Nhìn lại thế giới đầy "bất thường" qua 10 hình ảnh ấn tượng

08:49, 01/01/2017
|

(VnMedia) - Năm 2016 là một năm mà thế giới chứng kiến nhiều sự kiện bất thường chưa từng có. Nhiều sự thay đổi mang tính bước ngoặt đã diễn ra. Chưa thể nói trước được những sự thay đổi như vậy sẽ đem đến một tương lai tốt hơn hay không. Tuy nhiên, bức tranh toàn cầu năm qua vẫn chứa nhiều mảng màu tối với hàng loạt những bất ổn, khủng hoảng và cả xung đột.

dfadf

Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ: Bất ngờ gây choáng váng đã xảy ra. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử kỳ lạ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Như vậy, siêu cường Mỹ sẽ được dẫn dắt bởi một người "ngoại đạo”, một doanh nhân nằm ngoài nền chính trị Mỹ. Tỉ phú Donald Trump là ứng cử viên tổng thống gây tranh cãi nhất trong lịch sử bầu cử của Mỹ. Với tính cách có phần lập dị cùng những quan điểm, lập trường kỳ quặc, khác thường, không giống với một chính khách điển hình, ứng cử viên Trump đã tạo ra thái cực đối lập nhau hoàn toàn trong tình cảm của người dân Mỹ đối với ông. Chiến thắng của ông Trump là điều hoàn toàn bất ngờ và nó cho thấy sức mạnh kỳ lạ của ông này. Bị phần lớn truyền thông Mỹ quay lưng cũng như bị rất nhiều nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng ở nước Mỹ và thế giới phản đối, ứng cử viên Trump bằng cách nào đó vẫn có thể đánh bại được đối thủ nặng ký như bà Hillary Clinton.

 

dfadf
Brexit – cơn địa chấn khiến EU lung lay tận gốc: Người dân Châu Âu nói riêng và người dân thế giới có lẽ đến giờ này vẫn chưa thể quên được cơn sốc gây ra từ kết quả cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh đi hay ở lại Liên minh Châu Âu (EU) hồi tháng Sáu. Với 51,9% người dân Anh ủng hộ rời EU, không chỉ Anh mà EU đều phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Nước Anh sẽ phải đối đầu với một tương lai đầy bất ổn và chông gai phía trước trong khi EU phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đe dọa đến sự tồn tại của họ. Sự ra đi của Anh là một cú giáng mạnh nhất từ trước đến nay mà EU phải hứng chịu kể từ khi được thành lập cách đây gần 60 năm. Cú giáng này khiến EU loạng choạng. Việc Anh lựa chọn rời EU đã khiến liên minh này suy yếu và phần nào mất đi uy tín, uy thế của một liên minh vốn được xem là hùng mạnh nhất, gắn kết nhất và thành công nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, người ta lo ngại về hiệu ứng domino – một hiệu ứng có thể phá tan giấc mơ Châu Âu thống nhất của nhiều người.

 

dfadf
Tòa án Trọng tài Thường trực bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông: Tòa án Trọng tài Thường trực hôm 12/7 đã chính thức tuyên bố “không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong khu vực biển nằm trong ‘đường lưỡi bò’”. Tòa án Trọng tài Thường trực (PAC) khẳng định, “mặc dù những người đi biển và ngư dân của Trung Quốc cũng giống như của các nước khác từ lâu đã được ghi nhận có lịch sử sử dụng các hòn đảo, quần đảo ở Biển Đông nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh trong lịch sử đã thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng lãnh hải hay các nguồn tài nguyên trong khu vực”. Vì thế, “tòa án kết luận, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử đối với các tài nguyên bên trong khu vực biển nằm trong ‘đường lưỡi bò’”. Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và phán quyết này đã vô hiệu hóa yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, phán quyết của PAC nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

 

dfadf
Triều Tiên leo thang tham vọng hạt nhân: Năm nay là năm ghi nhận Triều Tiên xác lập kỷ lục về số lượng các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Chỉ trong vòng một năm, Bình Nhưỡng đã tiến hành hàng chục vụ phóng tên lửa và đặc biệt là 2 vụ thử hạt nhân, trong đó có vụ thử mới nhất và mạnh nhất hôm 9/9. Những con số gây ấn tượng trên không chỉ thể hiện quyết tâm phát triển chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên mà còn cho thấy những bước tiến nhanh và mạnh của Bình Nhưỡng trên con đường chinh phục công nghệ tên lửa, hạt nhân. Giới chuyên gia quân sự tin rằng, với tốc độ phát triển tên lửa và hạt nhân như hiện nay của Triều Tiên, nước này có thể triển khai những loại vũ khí hạt nhân mạnh hơn và nguy hiểm hơn trong thời gian sớm hơn mọi dự đoán trước đó. Sự leo thang trong hành động thách thức và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đã khiến khu vực này đang trở thành một trong những điểm nóng đáng lo ngại nhất thế giới.

 

dfadf
Philippines có Tổng thống mới: Ông Rodrigo Duterte lên cầm quyền ở Philippines hồi tháng Sáu. Việc một nước có nhà lãnh đạo mới là chuyện hết sức bình thường nhưng Tổng thống mới của Philippines là một nhân vật đặc biệt. Trong nửa năm cầm quyền vừa qua, Tổng thống Duterte liên tiếp gây bão dư luận, khiến ông trở thành một trong những nhân vật được truyền thông thế giới quan tâm nhất. Ông Duterte đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi với chiến dịch chống ma túy khiến gần 6.000 người thiệt mạng chỉ trong 6 tháng. Ông cũng gây sóng gió trên chính trường thế giới bởi những phát ngôn gây sốc, trong đó có những phát biểu xúc phạm nặng nề Tổng thống Mỹ Obama, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc... và cả những lời thú nhận về việc ông đích thân giết chết các nghi phạm. Tổng thống Duterte còn là nhân vật gây đảo lộn mối quan hệ đồng minh Mỹ-Philippines cũng như mối quan hệ Philippines-Trung Quốc.

 

dd
Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Đêm ngày 15/7 và rạng sáng ngày 16/7, thế giới tràn ngập tin tức về cuộc đảo chính ở đất nước Thổ Nhĩ Kỳ với những hình ảnh được phát đi giống như đang diễn ra ở một cuộc chiến tranh toàn diện. Binh lính lăm lăm súng trong tay xuất hiện khắp nơi, xe tăng tràn ra đường, chiến đấu cơ gầm rú trên đầu, khói lửa và thương vong.... Sau những giây phút ngỡ ngàng, Tổng thống Erdogan đã kêu gọi người dân đổ ra đường chống lại cuộc đảo chính. Kết quả là những cuộc đụng độ đẫm máu nổ ra giữa binh lính và người dân. Sức mạnh của nhân dân đã nhấn chìm cuộc đảo chính. Sau cuộc đảo chính, Ankara đã thực hiện một chiến dịch đàn áp thẳng thừng và mạnh tay nhằm vào những người bị tình nghi tham gia vào âm mưu đảo chính. Những cuộc vây bắt diễn ra khắp nơi. Hàng chục nghìn cảnh sát, giáo viên, binh sĩ, thẩm phán và nhân viên của nhiều ngành bị sa thải hay bắt giữ... Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến mối quan hệ giữa nước này với đồng minh Mỹ sứt mẻ và mở ra cơ hội khôi phục quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

 

dd
Châu Âu trở thành mục tiêu của khủng bố: Năm 2016 chứng kiến hàng loạt thành phố của Châu Âu phải hứng chịu những cuộc tấn công khủng bố đẫm máu. Thủ đô Brussels của Bỉ sáng 22/3 rung chuyển bởi hai vụ nổ bom ở sân bay Zaventem và một vụ nổ bom ở ga tàu điện ngầm Maelbeek, làm ít nhất 30 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.  Tiếp đó, vào ngày 14/7, một tên khủng bố đã lái chiếc xe tải điên cuồng lao vào đám đông người dân Pháp vừa xem xong màn trình diễn pháo hoa nhân ngày Quốc khánh ở thành phố Nice, khiến 84 người chết và hơn 150 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Mới đây nhất, hôm 19/12, một chiếc xe tải bất ngờ lao với tốc độ cao vào khu chợ Giáng sinh ở quảng trường Breitscheidplatz, Berlin, làm 12 người chết và 48 người bị thương.....Những vụ tấn công khủng bố liên tiếp như vậy cho thấy Châu Âu đang đối mặt với thách thức an ninh chưa từng có do chủ nghĩa khủng bố gây ra.

 

dd
IS thảm bại: Từ chỗ khiến thế giới choáng váng vì sức tấn công mạnh mẽ ở Iraq và Syria hồi giữa năm ngoái, năm 2016 chứng kiến IS bị đánh cho thua tan nát khắp các mặt trận. IS bị bóp nghẹt trong vòng vây của liên minh hùng hậu gồm hàng chục nước, trong đó có nhiều cường quốc quân sự, cùng hàng loạt nhóm nổi dậy, nhóm tôn giáo và bộ lạc. Các thành trì, hang ổ của IS bị dội mưa bom mỗi ngày. Hàng chục thủ lĩnh của IS lần lượt bị tiêu diệt. Lực lượng IS cũng liên tiếp bị đánh bật ra khỏi một loạt khu vực lãnh thổ mà chúng từng chiếm đóng. Nguồn tài chính của IS cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến tổ chức này thậm chí còn không có tiền để trả lương cho chiến binh. Tình trạng chiến binh đào ngũ trở nên phổ biến... Thủ phủ của cái gọi là nhà nước Hồi giáo – thành phố Raqqa cũng đang nằm trong sự bao vậy của các lực lượng chống IS. Diễn biến trên cho thấy, ngày tàn của IS ở Syria và Iraq đang đến ngày một gần.... Tuy nhiên, IS đã kịp “vươn vòi bạch tuộc” ra khắp thế giới. Nói như một nhà phân tích nổi tiếng, cái gọi là nhà nước Hồi giáo mà IS dựng lên cách đây 2 năm có thể chết nhưng tư tưởng đáng sợ của chúng đã phát tán khắp nơi. Như vậy, mối đe dọa từ IS sẽ trở nên khó lường và khó đối phó hơn rất nhiều.

 

dd
Cuộc chiến ở Syria đảo chiều: Với sự hậu thuẫn tích cực của Nga và Iran, quân đội Syria đã giành chiến thắng liên tiếp trên chiến trường trong cuộc chiến với phe nổi dậy. Bước ngoặt quan trọng nhất chính là việc quân đội Syria đã giành lại được Aleppo – thành phố chiến lược vô cùng quan trọng. Chiến thắng này được cho là điềm báo cho sự sụp đổ của các phe nhóm đối lập ở Syria đồng thời khẳng định vị thế vững chắc của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro qua đời: Cựu Chủ tịch Fidel Castro – Nhà lãnh đạo huyền thoại của đất nước Cuba, đã qua đời vào tối ngày 25/11 tại thủ đô Havana, hưởng thọ 90 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương to lớn không chỉ đối với người dân Cuba mà cả với rất rất nhiều người dân thế giới.

 

Nhà lãnh đạo vĩ đại Fidel Castro là người đã dẫn dắt phong trào cách mạng ở Cuba, lật đổ chế độ độc tài Batista vào năm 1959. Cùng với ông Che Guevara, ông Fidel đã truyền cảm hứng cho phong trào giải phóng dân tộc ở hàng loạt nước.

Cựu Chủ tịch Fidel Castro – Nhà lãnh đạo huyền thoại của đất nước Cuba, đã qua đời vào tối ngày 25/11 tại thủ đô Havana, hưởng thọ 90 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương to lớn không chỉ đối với người dân Cuba mà cả với rất rất nhiều người dân thế giới. Nhà lãnh đạo vĩ đại Fidel Castro là người đã dẫn dắt phong trào cách mạng ở Cuba, lật đổ chế độ độc tài Batista vào năm 1959. Cùng với ông Che Guevara, ông Fidel đã truyền cảm hứng cho phong trào giải phóng dân tộc ở hàng loạt nước.


Hải Yến


Ý kiến bạn đọc