Những lợi ích của sữa mẹ có thể bạn chưa biết

08:47, 02/08/2015
|

(VnMedia) - Bác sĩ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ được bú mẹ thường phát triển khỏe mạnh hơn, thông minh hơn và có hệ miễn dịch hoàn chỉnh hơn. Trên thực tế, mỗi giọt sữa mẹ chứa hàng triệu tế bào bạch cầu giúp kích thích miễn dịch. Bú mẹ mang lại lợi ích toàn diện và ảnh hưởng tới sự phát triển của rất nhiều hệ cơ quan trên cơ thể trẻ.

Vì sao sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ em nhất là trẻ?  

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng cho biết, sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ, vì trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỷ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ.  Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng nguy cơ suy dinh dưỡng.
  
Sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Trong sữa mẹ có kháng thể là yếu tố bảo vệ cơ thể trẻ mà không một thức ăn nào có được. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh.

Trẻ bú mẹ ít bị dị ứng, eczema như ăn sữa bò.

Cho con bú sữa mẹ sẽ thuận lợi và kinh tế vì không phụ thuộc và giờ giấc, không cần phải chế biến, không cần dụng cụ pha chế, mà lại rất tiện lợi. Trẻ bú sữa mẹ sẽ thuận lợi, kinh tế hơn nhiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái sẽ có đủ sữa cho con bú.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp gắn bó tình mẫu tử, người mẹ có nhiều thời gian gần gũi tự nhiên, đó là yếu tố tâm lý quan trọng giúp cho việc phát triển hài hoà của đứa trẻ.

Cho con bú góp phần kế hoạch hóa sinh đẻ và giảm tỷ lệ ung thư vú.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

                                        
Lợi ích khi trẻ bú sữa mẹ
                                                            
Bác sĩ Trần Thu Thủy, trẻ bú mẹ có lợi hơn khi trẻ bú bình, trẻ phát triển tốt, khỏe mạnh và phòng chống được nhiều bệnh tật từ khi nhỏ đến khi trưởng thành:

Não: Trẻ bú sữa mẹ có chỉ số IQ cao hơn (cholesterol và các chất béo khác trong sữa mẹ giúp hỗ trợ sự phát triển của mô thần kinh).

Mắt: Trẻ bú sữa mẹ có thị lực tốt hơn. 

Tai: Trẻ bú sữa mẹ ít bị nhiễm trùng tai hơn.

Miệng: Trẻ bú mẹ từ 1 năm trở lên ít phải điều trị chỉnh rang hơn. 

Họng: Trẻ bú mẹ ít phải cắt amiđan hơn.

Hệ hô hấp: Trẻ bú mẹ ít bị nhiễm trùng hô hấp trên hơn và nếu bị thì nhẹ hơn. Trẻ ít khò khè, ít viêm phổi và cúm hơn.

Tim mạch -  nhịp tim thấp hơn: Trẻ bú mẹ có thể có hàm lượng cholesterol thấp hơn khi trưởng thành.

Hệ tiêu hóa - ít tiêu chảy, ít nhiễm trùng dạ dày ruột hơn. Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng trở lên làm giảm nguy cơ dị ứng thực phẩm. Nguy cơ bị viêm loét đại tràng cũng giảm khi trẻ đến tuổi trưởng thành.

Hệ miễn dịch -  bé bú mẹ đáp ứng tốt hơn với tiêm chủng phòng bệnh. Sữa mẹ giúp hệ miễn dịch của trẻ trưởng thành tốt hơn và làm giảm nguy cơ ung thư thời kỳ niên thiếu.

Hệ nội tiết: Trẻ bú mẹ giảm nguy cơ tiểu đường.

Thận:  Với lượng muối và protein thấp hơn, sữa mẹ làm giảm gánh nặng lên thận.

Hệ tiết niệu: Trẻ bú mẹ ít nhiễm trùng hơn

Cơ khớp: Trẻ bú mẹ ít bị viêm khớp dạng thấp .

Da: Trẻ bú mẹ ít bị chàm dị ứng hơn.

Tăng trưởng - bé dưới 1 tuổi mảnh mai hơn và ít bị béo phì về sau.

Ruột: Trẻ bú mẹ ít bị táo bón, đi ngoài phân đỡ gắt mùi hơn.   

Những yếu tố làm giảm tiết sữa mẹ

- Cho con bú chậm sau đẻ  2-3 ngày.
- Mẹ bị bệnh: suy tim, lao, thiếu máu, suy dinh dưỡng.
- Mẹ quá trẻ <18 tuổi, tuyến vú chưa trưởng thành, kém tiết sữa.
- Mẹ không tăng cân đủ khi mang thai.
- Mẹ dùng thuốc ức chế tiết sữa:aspirin, kháng sinh, chống dị ứng.
- Mẹ lao động nặng.
- Mẹ lo âu, buồn phiền.
- Khoảng cách cho bú quá dài.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc