Khi nào nên sử dụng thuốc đặt hậu môn?

11:42, 07/09/2015
|

(VnMedia) - Thuốc đặt hậu môn thường được dùng trong các trường hợp người bệnh gặp khó khăn trong việc uống thuốc viên, bị nôn ói, bị viêm loét dạ dày, tá tràng…Do thuốc không đi qua gan, nên thuốc đặt hậu môn còn được sử dụng thích hợp cho người có bệnh lý về gan.

Thuốc đặt hậu môn thường ở dạng rắn, viên thuốc có hình dáng như viên đạn nên còn được gọi là thuốc đạn.

Thuốc đặt hậu môn được sử dụng bằng cách đặt trực tiếp vào trong trực tràng (hậu môn), dưới tác dụng của thân nhiệt, các hoạt chất sẽ được phóng thích.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Thuốc đặt hậu môn sử dụng như thế nào?

Hiện nay ở nước ta, thuốc đặt hậu môn dùng trong điều trị giảm đau, hạ sốt, bệnh trĩ... được sử dụng khá thông dụng, nhưng đa số việc bảo quản và sử dụng thuốc đặt hậu môn vẫn chưa được đảm bảo.

Dưới đây là các hướng dẫn để sử dụng đúng dạng thuốc đặt hậu môn:

- Thuốc nên được bảo quản nơi thoáng mát, nhiệt độ <30 độ C.
- Trước và sau khi đặt thuốc vào cơ thể, cần phải được rửa tay sạch sẽ.
- Tư thế đặt thuận lợi là người bệnh nằm nghiêng một bên, một chân co lên.
- Ngón cái và ngón trỏ cầm viên thuốc, đưa nhẹ nhàng đầu nhọn viên thuốc vào trực tràng.
- Không nên đặt quá sâu, tốt nhất là vừa đủ chiều dài của viên thuốc.
- Cần giữ yên tư thế khoảng 15 phút.
- Khi sử dụng thuốc đặt hậu môn, cần tuân theo các chỉ định liều lượng của thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ quá liều và đạt được hiệu quả điều trị cao nhất!.

Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc đặt hậu môn

Ngứa: Thuốc đạn khi đặt thường gây ngứa hậu môn, mức độ và tần số cơn ngứa thường tăng theo thời gian, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc. Đây là nguyên nhân khiến trẻ đang đặt thuốc có biểu hiện khó chịu hay trung tiện, thậm chí són phân.

Đau rát, tiêu chảy: Thuốc viên đạn dễ gây nhiễm khuẩn hậu môn làm hậu môn của trẻ sưng tấy, đau rát. Thuốc còn gây tiêu chảy nếu dùng nhiều lần hoặc khoảng cách các lần dùng quá gần, dùng lâu ngày có thể gây viêm trực tràng.

Nếu cho trẻ đặt thuốc vài ngày mà trẻ có triệu chứng đi ngoài thì cần dừng ngay. Bởi đặt thuốc trong khi trẻ bị đi ngoài, thuốc sẽ không có tác dụng do thuốc bị đào thải ngay ra ngoài. Thậm chí, thuốc còn gây kích thích tại chỗ khiến trẻ đi ngoài nhiều lần hơn.

Lưu ý:
- Không dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn khi bé bị viêm hậu môn, chảy máu trực tràng, bị tiêu chảy.

- Không cho bé uống thêm thuốc hoặc vừa uống thuốc vừa dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn vì có thể gây quá liều.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc