Ai cần tiêm insulin điều trị bệnh tiểu đường?

17:35, 31/08/2015
|

(VnMedia) - Insulin là một hoóc-môn có tác dụng làm giảm đường máu do tế bào beta tụy tiết ra. Insulin được tụy tiết ra liên tục 24 giờ trong ngày. Ngoài ra, insulin còn được tiết theo nhu cầu từng lúc của cơ thể. Sự tăng đường máu sẽ kích thích tụy sản xuất insulin, nhất là tăng đường máu sau các bữa ăn.

Khi đường máu giảm, hoặc khi đói thì tụy sẽ giảm tiết insulin. Ngoài ra, tụy luôn tiết một lượng insulin tối thiểu để duy trì chuyển hóa cơ bản gọi là insulin nền. Nhu cầu insulin trong 24 giờ ở người bình thường là 0,7-0,8 đơn vị/kg.

Insulin là một protein (chất đạm) nên khi uống vào đường tiêu hóa sẽ bị phân hủy, vì vậy phải dùng theo đường tiêm. Các loại insulin uống và xịt qua đường hô hấp vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Khoảng một phần ba số người bệnh đái tháo đường týp 2 buộc phải sử dụng insulin để duy trì lượng glucose máu ổn định. Tỷ lệ này sẽ ngày càng tăng do thời gian mắc bệnh ngày càng được kéo dài.

Duy trì mức glucose máu gần như mức độ sinh lý, đã được chứng minh là cách tốt nhất để phòng chống các bệnh về mạch máu, làm giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người đái tháo đường.  Do vậy, cần giải thích cho người bệnh hiểu và yên tâm với phương pháp điều trị phối hợp với insulin, hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi khi dùng insulin. Đồng thời, chọn bút tiêm hoặc bơm tiêm phải phù hợp với loại insulin (1ml = 100 đơn vị hay 1ml = 40 đơn vị; 1ml = 50 đơn vị insulin).

  Ảnh minh họa

 Dùng insulin để trị bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa.



Ai phải dùng insulin để trị bệnh?

Tất cả các loại insulin đều được dùng để điều trị cho mọi thể đái tháo đường.

Bệnh nhân đái tháo đường type 1 bắt buộc phải sử dụng insulin để điều trị.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường type 2 cần được điều trị bằng insulin khi:
- Trong trường hợp cấp cứu: tiền hôn mê, hôn mê do đái tháo đường.
- Bệnh nhân sút cân nhiều, suy dinh dưỡng, bệnh nhiễm khuẩn kèm theo.
- Chuẩn bị can thiệp phẫu thuật, trong thời gian phẫu thuật.
- Có biến chứng nặng do đái tháo đường: bệnh lý võng mạc, suy gan, suy thận nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh lý tim mạch nặng.
-  Khi dùng thuốc uống với liều tối đa không có tác dụng.
Bệnh nhân là phụ nữ có thai.

Tốt nhất là tiêm insulin trước bữa ăn. Tùy từng loại insulin mà thời gian từ khi tiêm đến khi ăn là khác nhau. Thông thường thời điểm phải ăn là khi insulin bắt đầu có tác dụng.

Các loại insulin được sử dụng trong điều trị đái tháo đường

Nồng độ insulin theo số đơn vị trong 1ml:

- Loại dùng cho bơm tiêm: 1ml có 40 đơn vị đóng trong lọ nhỏ 10ml (400 đơn vị/lọ).
- Loại dùng cho bơm tiêm: 1ml có 100 đơn vị đóng trong lọ nhỏ 10ml (1000 đơn vị/lọ).
- Loại dùng cho bút chích: 1ml có 100 đơn vị đóng trong ống 3ml (300 đơn vị/ống).

Khi mua insulin cần xem kỹ nồng độ insulin và tổng lượng insulin có trong lọ.

Phân loại insulin theo thời gian tác dụng:

- Loại insulin nhanh: Thời gian bắt đầu có tác dụng (sau 30 phút); Thời gian có tác dụng cực đại (sau tiêm 2 - 4 giờ); Thời gian hết tác dụng (sau tiêm 6 - 8 giờ).

- Loại insulin bán chậm: Thời gian bắt đầu có tác dụng (sau 30 - 60 phút); Thời gian có tác dụng cực đại (sau tiêm 4 - 8 giờ); Thời gian hết tác dụng (sau tiêm 6 - 8 giờ).

- Loại insulin trộn sẵn nhanh và bán chậm: Thời gian bắt đầu có tác dụng (sau 30 phút); Thời gian có tác dụng cực đại (sau tiêm 4 - 8 giờ); Thời gian hết tác dụng (sau tiêm 16 giờ).

- Loại insulin chậm: Thời gian bắt đầu có tác dụng (sau 1 - 2 giờ); Thời gian có tác dụng cực đại (sau tiêm 4 - 8 giờ); Thời gian hết tác dụng (sau tiêm 24 - 36 giờ).

- Loại insulin có tác dụng ngắn: Thời gian bắt đầu có tác dụng (sau 5 phút); Thời gian có tác dụng cực đại (sau tiêm 1 - 2 giờ); Thời gian hết tác dụng (sau tiêm 3 giờ).

Tác dụng khi dùng insulin

Nhìn chung insulin rất ít độc nhưng cũng có thể gặp các tác dụng không mong muốn sau:
- Hạ đường huyết: thường gặp khi tiêm insulin quá liều, hoặc tiêm insulin xong nhưng ăn muộn hoặc bỏ bữa ăn.
- Dị ứng: có thể xuất hiện sau khi tiêm lần đầu hoặc sau nhiều lần tiêm insulin, tỉ lệ dị ứng nói chung thấp.
Phản ứng tại chỗ tiêm. Ngứa, đau, cứng hoặc u mỡ vùng tiêm. Để tránh tác dụng phụ này, nên thay đổi vị trí tiêm thường xuyên và các mũi tiêm cách nhau 3 - 4cm (hoặc 2 - 3 khoát ngón tay).


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc