Mẹo đơn giản nhận biết trái cây bị ép chín

08:00, 13/09/2015
|

(VnMedia) - Trái cây là thực phẩm vô cùng quan trọng và cần thiết đối với sức khỏe và vẻ đẹp con người. Tuy nhiên, hiện nay trái cây bị ép chín bằng hóa chất được bày bán tràn lan khắp nơi.

Trái cây ép chín bằng hóa chất là những trái cây non, chưa đến ngày thu hoạch được người bán dùng hóa chất ép cho trái chín. Hầu hết những loại hóa chất này có độc tính mạnh, gây hại cho người sử dụng. Vậy làm thế nào để nhận biết trái cây bị ép chín?

Cách phân biệt một số loại quả bị ép chín

Mít: Mít là một trong những loại quả bị “ép chín” bằng thuốc nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Mít chín tự nhiên sẽ có những đặc điểm như gai nở to, màu xanh vàng, xam xám và chín đều từ cuống cho đến đít quả. Còn mít ép chín có mùi thơm không bằng mít tự nhiên, gai còn nhọn, dày đặc, múi mít nhỏ, không có nhựa, phần bên trong cuống mít bị thâm, nhũn.

Hồng xiêm: Hồng xiêm chin cây có thể nhìn thấy màu hơi xanh đồng thời có các vân rõ và vỏ thường không trơn bóng. Ngược lại, hồng xiêm đã ngâm hóa chất có màu vàng thẫm, vỏ trơn bóng hầu như không tì vết nên rất bắt mắt. 

Ảnh minh họa



Xoài: Xoài chín cây sẽ có cuống tươi, da căng, chín từng mảng kéo dài từ cuống đến đuôi và từ phần bụng đến phần lưng quả. Những quả chín nhiều hơn sẽ có màu vàng đậm và bóp thấy thịt quả mềm. Khi cắt ra, xoài có nhiều nước và cho vị ngọt tự nhiên. Còn, xoài tẩm chín ép thường có màu xanh hoặc xanh vàng nhạt nhưng bên trong lại chín vàng. Khi cắt ra, xoài có vị nhạt, sượng và không có vị xoài.

Đu đủ:
Đu đủ chín cây thường quả dài, cầm nặng tay, chín đều, mềm, cuống còn nhựa dính. Khi cắt ra, đu đủ có vị ngọt, thơm, ít hạt, thịt dày và mềm, có thể dễ dàng xúc bằng thìa. Đối với đu đủ chín do thuốc, chúng sẽ có màu vàng óng, vỏ trơn, khi ấn tay vào không có độ lún. Khi gọt vỏ vẫn còn nhiều nhựa, khi ăn ruột không mềm, sượng mà vị ngọt rất nhẹ.

Chuối: Chuối chín tự nhiên thường có quả chín, quả xanh lác đác không đều, có mùi thơm dịu, cuống quả mềm, dê bẻ, không còn nhựa. Vỏ quả có những vết đen tự nhiên và nhiều bụi bẩn do không bị ngâm rửa hóa chất, Ngược lại, chuối chín do thuốc có vỏ bên ngoài màu vàng rất đẹp mã, bắt mắt v à khi ăn có vị chua và sượng như ăn cơm sống, không tỏa mùi thơm.

Ảnh minh họa



Sầu riêng: Sầu riêng chin tự nhiên sẽ rất dễ dàng khi tách rời các múi, đồng thời cơm có mùi thơm đặc trưng dẻo mịn. Trái lại, sầu riêng chín ép rất khó để tách múi, cơm bị sượng và không có mùi thơm.

Cam, quýt: Cam quýt chín tự nhiên có cuống rất tươi, quả no tròn, các nốt tinh dầu trên vỏ nở to, chín từng mảng từ trên cuống xuống. Còn c am chín do dùng thuốc sẽ cho màu chín vàng nhạt đều cả quả, cuống héo, các nốt tạo tinh dầu rất bé.

Thanh Long : Với thanh long chín tự nhiên có vỏ mỏng, thân màu đỏ thẫm trong khi các gai trên quả có màu tươi đẹp. Còn thanh long chín do thuốc kích thích có màu đỏ nhạt, gai trên quả héo, vỏ dày, ăn vị rất nhạt.

Chôm chôm:  Thông thường, quá trình héo của của chôm chôm diễn ra rất nhanh, chỉ vài tiếng sau khi cắt khỏi cây. C hôm chôm bị phun thuốc là những quả có cành lá tươi roi rói nhưng râu trên quả lại héo, nhàu nhĩ. Chôm chôm chín cây sẽ cho quả có râu khỏe và tươi xanh, để 2-3 ngày sau vẫn chưa héo.

Măng cụt: Măng cụt chín cây có cuống rất tươi và chín từng mảng, từ đầu cuống xuống đít quả. Đối với măng cụt chín do thuốc sẽ có cuống thâm đen, khi ăn sẽ có vị rất chua.

Để bảo vệ bản thân và gia đình thì người tiêu dùng phải biết trang bị những kiến thức để nhận biết các loại trái cây độc hại, những kỹ năng để hạn chế tối đa những loại hóa chất độc hại. Việc ngâm rửa trái cây trước khi sử dụng là rất quan trọng vì nó giúp loại bỏ vi sinh vật, hóa chất độc hại. Bạn nên ngâm rửa bằng nước muối nhạt, sau đó rửa dưới vòi nước chảy nhiều lần, khi ăn gọt vỏ, đặc biệt gọt đến đâu ăn đến đấy, không để lâu để tránh tái nhiễm khuẩn.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc