Kim cương trên trời rơi xuống đến từ một hành tinh cổ

14:00, 28/04/2018
|

Các nhà khoa học cho rằng, kim cương tìm thấy trong thiên thạch Almahata Sitta có thể là ‘bằng chứng sống’ cho sự tồn tại của một hành tinh cổ trong hệ Mặt Trời cách đây khoảng 4,55 tỷ năm. Đây được xem như là một trong những khám phá quan trọng đối với sự hình thành của hệ Mặt Trời.

Theo một nghiên cứu mới đây, những mảnh vỡ từ một thiên thạch rơi xuống Trái đất cách đây khoảng 1 thập kỷ đã cung cấp những bằng chứng sống động về sự tồn tại của một hành tinh cổ xưa trong hệ Mặt Trời. Được biết, kích cỡ của hành tinh sơ khai này có thể tương đương với Sao Thủy, hay thậm chí là sao Hỏa.

Các nhà nghiên cứu đến từ Thụy Sỹ, Pháp và Đức đã tiến hành kiểm tra số kim cương có trong thiên thạch Almahata Sitta và kết luận rằng, có thể chúng đã được hình thành bởi 1 hành tinh sơ khai cách đây ít nhất 4,55 tỷ năm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Philippe Gillet, nhà khoa học hành tinh thuộc Học viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ, đồng thời cũng là một trong số các tác giả của nghiên cứu đã khẳng định, kim cương được tìm thấy trong thiên thạch rơi xuống khu vực Sa mạc Nubian, Sudan hồi tháng 10/2018 vừa qua, chứa những tinh thể nhỏ li ti, chỉ có thể hình thành ở áp suất rất lớn.

Trả lời phóng vấn trên tờ The Associated Press, ông Gillet chia sẻ: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng những hạt kim cương này không thể nào là kết quả của sự va chạm nhưng khả năng cao là do sự phát triển bên trong của một hành tinh”.

Cũng theo ông Gillet, các nhà nghiên cứu đã tính toán được mức áp suất cần thiết để có thể hình thành những tinh thể kim cương như vậy có thể lên đến 200.000 bar (tương đương với 2.9 triệu psi). Qua đó, ngầm khẳng định kích thước của hành tinh bí ẩn này ít nhất cũng bằng với Sao Thủy, thậm chí là Sao Hỏa.

Đồng thời, các nhà khoa học cũng đưa ra giả thuyết về hệ Mặt Trời thuở sơ khai với nhiều hành tinh hơn so với hiện tại. Trong đó, một vài hành tinh thậm chí có thể tồn tại dưới dạng dung thể magma nóng chảy. Ngoài ra, họ cũng tin rằng một trong số đó khả năng cao đã đâm và Trái Đất sơ khai, làm bắn ra một lượng lớn các mảnh vỡ mà sau này đã tạo nên Mặt Trăng.

“Những gì chúng tôi đang muốn nói ở đây là chúng tôi đang nắm giữ tàn tích của thế hệ những hành tinh đầu tiên mà ngày nay đã không còn tồn tại. Bởi vì chúng bị phá hủy hoặc đã hợp nhất với nhau để hình thành nên một hành tinh lớn hơn.” – Gillet chia sẻ.

Tuy nhiên, Addi Bischoff – chuyên gia về thiên thạch thuộc trường Đại học Muenster (Đức) lại nhận định rằng, những phương pháp áp dụng và kết quả của nghiên cứu rất hợp lý, nhưng vẫn có thể tìm thấy những bằng chứng xác thực hơn về áp suất cao được duy trì trong lớp khoáng xung quanh những hạt kim cương này.

Theo Doanh Nghiệp


Ý kiến bạn đọc