Vẫn còn khan hiếm vắc-xin dịch vụ 6 trong 1

06:40, 06/08/2015
|
VnMedia) - Đó là khẳng định của PGS.TS.Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế bên lề buổi họp báo thông tin về tình kết quả triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi-rubella diễn ra mới đây.

 

Theo đó, ông Phu cho biết, tình trạng khan hiếm vắc xin dịch vụ 6 trong 1 sẽ còn tiếp diễn cho đến năm 2016.

 

Trao đổi với phóng viên, ông Phu cho biết, tình trạng khan hiếm vắc xin “6 trong 1” hiện chưa có để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng dịch vụ cho người dân. Nguyên nhân là do nhà sản xuất thay đổi dây chuyền sản xuất, lô sản xuất vắc xin bị hỏng… dẫn tới hiện tượng thiếu vắc xin.

 

Ông Phu cũng cho biết, trước nguy cơ khan hiếm vắc xin, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã có yêu cầu nhà sản xuất phải công bố số lượng vắc xin có thể cung ứng được trong năm 2015 để thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.

 

Kết quả cho thấy, loại vắc-xin tiêm chủng dịch vụ như vắc xin “6 trong 1” và "5 trong 1" chỉ đáp ứng được 100.000 trẻ trong khi Việt Nam có tới 1,6 triệu trẻ.

 

Được biết, thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các điểm tiêm chủng dịch vụ phải có vắc xin tổng hợp Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vắc-xin này sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ. Điều này đem lại quyền lợi của trẻ em. Theo đó, Hà Nội đã có 20.000 trẻ được tiêm vắc xin tổng hợp Quinvaxem ở điểm tiêm chủng dịch vụ.
 

Ông Phu cho biết, hiện nhiều người dân nhầm lẫn cho rằng vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc-xin nội. Vắc xin dịch vụ là vắc xin ngoại, điều này chưa chính xác. Vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng cũng có nhiều loại vắc-xin ngoại, ngược lại, vắc xin dịch vụ cũng sử dụng vắc xin do trong nước sản xuất.


  
  Ảnh minh họa

 Vắc xin 6 trong 1 tiếp tục khan hiếm. Ảnh minh họa.

 

Theo khuyến cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), tiêm chủng là cách tốt nhất để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em.

Để chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần lưu ý:


- Cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.


- Cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.


- Các bậc cha mẹ nên chú ý và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc... kéo dài trên 1 ngày.


- Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như: sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái... các bà mẹ cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.


- Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng.


- Khi trẻ sốt cao, các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.


- Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp, như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.

 

Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.

Khi nào không nên đưa trẻ đi tiêm chủng?

   

Trong một số trường hợp việc tiêm chủng có thể gây ra những phản ứng nguy hiểm cho trẻ. Những trường hợp sau không nên tiêm chủng cho trẻ:

 

- Trẻ đang sốt cao.  


- Trẻ đang mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính.
 


- Đang bị viêm da mủ, hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).
 


- Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi, tràn dịch (có nước) màng phổi..., nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính ...).
 


- Trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, nhưng còn đang trong thời kỳ hồi sức.

 

Để giúp theo dõi và tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, các bậc cha mẹ cần để lịch tiêm chủng được treo ở vị trí dễ nhìn để cha mẹ không bỏ sót mũi tiêm nào của con.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc