Người Anh sẽ phải làm việc 17 năm liền không được tăng lương?

19:59, 27/11/2017
|

Công dân Anh nhiều khả năng sẽ phải đi làm gần hai thập niên mà không có bất kỳ một khoản tăng lương nào do kinh tế đất nước suy giảm.

Anh có thể phải đối mặt với thời kỳ suy giảm tiêu chuẩn sống lâu nhất kể từ đầu những năm 1950
Anh có thể phải đối mặt với thời kỳ suy giảm tiêu chuẩn sống lâu nhất kể từ đầu những năm 1950

Theo CNN, đó là cảnh báo từ hai báo cáo có sức ảnh hưởng lớn được công bố chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Anh, ông Philip Hammod thừa nhận Anh đã không còn nằm trong danh sách năm nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nguyên nhân khiến kinh tế Anh đang phải chứng kiến triển vọng tăng trưởng yếu kém phần lớn là do tác động bởi Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).

Resolution Foundation (RF), một tổ chức tư vấn độc lập của Anh được thành lập vào năm 2005, cho biết thu nhập trung bình của người lao động nước này, sau khi điều chỉnh lạm phát cho đến đầu năm 2025, có thể sẽ thấp hơn mức mà họ có được trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này có nghĩa là người Anh sẽ phải làm việc suốt 17 năm không được tăng lương. Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS), cơ quan nghiên cứu độc lập hàng đầu của Anh, cũng đưa ra một cảnh báo tương tự.

Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách độc lập Anh (OBR) hôm 22.11 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của đất nước trong năm nay từ 2% xuống còn 1,5%, đồng thời nói rằng kinh tế sẽ không tăng trưởng cho đến năm 2021. RF đã mô tả các dự báo của OBR là “điều thực sự thảm khốc” và cảnh báo rằng nước Anh có thể phải đối mặt với thời kỳ suy giảm tiêu chuẩn sống lâu nhất kể từ đầu những năm 1950.
 
Theo ông Paul Johnson, giám đốc của IFS, các dự báo cho thấy sản lượng kinh tế/người tại Anh vào năm 2021 sẽ thấp hơn 3,5% so với dự kiến được đưa ra hồi tháng 3.2016. “Đó là sự mất mát 65 tỉ bảng cho nền kinh tế. Chúng tôi đang có nguy cơ mất đi không chỉ một mà là cả hai thập niên tăng trưởng thu nhập”, ông Johnson lưu ý.
 
Anh là một trong những nền kinh tế mạnh nhất trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng có lẽ những khó khăn sẽ còm đeo bám nền kinh tế nước này nhiều hơn khi Anh rời EU vào tháng 3.2019. Bảng Anh đã giảm 12% so với USD kể từ khi cuộc bỏ phiếu Brexit diễn ra hồi tháng 6.2016. Tiền lương không theo kịp lạm phát đang ở mức 3%. Nợ hộ gia đình tăng khoảng 4% một năm, và Ngân hàng Anh đã phải tăng lãi suất lần đầu tiên trong một thập niên. Theo dữ liệu ghi nhận trong tháng 10.2017 của Visa, đầu tư doanh nghiệp đã chậm lại, đồng thời chi tiêu tiêu dùng giảm nhiều nhất trong bốn năm qua.

(Theo Thanh niên)


Ý kiến bạn đọc