Vì sao học sinh mắc bệnh học đường gia tăng?

09:52, 28/08/2015
|

(VnMedia) Ngày 27/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Bệnh tật học đường là những bệnh, tật học sinh mắc phải có liên quan đến điều kiện học tập không đảm bảo. Các bệnh học đường thường gặp ở Việt Nam là cận thị, cong vẹo cột sống.

Nguyên nhân là do các yếu tố vệ sinh trường học không đảm bảo như chiếu sáng kém, bàn ghế không phù hợp với kích thước cơ thể học sinh, chế độ học tập căng thẳng khiến học sinh không có đủ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.

  Ảnh minh họa

  Tỷ lệ học sinh mắc bệnh cận thị ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa.


Cận thị học sinh

Theo báo cáo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), tỷ lệ cận thị gia tăng nhanh (nhất là từ cuối những năm 90 của thế kỉ XX). Học sinh nội thành có nguy cơ mắc cận thị cao hơn 3,11 lần so với học sinh ngoại thành.

Tật cận thị là một trong những căn bệnh đã được báo động rất nhiều năm nay nhưng vẫn có xu hướng tăng nhanh trong học sinh, sinh viên. Cận thị là một tật khúc xạ của mắt khiến cho mắt không nhìn được xa.

Theo các chuyên gia, khi bị cận thị, trẻ sẽ giảm khả năng học tập, hạn chế các hoạt động, dễ bị tai nạn thương tích, hạn chế trong việc lựa chọn ngành nghề. Thậm chí có những trẻ cận thị dẫn đến biến chứng võng mạc, mù lòa.

Học sinh bị cận thị thường hay nheo mắt, chói mắt, giụi mắt; có biểu hiện nhức đầu; chảy nước mắt, luôn có xu hướng muốn nhìn gần; có thể chép nhầm bài và kém hiệu quả trong các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ hình, tập đọc... Nguyên nhân được đưa ra là do cường độ học tập quá nhiều, quá căng thẳng; kích thước bàn ghế không đúng tiêu chuẩn; tư thế ngồi học không đúng. Một nguyên nhân quan trọng là cường độ ánh sáng trong lớp học không đảm bảo làm cho học sinh bị căng thẳng thị giác, dẫn đến tật cận thị.

Cong vẹo cột sống

Bên cạnh bệnh cận thị, bệnh cong, vẹo cột sống cũng có xu hướng gia tăng trong học sinh, sinh viên. C ong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị uốn cong về bên trái hoặc bên phải hoặc bị cong quá mức về phía trước hay phía sau; do đó không giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường.

Nguyên nhân của bệnh là do bệnh cơ, bệnh thần kinh, do những bất thường bẩm sinh của đốt sống và cột sống, do loạn dưỡng xương hoặc do chấn thương. Ở trường học, do sự sai lệch tư thế (ngồi học với bàn ghế không phù hợp; mang cặp sách quá nặng về một bên tay, vai; chiếu sáng kém); do thói quen tư thế xấu (đi, đứng, ngồi không đúng tư thế).

Hệ quả của căn bệnh này sẽ gây lệch trọng tâm cơ thể, khiến học sinh ngồi học không được ngay ngắn, gây cản trở cho việc đọc, viết và làm căng thẳng thị giác, cản trở cho việc tập trung trí não. Cong, vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của khung chậu, do đó ảnh hưởng đến việc sinh nở của học sinh nữ khi đến tuổi làm mẹ sau này.

Để phòng chống bệnh cận thị và cong vẹo cột sống ở học sinh, nhà trường cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phòng chống 2 bệnh này; cải thiện điều kiện vệ sinh phòng học (đảm bảo đủ ánh sáng cho các phòng học, sắp xếp bàn ghế phù hợp). Đồng thời, các gia đình cần nâng cao sức khỏe cho trẻ (như có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường các hoạt động thể lực, đảm bảo thời gian ngủ, nghỉ ngơi); giữ gìn vệ sinh thị giác (tránh gây quá tải mắt, đảm bảo tốt chiếu sáng, đảm bảo khoảng cách nhìn gần và khoảng cách xem ti vi bằng 7 lần độ rộng màn hình; tăng cường hoạt động ngoài trời. Đặc biệt, các gia đình phải theo dõi để giữ gìn tư thế đúng cho trẻ; không để trẻ mang vác vật nặng một bên tay, sử dụng cặp sách 2 quai; không đi dép quá cao; ngồi học ngay ngắn, đúng tư thế...

Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ em tiểu học nhiễm giun đũa và giun tóc chiếm cao nhất trên cả nước (có nơi nhiễm trên 95%). Ở trẻ em, nhiễm giun sán trở thành một cản trở lớn cho sự phát triển cả về thể lực và trí lực của học sinh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm giun sán là do sự ăn uống và sinh hoạt không hợp vệ sinh..


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc