Thực hư kiểu chữa bệnh kỳ quái lột trần, giẫm lên người

06:26, 16/09/2015
|

(VnMedia) - Cục quản lý Y dược cổ truyền Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên khẩn trương kiểm tra, xác minh việc chữa bệnh bằng cách giẫm lên người bệnh nhân...

Sau khi mạng xã hội nhanh chóng lan truyền hình ảnh hàng trăm người nằm trong tư thế cởi trần để “cô Phú” ở Thái Nguyễn chữa bệnh bằng cách giẫm đạp lên ngực, lưng và mông, hôm nay Cục quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên yêu cầu kiểm tra việc hành nghề của “cô Phú” tức bà Phạm Thị Phú ở Vĩnh Sơn, Sông Công, Thái Nguyên, nhất là việc "cô Phú" nhận chữa đủ thứ bệnh, kể cả ung thư, tâm thần, lở loét.

      Ảnh minh họa

Công văn của Bộ Y tế gửi Sở Y tế Thái Nguyên.


Cục quản lý Y dược cổ truyền Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Thái Nguyên khẩn trương kiểm tra, xác minh việc hành nghề của bà Phạm Thị Phú và những thông tin trên các trang mạng để trả lời dư luận và xử lý theo quy định hiện hành. Sở Y tế Thái Nguyên phải báo cáo kết quả xác minh, xử lý trước ngày 30/9/2015.

Trước đó, ngày 12/9, một cá nhân chia sẻ thông tin trên facebook về việc “cô Phú” chữa khỏi tất cả các ca ung thư mà bệnh viện trả về, hàng đoàn người xếp hàng nằm lần lượt để cô dẫm lên người, tối đa 3 lần dẫm để truyền điện nhân sinh học từ người “cô Phú” sang người bệnh và bệnh nhân không phải uống bất cứ loại thuốc nào. Những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội còn cho biết, hàng trăm người xếp hàng la liệt để mong đến lượt chữa bệnh trong 1 buổi sáng. Trước khi hành nghề này, bà Phạm Thị Phú làm nghề bán cá.

Được biết, trước đây, Sở Y tế Thái Nguyên đã có văn bản yêu cầu tạm ngừng hoạt động khám chữa bệnh kỳ quái này. Hiện nay, cơ sở này chỉ có giấy phép hoạt động kinh doanh tẩm quất, kèm thêm dịch vụ ăn uống.

Tuy nhiên, gần đây, cơ sở này vẫn tổ chức khám chữa bệnh cho người dân. Chính vì vậy, ngày 14/9, Sở Y tế Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND thị xã Sông Công tăng cường công tác kiểm tra hoạt động của cơ sở này và có biện pháp xử lý kịp thời.

PGS.TS Phạm Vũ Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, đây không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại ở thị xã Sông Công, Thái Nguyên nhiều năm trước đó. Bộ Y tế đã từng có đoàn công tác, nhiều buổi làm việc với Sở Y tế Thái Nguyên về hiện tượng này. Quan điểm của Bộ Y tế là trong dân gian có những phương pháp có thể có tác dụng, nhưng tác dụng với cái gì, với bệnh nào, với giai đoạn nào, chống chỉ định cái gì, tác dụng phụ gì… thì phải trả lời bằng nghiên cứu. Tất cả những điều này đều cần phải có bằng chứng khoa học chứ không thể nói linh tinh được là nó có tác dụng hay không có tác dụng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc