Căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt

16:40, 26/02/2017
|

Mới chỉ đi được vỏn vẹn 1/4 chặng đường mà V-League 2017 đã xảy ra quá nhiều bê bối, từ những phản ứng vô cùng phản cảm của một số CLB đến sai sót nghiêm trọng của trọng tài hay xử lý các án phạt một cách tùy tiện, tiền hậu bất nhất của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

Trận đấu giữa TP.HCM và Long An để lại tiếng xấu cho bóng đá Việt Nam
Trận đấu giữa TP.HCM và Long An để lại tiếng xấu cho bóng đá Việt Nam
Bức tranh toàn cảnh của bóng đá nội, trong đó vấn đề được xem là nổi cộm nhất, gây nhức nhối nhất liên quan đến trọng tài (TT) đã được nhìn nhận thế nào qua lăng kính của lãnh đạo ngành, các nhà chuyên môn, nhà báo, cựu cầu thủ...
 
Hội đồng trọng tài đã đưa ra cái gọi là “luật im lặng”
 
Mới đây trong cuộc trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nói: “Trước mùa giải, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đã có những biện pháp, hành động cụ thể như tổ chức các lớp tập huấn mời cả chuyên gia FIFA, AFC làm giảng viên. VFF cũng đã chỉ đạo, nhắc nhở các CLB trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, văn hóa ứng xử… Tuy nhiên, rất buồn khi giải đấu cao nhất bóng đá VN vẫn xảy ra những sự việc sai trái. Những sai sót về chuyên môn của TT khiến niềm tin của các đội bóng ngày càng bị xói mòn”.
 
Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển chua chát phát biểu: “Tôi thi thoảng cũng được Đài truyền hình VN mời làm khách mời trường quay một số trận của V-League. Thú thật, có những trận, tôi điếng người vì phán quyết của TT. Tần suất phạm lỗi trong một trận đấu nhiều đến mức người xem không thể không bất bình”.
 
Ông Hiển nhấn mạnh: “Những sai số về mặt kỹ thuật xảy ra triền miên, không một vòng nào không mắc. Liệu ngoài trình độ, những lỗi này có xuất phát từ nguyên nhân tư tưởng không? Tôi xin khẳng định luôn, chắc chắn có không ít TT có vấn đề về tư tưởng. Những quyết định sai lầm của họ không chỉ làm vỡ trận mà nói như Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện là làm giảm sút nghiêm trọng sự tôn trọng của các CLB. Chưa kể, Hội đồng TT còn vin cớ FIFA cấm công bố các án phạt, để đưa ra cái gọi là “luật im lặng” mà luật này càng làm TT bị mất niềm tin mà thôi. Mới đây, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Mạnh Hùng đã đề xuất, sẵn sàng chi 1 tỉ đồng làm quỹ thưởng cho TT, trợ lý TT vào cuối mùa. Đây cũng là giải pháp hay mà VFF nên nghiên cứu”.
 
Sai sót của trọng tài: Bệnh trầm kha của bóng đá Việt - ảnh 2
Phản ứng thái quá của đội Long An trư ớc trọng tài Bạch Dương
Vừa thiếu vừa yếu
 
Trưởng ban thể thao Đài truyền hình Hà Nội Ngô Thanh nêu quan điểm: “Với TT, chuyên môn là điều kiện “cần” và uy tín chính là điều kiện “đủ”. Cái “uy” có được là do chữ “tín” từ phía đội bóng và cầu thủ. Nhưng thực tế, rất nhiều TT ở VN thiếu hẳn vế này. Ngay khi chưa vào sân, các cầu thủ đã tỏ ra hoài nghi người cầm còi, đặc biệt là đối với đội khách, chưa đá đã nghĩ mình bị ép, vào sân hễ cắt còi là phản ứng, bị thổi phạt là kêu ca, dính phạt đền là cho rằng mình bị xử ép. TT, vì sức ép phản ứng của cầu thủ, khán giả nên xuất hiện tâm lý “thổi nhầm còn hơn bỏ sót”. Còn cầu thủ, vì mất niềm tin nên dù đúng hay sai cũng phản ứng như một phản xạ có điều kiện”.
 
Ông Nguyễn Hồng Thanh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá SLNA, cho biết: “Trận thua trước Than Quảng Ninh ở vòng 6, tôi đã xuống bắt tay TT chính vì đã bắt tốt. Điều đó nói lên rằng chúng tôi sẽ không bao giờ có đơn khiếu kiện như ở vòng 5 nếu TT cũng công tâm được như thế. Tôi cũng rất không hài lòng với cách phản ứng tiêu cực của một số đội. Tuy nhiên, suy cho cùng, phản ứng của các CLB, cầu thủ xuất phát phần lớn từ các phán quyết chưa thuyết phục của TT”.
 
Bình luận viên Vũ Quang Huy, một trong những người hiểu rất sâu sắc bản chất cũng như những câu chuyện hậu trường của giới TT, nhận xét: “Lực lượng TT VN vừa thiếu vừa yếu. Yếu về chuyên môn đã đành mà có TT còn thiếu cái tâm, thiếu sự khách quan, thiếu nhiệt huyết với nghề. Mà tôi xin nói ngay một điều, đã có TT không thắng nổi cám dỗ. Ân oán giữa đội này với đội kia cùng vùng miền vẫn diễn ra và việc “lôi kéo” TT đứng về phía đội mình đã là điểm “đen” rất nhức nhối”.
 
Tại sao không kỷ luật ban tổ chức giải?
 
Nhà báo Hữu Bình, Trưởng ban Biên tập Tạp chí Thể thao Tổng cục TDTT, cho hay: “Tôi cho rằng những hành xử phi thể thao, coi thường tất cả như đội Long An (LA) ở vòng 19, đáng phải nhận hình thức kỷ luật thật nặng. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây cũng là bài học chung, dành cho cả các nhà tổ chức. Người ta đã nói rất nhiều, rằng “giá như TT điều hành công tâm hơn”, “giá như ông trưởng ban TT có sĩ diện hơn”, hay “giá như ông trưởng BTC phản ứng mau lẹ và quyết liệt hơn”… Những cái “giá như” thể hiện một sự thật: Bóng đá VN nói chung và V-League nói riêng đã và đang vẫn tồn tại nhiều yếu kém ngay trong công tác tổ chức và điều hành. Có hay không “lợi ích nhóm” trong việc phân quyền, phân công và điều hành TT? Ở đây cần xem lại năng lực và cả cái tâm của những người làm công tác này!”.
 
Chuyên gia Trịnh Minh Huế và cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải cũng chung quan điểm khá quyết liệt khi cho rằng hành động của đội LA hay một số đội bóng trước đó là hệ lụy của một quá trình dài mà những nhà tổ chức, người có trách nhiệm không công khai, minh bạch và tỏ ra yếu kém trong công tác điều hành giải đấu. Chủ tịch CLB, HLV, các cầu thủ bị xử phạt nặng, nhưng tại sao trưởng BTC thì vô can khi để V-League liên tiếp xảy ra những sự cố nghiêm trọng làm vấy bẩn hình ảnh bóng đá VN.
 
Theo quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: “VFF, VPF phải xem xét lại công tác tổ chức giải, công tác TT. Những gì còn tồn tại, khiếm khuyết phải được cải tổ triệt để. Như đã từng nhiều lần trao đổi với giới truyền thông, tính chuyên nghiệp trong thể thao phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không có tính chuyên nghiệp thì thể thao nói chung, bóng đá nói riêng không thể phát triển được.
 
17 năm vẫn nghiệp dư
 

 

Sai sót của trọng tài: Bệnh trầm kha của bóng đá Việt - ảnh 5
Ông Nguyễn Minh Ngọc ngồi bất động khi sự việc xảy ra
Sai sót của trọng tài: Bệnh trầm kha của bóng đá Việt - ảnh 6
Ông Nguyễn Văn Mùi
Khoác áo chuyên nghiệp đã 17 năm nhưng V-League - giải bóng đá hàng đầu của VN vẫn bị xem là quá nghiệp dư bởi cách hành xử của những người góp mặt.
 
BTC giải V-League mà đứng đầu là ông Nguyễn Minh Ngọc bị cho là rất lơ mơ trong công tác điều hành. Sự cố ở sân Thống Nhất, ông Ngọc có mặt trên sân để giám sát, nhưng khi vụ việc xảy ra ông lại ngồi yên vị trên ghế khán đài VIP để dưới sân tha hồ loạn. Chính sự “ngó lơ” của trưởng giải đã đẩy tình huống xấu lên đến đỉnh điểm.
 
Còn nữa, ở vòng đấu thứ 3, khi Samson (Hà Nội) đạp thô bạo Ngọc Quang (HAGL), ông Ngọc đã bao che để cho cấp dưới bao biện rằng đó chỉ là hành vi vào bóng bình thường nên không cần phải xử khiến dư luận phản ứng rầm rộ. Ban Kỷ luật VFF cũng “nhắm mắt làm ngơ” ở vụ việc này, chỉ đến khi không chịu được sức ép của dư luận thì mới xử treo giò chiếu lệ Samson 2 trận. Sự việc “ngó lơ” vụ Samson trong khi lại xử nặng Omar (Thanh Hóa) của những người có trách nhiệm bị cho là thiên vị bởi Samson là quân của ông bầu có tiếng nói rất lớn với bóng đá VN. Chính cách hành xử thiên vị này khiến các CLB và cầu thủ bất phục, dẫn đến những cách phản ứng khác nhau.
 
Không chỉ riêng ông trưởng giải mà Chủ tịch HĐTT Nguyễn Văn Mùi cũng bị ca thán bởi cách điều hành giải. Đã từ lâu, giới TT luôn đồn đoán, ai không phải “dây” của ông Mùi thì chuyên môn có giỏi đến đâu cũng phải… thất nghiệp.
 
Để một giải đấu được người hâm mộ quan tâm, khoác áo chuyên nghiệp đã 17 năm, nhưng những thành viên góp mặt đều hành xử rất nghiệp dư, trước hết trách nhiệm thuộc về VFF…
 
Cầu thủ và CLB cũng không chuyên
 
Cách phản ứng của lãnh đạo, HLV, cầu thủ LA đã để lại tiếng xấu cho bóng đá VN vì sự hành xử thiếu chuyên nghiệp của họ. Dẫu được chấp chế vì sự thiếu chuyên nghiệp của BTC giải, trọng tài điều hành gây ức chế đẩy đội bóng LA đến hành xử thái quá. Nhưng dù sao phản ứng của họ cũng là điều không chấp nhận được ở một giải đấu chuyên nghiệp.
 
Không chỉ trong nước, mà trên các diễn đàn bóng đá quốc tế, không ít bình luận nói rằng: “cầu thủ VN có được học luật bóng đá hay không, tại sao lại hành xử như những đứa trẻ vậy”. Ngoài LA, trước đó lãnh đạo Thanh Hóa cũng rất nghiệp dư khi đòi bỏ giải chỉ vì cầu thủ Omar bị xử treo giò 8 trận...

 (Theo Thanh niên)

 


Ý kiến bạn đọc