Cách sơ cứu khi trẻ bị sặc cháo

07:21, 02/07/2015
|

(VnMedia) - Sặc cháo khi ăn là một tai nạn dị vật đường thở hay gặp ở trẻ em. Nguyên nhân thường gặp là do mẹ hoặc người giữ trẻ cho trẻ ăn không đúng tư thế, do ép trẻ ăn khi trẻ đang khóc.

Tuần qua, Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận một trường hợp trẻ Ng. Th. T. 9 tháng tuổi, ngụ tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, trong tình trạng gồng giật, tím tái. 

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước lúc nhập viện 3 giờ, trẻ được người nhà đút cháo cho ăn trong khi trẻ đang khóc, trẻ bị ho sặc sụa, tím tái, được người nhà hút mũi miệng, sau đó đưa trẻ nhập bệnh viện địa phương sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.

Tại đây, ghi nhận trẻ tím tái, gồng toàn thân, thở không hiệu quả. Được các bác sĩ cấp cứu đặt nội khí quản giúp thở, chống co gồng. Xét nghiệm cấp cứu khí máu động mạch ghi nhận trẻ bị thiếu oxy máu nặng, Xquang phổi có hình ảnh thâm nhiễm lan toả 2 phế trường.

Trẻ được đưa vào khoa Hồi sức tích cực để hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh các rối loạn nước điện giải, toan kiềm và dùng kháng sinh điều trị viêm phổi hít. Kết quả sau 1 tuần điều trị tình trạng của trẻ cải thiện dần, bé tỉnh táo, được cai máy thở và không cần thở oxy nữa.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi trẻ bị sặc cháo nếu không được sơ cứu kịp thời trẻ bị ngạt có thể chết trong vài phút.


Ảnh minh họa

Trẻ sặc cháo không sơ cứu kịp thời nguy cơ tử vong cao. Ảnh minh họa.

Dấu hiệu nhận biết trẻ sặc cháo

Bé đang ăn đột ngột ho sặc sụa, khó thở tím tái, hai mắt trợn ngược không khóc được. Khi thấy có dấu hiệu này, cần nghĩ ngay đến bé bị sặc cháo và sơ cấp cứa kịp thời.

Sơ cứu khi trẻ bị sặc cháo

-Ngay khi phát hiện trẻ sặc, khó thở, tím tái, cần nhanh chóng đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay.

-Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh 5 cái liên tiếp vào lưng trẻ, ở giữa hai xương bả vai.

-Sau đó, lật bé lại quan sát. Nếu thấy trẻ khóc được, hết tím tái, chuyển nhanh đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

-Nếu trẻ vẫn còn tím tái, ấn ngực trẻ bằng cách dùng ngón trỏ và ngón giữa ấn vào nửa dưới xương ức, Ấn mạnh xuống 5 cái liên tiếp, sau đó quan sát, nếu còn khó thở thì làm lại động tác 2. Làm 6 lần liên tiếp, kinh nghiệm cho thấy nếu làm đúng kỹ thuật, chỉ cần làm 1 - 2 lần là dị vật bị tống ra ngoài. Nếu trẻ hồng hào, chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để bác sĩ tiếp tục theo dõi.

-Trường hợp trẻ ngưng tim, ngưng thở, cần nhanh chóng tiến hành thổi ngạt và ấn tim. Thổi ngạt bằng cách để trẻ nằm ngửa, ngửa đầu trẻ ra nhằm làm cho đường thở thông thoáng.

Sau khi hít một hơi thật sâu, người cấp cứu áp miệng luôn qua mũi và miệng trẻ thổi mạnh vào. Trong lúc thổi, quan sát lồng ngực trẻ có lên xuống hay không, nếu có thì chứng tỏ đã làm đúng kỹ thuật, đường thở thông thoáng. Thổi liên tiếp hai cái.

Ấn tim: Dùng 2 ngón cái đặt chồng lên nhau, các ngón khác ôm ngực bé, đặt dưới đường nối hai vú. Ấn 100 lần/phút. Nếu kết hợp thổi ngạt và ấn tim, thực hiện 5 lần ấn tim và 1 lần thổi ngạt (trước đó đã thổi 2 cái). Vừa tiến hành thao tác, vừa chuyển bé đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

Lưu ý: Trên đường chuyển viện không được lúc nào ngưng ấn tim và thổi ngạt, bởi nếu không làm, não sẽ thiếu ôxy, không cấp cứu được.

Biện pháp phòng tránh

Qua trường hợp cụ thể nêu trên, bác sĩ khuyến cáo đến các bậc phụ huynh, người giữ trẻ một số việc liên quan đến cách cho ăn để tránh không bị sặc như sau:

- Tránh đút cho trẻ ăn khi trẻ đang khóc
- Mỗi lần cho trẻ từng ít một, vừa khả năng nhai nuốt của trẻ
- Động viên, khuyến khích trẻ ăn, tránh “hăm dọa” “đe nẹt” trẻ làm trẻ sợ, mất phổi hợp động tác nuốt gây sặc thức ăn vào đường thở
- Sau khi cho trẻ ăn xong cần để đầu cao, tránh cho trẻ hoạt động mạnh.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc