc tăng chi phí cho hoạt động triển khai thêm sự hiện diện quân sự ở Ba Lan và khu vực Baltic cũng như đẩy mạnh các hoạt động quân sự của NATO là cần thiết”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga từng nói như vậy.

Cuộc tập trận của Nga diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc