45 ca tử vong do không tiêm vắc xin dại kịp thời

08:00, 26/09/2015
|

(VnMedia) - Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã có 45 ca tử vong do bệnh dại vì người dân chủ quan không tiêm vắcxin dại sau khi bị vật nuôi cắn.

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo liên ngành phòng chống bệnh dại, do Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế tổ chức chiều 25/9.

Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trần Hiển, Trưởng ban chỉ đạo Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại thuộc Bộ Y tế, nguyên nhân của thực trạng trên là do ý thức chủ quan của người dân cho rằng chó nhà cắn không cần tiêm phòng; do thiếu kiến thức về bệnh dại; việc sử dụng thuốc nam để điều trị bệnh dại; do trẻ nhỏ bị chó cắn không nói nên gia đình không biết...

Hiện nay, bệnh nhân tử vong do bệnh dại tập trung nhiều ở khu vực các tỉnh phía Bắc. Bệnh dại là một trong số những bệnh gây tử vong hàng đầu trong số những bệnh truyền nhiễm. Lứa tuổi mắc bệnh đa số trên 15 tuổi và nguồn lây bệnh chủ yếu là do chó nhà.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ loại trừ được bệnh dại và để đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế cũng như việc nâng cao nhận thức của người dân. Trước mắt, ngành y tế đề ra mục tiêu đến cuối năm 2015 sẽ giảm 10% số người chết do bệnh dại so với số ca tử vong trung bình của giai đoạn 2010-2014 (96 ca). 

    Ảnh minh họa

  Tiêm phòng cho chó là biện pháp bảo vệ an toàn cho người dân
(Ảnh minh họa)


Bệnh dại thường chia làm 2 thể:

Thể dại điên cuồng chia làm 3 thời kỳ

- Thời kỳ mở đầu của bệnh: Chó thay đổi thói quen thường ngày, bứt rứt khó chịu hoặc ngược lại vui vẻ, vồn vã hơn, cắn liếm tay chân.

- Thời kỳ kích thích: Chó biến đổi về thần kinh, chạy lung tung, hoảng loạn, thấy bóng là vồ, tiếng sủa thay đổi, khản đặc hoặc ồ ồ, cuối cùng rống lên như tiếng hú, trễ hàm, thè lưỡi ra ngoài, chảy nhiều nước dãi, mắt đỏ. Chó không đi lại được, bụng thóp, sợ gió, sợ nước.

- Thời kỳ bại liệt: Chó mệt lả và bại liệt, nằm va vật, trễ hàm, chảy rớt dãi, rối loạn tiêu hóa, kiệt sức rồi chết.

Thể bại liệt

Chó buồn bã, thích nằm trong bóng tối, hàm trễ, lưỡi thè ra ngoài, nước bọt chảy tự do. Chó bị liệt cơ vòng không nhai, không nuốt và không cắn sủa được.

Mèo ít bị dại hơn ở chó. Nếu mèo bị bệnh dại thì cũng có các triệu chứng gần thể bại liệt của chó, nhưng thích lánh hẳn vào chỗ tối. Mèo bị dại rất nguy hiểm.

Dấu hiệu và triệu chứng của người bị bệnh dại  

Người mắc bệnh dại có các dấu hiệu và triệu chứng sau đây: 
 
- Đau hoặc ngứa ở vết cắn (trên 80% các trường hợp) 

- Sốt, mệt mỏi, đau đầu kéo dài 2 - 4 ngày.  

- Sợ nước (chứng sợ nước)  

-  Không chịu được tiếng ồn, ánh sáng hoặc không khí 

- Sợ hãi khi thấy cái chết sắp xảy ra  

- Tức giận, bứt rứt và trầm cảm  

- Tăng động  

- Ở giai đoạn sau, chỉ thoáng nhìn thấy hình ảnh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng 

- Thời gian bị bệnh thường là 2-3 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 5-6 ngày hoặc dài hơn khi được chăm sóc tích cực.

Biện pháp phòng chống bệnh dại

- Hạn chế nuôi chó.     
             
- Chó, mèo nuôi phải được tiêm phòng dại.

- Tránh tiếp xúc, sờ mó chó, mèo lạ hoặc có tập tính bất thường.

- Nuôi chó phải xích, nhốt, không được thả rông. Khi dắt chó đi ra ngoài phải rọ mõm chó.

- Khi người bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời, đầy đủ và phải giữ con vật để báo cơ quan Thú y theo dõi.

-. Khi bị chó, mèo dại cắn, không được điều trị bằng thuốc nam để khỏi bị chết oan.

Vắc xin phòng dại

Hiện nay, người ta dùng vắc xin vô hoạt tế bào như Rabisin… để tiêm cho chó, mèo ở mọi lứa tuổi, rất an toàn và có hiệu lực cao.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc