Dấu hiệu, nguyên nhân gây bệnh động kinh

08:08, 16/08/2015
|

(VnMedia) - Theo Tổ chức Y tế thế giới động kinh là một bệnh mạn tính có nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc trưng là sự lặp đi lặp lại các cơn co giật do sự phóng điện quá mức của tế bào thần kinh não bộ, dù cho các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng kết hợp có thể khác nhau.

Tại Hội nghị Động kinh toàn quốc lần thứ nhất tổ chức ngày 15/8 tại thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Động kinh không phải là vấn đề tâm thần. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 450.000 người bệnh động kinh. Từ trước đến nay, đối tượng này ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức như ở các nước phát triển. Trên thực tế, nếu chăm sóc hiệu quả thì 70% người động kinh có thể kiểm soát bệnh của họ và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Anh Nhị, Chủ tịch Hội Thần kinh học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở Việt Nam, động kinh là một trong số những bệnh thần kinh được phát hiện đầu tiên. Động kinh đứng thứ hai về mức độ phổ biến trong các loại bệnh thần kinh và ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Trong thời gian qua, ở nước ta chưa có những hội nghị lớn chuyên ngành bàn về bệnh lý động kinh. Do đó, hội nghị lần này có ý nghĩa làm rõ những nội dung và quan điểm về bệnh này. 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, qua khảo sát nghiên cứu, người dân còn xem người động kinh là người bệnh tâm thần, trẻ động kinh kém trong học tập, người động kinh không nên sinh con... Thậm chí, một số người còn cho rằng bệnh động kinh là do ma ám, bùa yểm... Do đó, ngành y tế cần phải tuyên truyền về bệnh này để người động kinh được quan tâm và hưởng các quyền lợi như những người bình thường. 

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đang xây dựng nhiều chương trình chăm sóc và chẩn đoán hiệu quả bệnh lý này. Các nội dung trong khuôn khổ hội nghị lần này sẽ giúp Bộ Y tế xây dựng ý tưởng và hành động giúp cho người bệnh động kinh. Mới đây, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề xuất xây dựng trung tâm điều trị bệnh động kinh. Ý tưởng này Bộ sẽ sớm xem xét và trên tinh thần hoàn toàn ủng hộ chủ trương này.

Ảnh minh họa

70% người bệnh động kinh có thể kiếm soát được. Ảnh minh họa.



Dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh động kinh

Dễ thấy nhất là các cơn co cứng giật tay chân, sùi bọt mép, bất tỉnh do các cơn phóng điện quá mức lặp đi lặp lại của tế bào thần kinh não bộ. Ở trẻ em có thêm các biểu hiện cơn co giật riêng biệt. Trong cơn có thể có nhiều thể loại cơn.
Các triệu chứng biểu hiện cơn co giật động kinh khác nhau tùy vào vị trí xuất phát các cơn phóng điện.
Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến cơn co giật:
- Chấn thương đầu ảnh hưởng não bộ trong lúc sinh đẻ, 
-  Dị dạng mạch máu trong não, 
- Di chứng tổn thương viêm, nhiễm ký sinh trùng não bộ,
- U não,
- Chấn thương sọ não,
-  Di chứng sau tai biến mạch máu não
- Và các cấu trúc bất thường khác ở não bộ.

Xử lý cơn co giật

Nhanh chóng dùng vật dụng thích hợp đặt giữa 2 hàm răng tránh người bệnh cắn lưỡi, giữ đầu nghiêng sang một bên đồng thời nới lỏng quần áo người bệnh., trực tiếp giữ tư thế người bệnh thoải mái, không cố định quá chặt. Chuyển tới Khoa Cấp cứu bệnh viện gần nhất.

Không vắt nước chanh nhỏ vào miệng bệnh nhân vì không có tác dụng cắt cơn và nước chanh sẽ chảy vào khí quản gây khó thở. Hút, lau đàm nhớt.

Theo dõi “trông chừng liên tục”, rất cần tiếp xúc thân mật ngay sau khi người bệnh ra khỏi cơn co giật vì lúc này người bệnh chưa tỉnh hẳn dễ có hành vi vô ý gây nguy hiểm và tạo ra cảm giác an toàn hết đau đớn sợ sệt và bất hạnh.

Nếu cơn co giật xảy ra liên tục (động kinh liên tục ) phải điều trị cấp cứu tại các bệnh viện có chuyên khoa và đầy đủ trang thiết bị cấp cứu.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc