Trên 65% trẻ em làng tái chế ắc quy bị nhiễm độc chì

07:22, 29/05/2015
|

(VnMedia) Kết quả lấy mẫu xét nghiệm nồng độ chì máu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế trong 2 ngày 16-17/5/2015 cho 618 người, (trong đó 283 người lớn và 335 trẻ em), trong 317/335 trẻ em đã có kết quả xét nghiệm có tới 207 (chiếm 65,3%) trẻ bị ngộ độc chì ở mức độ nhẹ (có nồng độ chì máu từ 10 - 44,9 µg/dL), chỉ có 110 trẻ (chiếm 34,7%) không bị ngộ độc chì (có nồng độ chì máu < 10 µg/dL).

Tổ chức y tế thế giới WHO đã xác định chì là một trong 10 hóa chất cần quan tâm nhất đối với sức khỏe cộng cộng, các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe của người lao động, trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Nhiễm độc chì gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là cho trẻ em. Khi bị nhiễm độc Chì nặng, Chì tấn công não và hệ thống thần kinh trung ương gây hôn mê, co giật và thậm chí tử vong. Trẻ em sống sót sau nhiễm độc chì nghiêm trọng có thể để lại di chứng chậm phát triển tâm thần và rối loạn hành vi. Ở mức độ nhiễm độc chì nhẹ thì không gây ra ngay triệu chứng cấp tính rõ ràng, mà tạo ra một loạt các thương tổn mãn tính trên nhiều hệ thống cơ quan của cơ thể.

Đặc biệt là chì ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ em dẫn đến giảm chỉ số thông minh (IQ), thay đổi hành vi như rút ngắn khoảng chú ý và tăng hành vi chống đối xã hội và giảm trình độ học vấn, nhiễm độc chì cũng gây thiếu máu, tăng huyết áp, suy thận, giảm miễn dịch và giảm khả năng sinh sản. Các ảnh hưởng về thần kinh và hành vi do chì không thể hồi phục được.

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra
một cơ sở tái chế chì rác thải ở thôn Đông Mai

Khẩn trương di dời 13 hộ dân ra khỏi làng nghề tái chế chì

Trước thông tin kết quả xét nghiệm phát hiện hàng trăm trẻ em ở làng nghề Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm,  tỉnh Hưng Yên) bị nhiễm độc chì. Ngày 28/5, Bộ Y tế đã tiến hành thị sát kiểm tra tình hình thực tế  ô nhiễm ở làng nghề này, và yêu cầu di dời ngay 13 hộ dân làm nghề tái chế chì ra khỏi làng nghề Đông Mai.

Tại buổi kiểm tra Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian vừa qua mặc dù các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương có nhiều cố gắng trong việc cải tạo tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng trong đợt kiểm tra sáng nay tình trạng ô nhiễm chì tại thôn Đông Mai vẫn đang ở mức đáng báo động. Trước đây thôn Đông Mai có khoảng 400 hộ gia đình làm nghề sản xuất tái chế chì, đến nay chỉ còn lại 13 hộ gia đình sản xuất tái chế chì rải rác, xen lẫn trong dân cư, các cơ sở khác đã được di dời và cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai.

Hiện tại 13 hộ chưa di dời vẫn tiếp tục gây tình trạng nhiễm độc chì đối với người thân trong gia đình, thậm chí cho cộng động và những người dân sống xung quanh, điều này được thể hiện qua kết quả lấy mẫu kiểm tra giám sát của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế vào tháng 12/2014: Nước tại các kênh và rãnh thoát nước có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 1000 lần theo QCVN 08:2008/BTNMT về chất lượng nước bề mặt; Không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn cho phép trong đó 3/5 mẫu không đạt theo TCVN 05:2009, 02/5 mẫu không đạt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn tại QĐ 3733-2002 BYT; Đất tại hộ gia đình và vườn trong thôn có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 10-16 lần theo QCVN 03:2008/BTNMT về giới hạn cho phép của kim loại nặng trong đất; Rau có hàm lượng chì cao hơn giá trị giới hạn cho phép 1,3 lần theo QCVN 8-2:2011/BYT đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm.


Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thăm hỏi tình hình sức khỏe của một hộ gia đình ở thôn Đông Mai
.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường, để bảo vệ sức khỏe người dân thôn Đông Mai khỏi tình trạng nhiễm độc chì, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chính quyền địa phương cần có các biện pháp khẩn trương, tích cực để di dời 13 hộ dân đang sản xuất, tái chế chì xen lẫn trong khu dân cư chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai để loại trừ hoàn toàn chì ra khỏi môi trường sinh sống hàng ngày của người dân. Áp dụng đồng loạt các biện pháp khác như hỗ trợ lát gạch men, bê tông hoá nền nhà, sân chơi, thay đất trong vườn, cung cấp nước sạch không sử dụng thực phẩm được nuôi, trồng trong khu vực bị ô nhiễm chì, các biện pháp vê sinh cá nhân khác. Đồng thời Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Quản lý môi trường y tế và Viện SKNN và MT, Bộ Y tế khẩn trương có kết quả xét nghiệm của 618 người dân đã được lấy mẫu máu để gửi cho chính quyền địa phương, trên cơ sở có kết quả xét nghiệm để tiến hành điều trị thải độc chì cho người bị nhiễm ưu tiên trẻ em, phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ, chuẩn bị mang thai.

Đối với 207 cháu đã có kết quả xét nghiệm giao cho Bệnh viện Bạch Mai phối hợp bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện đa khoa Phố Nối, tập huấn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật điều trị thải độc chì cho các cháu, ưu tiên các cháu nhiễm độc nặng điều trị trước, trường hợp nhẹ có thể xem xét điều trị tại bệnh viện huyện Văn Lâm. Viện SKNN và MT thực hiện việc xét nghiệm chì máu miễn phí cho nhân dân trước điều trị, trong điều trị và sau điều trị theo phác đồ điều trị và theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc điều trị thải độc chì Bộ Y tế đã làm việc với các cơ quan chức năng và đã có trong danh mục thuốc Bảo hiểm y tế, Bộ đã chỉ đạo cho các công ty cung ứng đầy đủ theo nhu cầu điều trị.

Bên cạnh việc điều trị thải độc chì, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra giám sát các cơ sở sản xuất, tái chế chì tại cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai để bảo vệ sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu tác hại của nhiễm độc chì và có các biện pháp phòng, tránh cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình đặc biệt trẻ em và phụ nữ.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng giao cho Hội thầy thuốc trẻ khám sức khỏe, sàng lọc và phát hiện bệnh ở các làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng khác.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc