Bảo hiểm y tế "bao phủ" 71,4% dân số

07:18, 02/07/2015
|

(VnMedia) - Chiều 1/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị toàn quốc về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế sau 6 tháng triển khai Luật Bảo hiểm y tế mới.

Bảo hiểm y tế "bao phủ" 71,4% dân số

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.

Để góp phần vào kết quả trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai hàng loạt biện pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi từ 4-7 giờ còn 2-4 giờ; ứng dụng CNTT trong quản lý KCB và thanh toán BHYT…

Nhưng cũng còn nhiều vướng mắc để thực hiện mục tiêu đạt 75% dân số tham gia BHYT vào cuối 2015. Nhiều nơi “đẩy” nhiệm vụ này cho ngành y tế và cơ quan BHXH, chưa xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như một chỉ tiêu phát triển ở địa phương. Người dân thiếu thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Thủ tục, quy trình đăng ký, lập danh sách tham gia BHYT còn phiền hà. Chất lượng KCB BHYT chưa hấp dẫn, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế còn hạn chế

Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh, điều đáng chú ý là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình đã có sự gia tăng theo hướng tích cực.

Theo đó, nếu so với thời điểm cuối năm 2014, số người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tăng hơn 400.000 người, tương đương 5,4%, chứng tỏ chính sách, pháp luật mới về bảo hiểm y tế đã dần đi vào cuộc sống và được người dân chấp nhận.

Cùng với việc chủ động, tích cực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, công tác thu bảo hiểm y tế cũng được chú trọng, tính đến ngày 31/5, số thu bảo hiểm y tế được gần 19.600 tỷ đồng, đạt 33,8% kế hoạch, tương đương quỹ bảo hiểm y tế được sử dụng trên 17.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh, việc phát triển đối tượng tham gia và thu bảo hiểm y tế theo quy định mới của Luật cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu 75% dân số có bảo hiểm y tế trong năm nay, cần phát triển khoảng 3,2 triệu người (tương đương 3,6% dân số cả nước), trong đó hầu hết là những người có thu nhập không ổn định hoặc phụ thuộc về tài chính, sẽ gặp nhiều khó khăn khi tham gia bảo hiểm y tế nếu không có cơ chế hỗ trợ thích hợp và hiệu quả.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế các địa phương không đồng đều, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Theo thống kê, đến hết tháng Năm năm nay, có 31 địa phương có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt dưới 70% dân số toàn tỉnh; trong đó có đến 15 tỉnh, thành phố mới bao phủ được dưới 60% dân số. Đặc biệt, có 8 địa phương gồm: An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ bao phủ Bảo hiểm Y tế được trên 55% dân số của tỉnh.

Cũng theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính tuân thủ pháp luật trong việc tham gia bảo hiểm y tế của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp, người sử dụng lao động và một số nhóm đối tượng thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế chưa cao. Theo thống kê, hiện có tới trên 40% doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm y tế cho người lao động; một số tỉnh trên 20% học sinh-sinh viên, trong đó chủ yếu là sinh viên từ năm học thứ hai của các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chưa tham gia bảo hiểm y tế…


Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo.

Không quyết liệt khó đạt mục tiêu

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phải xem xét từng nhóm đối tượng, để tìm hiểu nguyên nhân chưa đạt mục tiêu. Nếu còn vướng mắc, sẽ tháo gỡ tiếp bằng sửa đổi văn bản, kể cả tỉ lệ miễn giảm và Chính phủ sẽ ủng hộ, để đến hết 2015 có tối thiểu 75% dân số tham gia BHYT.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: BHXH cần đặc biệt chú trọng giải pháp về thuế trong việc thu BHYT ở doanh nghiệp, để hạn chế nợ BHYT ở các doanh nghiệp; phải mở rộng bán BHYT như các loại hình bảo hiểm khác và đề nghị các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ, tuyên truyền qua mạng và có nhiều biện pháp khuyến khích người mua. Cần mở rộng cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh theo BHYT, ở các cơ sở y tế công lập cũng như ngoài công lập; rà soát bảng biểu giá cả, để tạo công bằng giữa khám BHYT và dịch vụ.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Tin học hóa không chỉ phục vụ cho thanh toán BHYT mà sau này tất cả các dịch vụ về y tế, kể cả y tế dự phòng lẫn y tế điều trị đều qua hệ thống này. Chúng ta đặt thời hạn đến 31/12/2015 toàn bộ hệ thống y tế của Việt Nam phải được tin học hóa và nối mạng”, Phó Thủ tướng nói.

Năm 2015: Mục tiêu bao phủ 75% dân số có thẻ bảo hiểm y tế  

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Để đạt mục tiêu bao phủ 75% dân số có thẻ bảo hiểm y tế trong năm 2015, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; tập trung chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp dưới 60%; tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đối với một số nhóm đối tượng.

 Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất phương thức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo hướng vừa hỗ trợ mức đóng vừa giảm mức đóng khi toàn bộ thành viên trong gia đình tham gia bảo hiểm y tế.

UBND tỉnh, thành phố huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế còn lại cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; đẩy nhanh việc xác định và lập danh sách hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015 để cơ quan bảo hiểm xã hội có căn cứ bán thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp để tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp; bảo đảm 100% người lao động trong các nhà máy, công trường, xí nghiệp, khu công nghiệp được tham gia bảo hiểm y tế và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

Đối với nhóm học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển bảo hiểm y tế tại mỗi cơ sở giáo dục đào tạo; đề xuất nâng mức cho vay ưu đãi và thực hiện các giải pháp mở rộng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên, phấn đấu trong năm 2015 đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế...

Mặt khác, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nói chung; tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình nói riêng theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế; giảm bớt các thủ tục cho người tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức hộ gia đình...


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc