VNPT giữ vai trò quan trọng trong Liên minh chuyển đổi số Việt Nam

11:18, 09/08/2019
|

Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019) vừa khai mạc sáng nay, 8/8 tại Hà Nội, “Liên minh chuyển đổi số Việt Nam” đã chính thức được ra mắt với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn làm nòng cốt cho Liên minh như VNPT, Viettel, FPT, CMC, MISA, Hài Hoà, Mobifone, BKAV…

Sự tham gia của những doanh nghiệp ICT lớn như VNPT thể hiện sự cam kết đồng hành của các doanh nghiệp Việt Nam với Chính phủ trong thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Sự ra đời của Liên minh Chuyển đổi số là kết quả làm việc tích cực trên tinh thần hợp tác, trách nhiệm của các đơn vị thành viên, bên cạnh sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Chính phủ, Bộ TT&TT và các cơ quan quản lý nhà nước. Tất cả đều nhằm đến một mục tiêu đưa Việt Nam chuyển đổi số thành công và trở thành một quốc gia hùng cường.

Việt Nam đang cùng thế giới tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lần đầu tiên đất nước ta song hành cùng một cuộc cách mạng công nghiệp với thế giới - điều mà lịch sử đã không cho chúng ta cơ hội tiếp cận trước đây. Chuyển đổi số là cánh cửa để Việt Nam tăng năng suất lao động, thoát bẫy thu nhập trung bình, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Với ý nghĩa đó, Việt Nam chúng ta đã khởi dậy được ý chí, khát vọng của cả hệ thống chính trị về chuyển đổi số với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng sự ra đời của Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng sự ra đời của Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Bộ TT&TT đã nhanh chóng xây dựng dự thảo Đề án Chuyển đối số quốc gia với những mục tiêu cụ thể và táo bạo như: Đế năm 2020, kinh tế số gia tăng 20% mỗi năm; Việt Nam thuộc nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới và Top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; Xếp hạng Top 50 thế giới và Top 3 ASEAN về chỉ số cạnh tranh toàn cầu; Xếp hạng Top 50 quốc gia về Chính phủ điện tử với 100% thủ tục hành chính được cung cấp ở cấp độ 3 và 4, đặc biệt, năng suất lao động xã hội tăng trưởng từ 8-10% mỗi năm.

Ở các địa phương, chính quyền tỉnh, thành phố cũng khẩn trương triển khai chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước với mô hình đô thị thông minh hướng đến mục tiêu góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội.

Để có thể đạt được những mục tiêu ấy, bên cạnh thể chế của Chính phủ, sự hưởng ứng của xã hội, cần có sự tiên phong và dẫn dắt của các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin.

Liên minh Chuyển đổi số ra đời bước đầu dựa trên cơ sở tập hợp của những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam có sứ mệnh truyền cảm hứng trong toàn xã hội về chuyển đổi số, chủ động thực hiện chuyển đổi số và tạo ra nền tảng, hạ tầng, dịch vụ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam và xã hội Việt Nam cũng chuyển đổi số. Bước tiếp theo, Liên minh sẽ mở rộng để các doanh nghiệp có đủ năng lực cùng tham gia. Với sứ mệnh này, Liên minh chuyển đổi số Việt Nam cam kết, cùng chung tiếng nói, tích  cực và trách nhiệm đóng góp để hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho chuyển đổi số quốc gia.

Về phát triển hạ tầng số, liên minh cam kết phát triển hạ tầng mạng băng rộng quốc gia, bao gồm các mạng di động thế hệ mới (4G, 5G), triển khai cáp quang rộng khắp, phấn đấu đến từng hộ gia đình, phát triển mạng viễn thông ảo hoá, mạng điện toán đám mây, phát triển mạng kết nối IOT sâu rộng, phát triển các nền tảng mở (ATI, open, platform) tạo sân chơi số bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Chủ động tích cực tham gia hoàn thiện Chính phủ điện tử trong thời gian sớm nhất; Nhanh chóng cung cấp cho người dân các hệ sinh thái dịch vụ số như: thanh toán số, thương mại điện tử, nội dung số, kinh tế chia sẻ,…; Về đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng: ứng dụng các công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ an ninh mạng, bảo vệ an toàn mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quốc gia trên không gian mạng; Tạo động lực và nhu cầu cho việc đào tạo và thu hút nguồn nhân lực ICT chất lượng cao trên toàn cầu.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc