Sốt xuất huyết dễ nhầm với sốt phát ban

11:07, 09/09/2015
|

( VnMedia) - Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, người bị sốt xuất huyết (SXH), đặc biệt là trẻ em nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Tuy nhiên, phần lớn người bệnh SXH thường bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: sốt phát ban, virus, viêm mũi họng…

  Ảnh minh họa

 Sốt xuất huyết ở trẻ em rất nguy hiểm. Ảnh minh họa.



Một nhầm lẫn thường gặp nữa là nhiều người bệnh nghĩ mình đã bị SXH rồi thì không bị lại nữa nên ở những lần sau họ ít khi nghĩ tới SXH. Thực tế, theo các bác sĩ, SXH hiện nay có 4 tuýp gây bệnh khác nhau, và 1 người có thể mắc SXH đến 4 lần.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, đa số bệnh nhân SXH ở thể nhẹ và nếu được chẩn đoán đúng thì có thể điều trị tại nhà, song điều nguy hiểm là rất khó để phân biệt được SXH với sốt phát ban, sốt virus, ... bằng lâm sàng trong 2-3 ngày đầu tiên, bởi các bệnh lý này có triệu chứng khá giống nhau.

Sốt xuất huyết cũng là bệnh do siêu vi gây ra. Vì vậy trẻ bị sốt xuất huyết cũng có những triệu chứng chung của một tình trạng nhiễm siêu vi trong những ngày đầu như sốt cao liên tục 3 - 4 ngày, ho, sổ mũi, ói, tiêu chảy, đau nhức mình mẩy… Tuy nhiên, đối với một tình trạng sốt siêu vi bình thường, từ ngày thứ 4 trở đi, trẻ thường hết sốt, ăn chơi tốt, da có thể bị nổi phát ban 3 -5 ngày rồi lặn.

Trong khi đó, bên cạnh triệu chứng sốt khó hạ với thuốc hạ sốt trong 3 ngày đầu, trẻ bị sốt xuất huyết thường có da niêm xung huyết (da đỏ ửng, môi khô đỏ tươi… do hiện tượng cô đặc máu), có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam và hay kèm nôn ói. Nếu là sốt xuất huyết thì từ ngày thứ 3 của bệnh, một số trẻ có thể có diễn tiến nặng, và nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời sẽ dễ dẫn đến tử vong do sốc hoặc do tổn thương các cơ quan.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bạn có thể tự phân biệt hai bệnh này bằng cách dùng tay căng da chỗ có chấm đỏ, nếu thấy chấm đỏ đó mất là sốt phát ban, còn khi căng da mà vẫn thấy chấm li ti thì đó là SXH. Hoặc có thể biết mắc bệnh khi ấn tay vào vùng sát xương, rồi bỏ tay ra, nếu thời gian da hồng trở lại trên 2 giây. Đối với trẻ nhỏ, khi SXH trẻ sốt lên cao liên tục từ 2 - 7 ngày và hay đau bụng vùng gan, chân tay lạnh.

Các bác sĩ nhấn mạnh, SXH cũng giống như các loại sốt virus khác, không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Ngoài việc hạ sốt và bù nước theo hướng dẫn của bác sĩ thì giải pháp tốt nhất là người bệnh cần cố gắng ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và thường xuyên theo dõi để kịp thời đến bệnh viện điều trị khi thấy có diễn biến nặng hơn.

Tính đến tháng 8/2015, cả nước ghi nhận 29/618 trường hợp mắc, 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết tại 50 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu xảy ra tại các tỉnh phía Nam: TP HCM (7.373 ca mắc, 2 tử vong), Đồng Nai (3.836 ca mắc, 2 tử vong), Bình Dương (2.288 ca mắc, 4 tử vong). Tổng hợp, số mắc tăng 67,4% so với cùng kỳ năm 2014.
 
Đặc biệt, riêng Hà Nội ghi nhận 1.537 ca mắc sốt xuất huyết, đứng thứ 6 toàn quốc với số ca mắc, tăng gần gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2014 và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng trong tháng 9, tháng 10.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc