Khoảng 4.000 người tử vong do hen phế quản mỗi năm

06:47, 29/07/2015
|

(VnMedia) - Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết một thực tế hết sức đáng lo ngại là bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang ngày một gia tăng.

Thực tế, có rất nhiều người tử vong do hen. Tuy nhiên, theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hen” do Bộ Y tế ban hành, hen hoàn toàn có thể được kiểm soát.

Cũng theo giáo sư Nhung, đa số người tử vong do hen vì họ thiếu hiểu biết về bệnh, không được điều trị dự phòng và khi cơn hen lên đã không được cấp cứu theo đúng phác đồ.

Kết quả nghiên cứu mới nhất ở Việt Nam, tỷ lệ mắc hen phế quản là 3,9% dân số, tức là cả nước có gần 4 triệu người mắc bệnh hen​, trong đó mỗi năm có khoảng 3.000-4.000 người chết mỗi năm.

Chi phí trực tiếp cho điều trị người bệnh tại bệnh viện lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, chưa kể những chi phí gián tiếp do nghỉ làm, nghỉ học, giảm năng suất lao động. Đồng thời, số người kiểm soát tốt bệnh hen chỉ chiếm 5% đến 10%.

Các nghiên cứu cho thấy đa số người mắc bệnh hen có thể sống bình thường hoặc gần bình thường; các chi phí cho bệnh hen có thể giảm một nửa, có thể ngăn ngừa từ 70-80% các trường hợp tử vong do hen nếu người bệnh được phát hiện, điều trị, quản lý và dự phòng đúng hướng.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh hen ngày một gia tăng như ô nhiễm môi trường, chất thải công nghiệp, nhiễm trùng (do virus), nấm mốc, sử dụng thuốc và hóa chất tùy tiện, nhịp sống căng thẳng nhiều stress... Điều này cũng lý giải tại sao tỷ lệ người mắc bệnh hen ở Hà Nội cao hơn trung bình dân số cả nước.

Bên cạnh đó, đa số người mắc bệnh và cộng đồng còn coi thường và không quan tâm đúng mức đến việc chủ động kiểm soát hên một cách khoa học.

Ảnh minh họa



Triệu chứng

Bệnh hen phế quản, còn được gọi bệnh suyễn là bệnh khó thở từng cơn do co thắt phế quản kèm tăng tiết dịch, nguyên nhân do nhiều dị nguyên kích thích như phấn hoa, lông chó mèo, nấm mốc, bụi các loại…

Bệnh có thể có yếu tố di truyền, không do vi khuẩn trực tiếp gây nên nhưng các viêm nhiễm hô hấp mạn tính đường hô hấp có thể phối hợp dẫn đến cơn hen. Yếu tố thời tiết như đổi mùa, thay đổi thời tiết, nhiễm lạnh, mưa phùn gió bấc ẩm ướt là những yếu tố cho cơn hen khởi phát.

 Triệu chứng chủ yếu của hen Phế quản:  Ho, khó thở, nặng ngực tái đi tái lại nhiều lần,hay gặp về đêm khuya, nửa đêm về sáng. Do phế quản tăng tiết dịch nhầy và co thắt các cơ phế quản nên rất khó thở, đặc biệt khó thở ra. Khó thở tạo thành tiếng rít, như tiếng cò cử, không cần ống nghe của bác sĩ, người bệnh và người bên cạnh tự nghe thấy tiếng rít khó thở này. Cơn khó thở tùy nặng nhẹ có thể từ 5-10 phút cho đến hàng giờ. Sau đó tự lui dần với cơn ho, khạc đờm trong đặc quánh. Đây vừa là triệu chứng vừa là tất cả phiền toái của bệnh cần điều trị, nên chữa hen phế quản thực chất là chữa cơn khó thở. Hiếm gặp hơn là cơn hen ác tính khó thở trầm trọng, có khi ngừng thở, tím tái, hạ huyết áp dẫn đến tử vong.

Cách phòng bệnh hen phế quản

- Tránh xa các dị nguyên gây dị ứng như thức ăn gây dị ứng, phấn hoa có mật độ cao trong mùa hoa nở rộ, các loại bụi khói, khói thuốc lá, lông chó mèo và các loại sợi bông, sợi nhân tạo của chăn, đệm, thảm trải nhà. Cũng nên tránh những stress để khỏi bị những cảm xúc bất lợi dẫn đến cơn khó thở.

- Kiên trì rèn luyện là tập thở: Động tác tập thở cũng đơn giản nhưng cũng phải kiên trì: tập thở bụng, dùng co giãn của cơ hoành để hít vào được sâu nhất, nhiều oxy nhất và khi thở ra tống được hết khí cặn ra ngoài. Mỗi ngày dành ra 2 – 3 lần, mỗi lần 20-30 phút tập thở ở nơi thoáng khí, yên tĩnh, thế là “thiền”, là phòng được bệnh và cải thiện được sức khỏe.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các bệnh không lây nhiễm hiện nay là gánh nặng đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Hầu hết các bệnh không lây nhiễm không thể chữa khỏi, khi đã mắc thì sẽ phải điều trị suốt đời. Tuy nhiên, những bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc